Chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu thu ngân sách
Giá xăng dầu trong nước ngày 7/11 đã được điều chỉnh giảm 950 đồng/lít. Đây là lần giảm thứ 9 của giá xăng dầu trong nước. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu đã liên tục được điều chỉnh giảm và mức giảm này đã cao hơn tổng mức tăng giá.
Thưa ông, việc giảm giá xăng dầu lần này đã được tính đúng tính đủ chưa khi theo tính toán DN có lãi trên 1.000 đồng?
- Theo Nghị định 84, thời gian điều chỉnh được phép tới ngày 27/11 mới điều chỉnh. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là khi giá xăng dầu thế giới đã giảm thì không máy móc thực hiện theo quy định đó. Chính vì vậy, liên bộ đã thống nhất điều chỉnh giảm.
Nghị định 83 có khắc phục được những điểm hạn chế cũhay không?
- Nghị định 83 mới có hiệu lực từ 1/11/2014 nên chưa thể đánh giá mặt được hay chưa được. Có mấy nội dung mới trong Nghị định mới là tạo thêm cơ hội cho các DN kinh doanh xăng dầu để cạnh tranh hơn, cái đó có lợi cho người tiêu dùng. Thứ hai, khi đã có nhiều DN tham gia trên thị trường bán lẻ xăng dầu thì buộc các DN phải luôn tìm cách phục vụ tốt hơn, cải tiến công nghệ trong phân phối, bán xăng dầu. Thứ ba, tạo điều kiện, cơ sở để thị trường xăng dầu phát triển. Cái mới nữa là rất nhiều DN xăng dầu đầu mối thực hiện phương thức bán lẻ, trước đây chỉ có các đại lý. Bây giờ có cả đại lý, có cả mua đứt, bán đoạn, nhượng quyền, tạo thuận lợi cho DN và như vậy là đang tiến đến thị trường hóa.
Câu chuyện rất lớn hiện nay là giá dầu thế giới giảm sâu, trong khi ngân sách thu rất lớn từ dầu. Bộ trưởng đánh giá thế nào?
- Việt Nam cũng là một nước xuất khẩu dầu thô nên khi giá dầu thế giới giảm (còn 75 - 76 USD/thùng) thì dầu thô Việt Nam xuất có vấn đề. Giá xăng dầu giảm, lợi nhuận của hoạt động khai thác, chế biến dầu khí bị giảm cũng sẽ khiến ngân sách bị giảm thu đáng kể. Chính vì thế, thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô hiện nay đang giảm. Đấy là khó khăn, nhưng mình không thể vừa muốn xuất được dầu thô với giá cao và muốn nhập được xăng dầu thành phẩm với giá thấp.
Nhiều ý kiến lo ngại năm 2015, dự kiến thu từ hoạt động khai thác dầu thô 93.000 tỷ đồng có lẽ phải xem xét điều chỉnh lại. Nếu như vậy, có phải điều chỉnh kế hoạch kinh tế - xã hội không?
- Hiện nay chưa đặt vấn đề điều chỉnh. Quốc hội cũng đang xem xét thông qua nghị quyết kinh tế - xã hội và thực hiện ngân sách năm 2015, còn diễn biến của thị trường dầu thế giới rất khó lường vì nó không phải chỉ là vấn đề kinh tế mà còn cả vấn đề chính trị nữa giữa các nước khai thác xuất khẩu dầu với những nước nhập khẩu rồi vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên điều chúng ta có thể làm lúc này là phải tăng cường hơn nữa công tác thông tin nắm bắt tình hình và đưa ra được một số kịch bản để ứng phó để làm sao chúng ta đảm bảo vẫn khai thác được dầu nhưng hiệu quả phải cao nhất. Đó là câu hỏi đặt ra với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các bộ, ngành trong đó có Bộ Công Thương. Chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn công tác tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội.
Với giá thành hiện nay, lợi nhuận thu về từ dầu thô thế nào?
- Tôi chưa kiểm tra lại, nhưng nếu xuất khẩu với giá 76 USD/thùng thì lãi rất ít.
Xin cảm ơn ông!
Theo Kinh tế và Đô thị
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng quay trở lại của du khách
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cột tin quảng cáo