Chưa nên đánh thuế thu nhập tiền lãi ngân hàng
Chuyên gia tư vấn về lĩnh vực tài chính ngân hàng Phạm Nam Kim hiện đang sinh sống ở Thụy Sỹ cho rằng: Việt Nam chưa nên nghĩ đến việc đánh thuế thu nhập trên tiền lãi gửi ngân hàng.
Trong bối cảnh thị trường nhà đất ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, còn bộn bề những khó khăn, đề nghị đánh thuế thu nhập trên những khoản tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng của Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (Horea) trở thành đề tài gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam, phóng viên thường trú tại Geneva đã phỏng vấn ông Phạm Nam Kim với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực này tại Thụy Sỹ.
- Chuyên gia có thể chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia châu Âu về việc đánh thuế tiền tiết kiệm của người dân trong nước và liệu đây có phải thời điểm thích hợp để Việt Nam nghĩ đến vấn đề này?
Ông Phạm Nam Kim: Phần đông các quốc gia ở châu Âu quan niệm gửi tiền ngân hàng là một kênh đầu tư như mọi kênh đầu tư khác và tiền lãi nhận được là một nguồn lợi nhuận nên phải chịu thuế thu nhập như mọi nguồn lợi nhuận khác. Tuy nhiên, xét trên phương diện kinh tế vĩ mô, tiết kiệm gửi ngân hàng chiếm một tỷ lệ rất quan trọng trong tiết kiệm quốc gia và tiết kiệm quốc gia là động cơ chính của phát triển kinh tế, cho nên các chính phủ rất thận trọng trong việc đánh thuế tiết kiệm nói chung và tiết kiệm gửi ngân hàng nói riêng. Xét trên phương diện xã hội mọi chính phủ đều muốn khuyến khích tiết kiệm cá nhân để bảo đảm an sinh xã hội.
Vì vậy các quốc gia đều đưa ra những chế độ ưu đãi đặc biệt về thuế má, chẳng hạn như ở Pháp có sổ tiết kiệm "loại A," tiền huy động thông qua loại sổ tiết kiệm này dùng để tài trợ lĩnh vực bất động sản. Tất cả các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đều không đánh thuế trên tài khoản kế hoạch tiết kiệm để mua nhà.
Ở Thụy Sỹ, sổ tiết kiệm ngân hàng bị chịu thuế hai lần, lần thứ nhất là tiền lãi sẽ phải chịu thuế thu nhập và lần thứ hai là tiền vốn sẽ phải chịu thuế tư sản. Có một vài trường hợp được miễn thuế đó là tiết kiệm của thanh thiếu niên, tiết kiệm cho tuổi già, để mua nhà... Hình thức thu thuế cũng rất đặc biệt vì ngân hàng giữ trước cho chính phủ 35% tiền lãi và sẽ hoàn lại phần dư thừa khi khách hàng khai thuế thu nhập, đó là cách để khuyến khích người dân khai thuế tiền thu nhập lãi vì hiến pháp Liên bang Thụy Sỹ bảo đảm bảo mật thông tin ngân hàng ngay cả với các cơ quan thuế.
Khi so sánh với chế độ thuế ở các quốc gia khác thì đề xuất đánh thuế tiền gửi ngân hàng của Horea cũng dễ hiểu. Trên nguyên tắc, các kênh đầu tư đều phải được đối xử như nhau, nếu đánh thuế trên lợi nhuận trên thị trường chứng khoán, trên mua bán bất động sản thì cũng phải đánh thuế trên tiền gửi ngân hàng, nếu miễn thuế cho một loại thu nhập hay một thành phần dân chúng thì cũng phải nêu lý do chính đáng. Nhưng vấn đề ở đây là hiện tại có phải lúc để thu loại thuế này không? Và nếu thu thuế tiết kiệm liệu có đạt được mục đích mà Hiệp Hội trên đã đặt ra?
Việt Nam đang sống trong một giai đoạn khó khăn, nguồn cầu suy giảm rất mạnh, doanh nghiệp gặp khó, hàng không tồn kho không bán được, nhiều công ty phải giải thể. Tình hình kinh tế thế giới cũng không khá hơn, khủng hoảng mọi nơi chứ không riêng gì ở khu vực sử dụng đồng tiền chung (Eurozone), và mọi chính phủ đều cố gắng vực dậy nền kinh tế bằng cách kích thích tăng trưởng nguồn cầu và phương án đầu tiên vẫn là giảm thuế.
Việt Nam không thể đi ngược lại xu hướng trên vì vậy không nên hấp tấp nghĩ đến chuyện đánh thuế thu nhập trên lãi tiền gửi ngân hàng. Chỉ khi nào kinh tế bình ổn hơn, lúc đó chúng ta cũng nên thư thả coi lại tất cả chế độ thuế má. Còn việc đạt được những mục đích của Horea hay không lại là một câu chuyện khác.
- Chuyên gia có thể cho biết mục đích của Horea và đánh giá của mình về đề xuất trên?
Ông Phạm Nam Kim: Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea, khi đưa ra kiến nghị này với mục đích là để dòng tiền tiết kiệm, trên 500 triệu đồng, rời khỏi ngân hàng và đi vào sản xuất, kinh doanh. Nhìn trên khía cạnh kinh tế vĩ mô, nhiệm vụ của ngành ngân hàng là đứng ra làm trung gian huy động vốn dân cư và cung ứng dòng tiền này cho nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, vậy thì không cần biện pháp của Horea, dòng tiền tiết kiệm cũng đã đến với sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, từ 2 năm nay nhiệm vụ trung gian của ngân hàng giữa cung và cầu vốn đã không được hoàn tất, huy động vốn vẫn tăng trưởng đều đặn, nhưng tín dụng thì đứng yên tại chỗ. Lý do không phải là ngân hàng không muốn cho vay vì chính dịch vụ này là nguồn thu nhập của ngân hàng, nhưng khi kinh tế đi xuống thì rủi ro lên cao và ngân hàng không thể quên được là tiền cho vay là tiền tiết kiệm của dân cư và vì vậy không thể làm càn vì hệ lụy đầu tiên sẽ là người gửi tiền.
Nếu số vốn này rút ra khỏi ngân hàng, liệu người chủ số tiền này có liều lĩnh hơn ngân hàng và đầu tư trực tiếp vào sản xuất kinh doanh? Các giáo sư về toán tài chính bên nước ngoài cũng đã từng nghiên cứu vấn đề này và kết luận của họ là một nhà tư sản nhỏ lẻ chịu nhiều rủi ro hơn một ngân hàng hay một quỹ đầu tư vì các định chế tài chính này huy động nhiều nguồn vốn, quy mô lớn hơn và từ đó có khả năng dàn trải đầu tư trên nhiều kênh và hạ thấp xác suất xẩy ra nguy cơ.
Trên thực tế thì có những nhà tư sản "gan lỳ tướng quân" dám mạo hiểm và cũng có nhà tư sản "nhát như thỏ đế," nhưng trước vấn đề nộp thuế, thì dù là tính người thế này hay thế kia họ cũng suy luận như vậy, hiện tiền gửi ngân hàng mang lại x% tiền lãi, một khi bị đáng thuế sẽ chỉ còn y% tiền lãi vậy trên thị trường có kênh đầu tư nào với rủi ro tương đương mang lại hơn y%. Nếu không có thì chắc số vốn sẽ vẫn nằm ỳ ở ngân hàng.
Trong thập niên 1980, tôi đã từng chứng kiến cảnh nghịch lý ở Thụy Sỹ. Lúc đó lạm phát lên khoảng 15%/năm, Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ (SNB) muốn hạn chế tiền gửi ở ngân hàng (tiền gửi này là cha đẻ của khối tiền tệ) đã quyết định tất cả tiền gửi ngân hàng đều bị lãi suất âm 3%, nhằm ngăn chặn sự phát triển của khối tiền tệ, đầu mối của lạm phát. Nhưng kết quả lại hoàn toàn ngoài ý muốn của SNB, tiền gửi ngân hàng không hề suy giảm vì người dân không biết rút tiền ra rồi để đi đâu. Chính vì vậy, kiến nghị của Horea cũng nên suy ngẫm đến tình huống này và ngay cả các cơ quan chức năng cũng đang rất e ngại hạ lãi suất tiền gửi xuống dưới mức lạm phát.
Mặc dù chủ tịch Horea đã khẳng định kiến nghị của mình không có mục đích chuyển dòng vốn gửi ngân hàng vào bất động sản mà chỉ muốn cứu vãn tình hình kinh tế hiện tại, nhưng bất động sản lại là ngành đầu mối để vực dậy nền kinh tế quốc nội vì vậy ta cũng nên phân tích hệ quả của đề xuất trên đối với lĩnh vực nhà đất. Tình trạng thị trường bất động sản là xấu, nếu không muốn nói là thê thảm, để có thể so bì giữa gửi tiền ngân hàng và đầu tư địa ốc.
Nếu dòng tiền, thoát ra từ ngân hàng đổ vào đầu tư để xây cất thì hàng tồn kho còn chất đống, giá nhà đất vẫn trên đà đi xuống và giá vật liệu xây dựng thì lại đang tăng. Một loạt câu hỏi đặt ra: Xây xong bán cho ai, với giá nào; và lợi nhuận ra sao. Còn nếu mua nhà để bán lại (đầu cơ) thì liệu giá nhà có quay đầu tăng trở lại hay không và phải đợi bao nhiêu lâu, hơn nữa bán căn nhà không phải của mình ở sẽ phải chịu thuế thu nhập tính trên tiền lời giữa giá mua và giá bán. Vì những lý do trên dòng tiền thoát khỏi ngân hàng sẽ phải liều lĩnh lắm mới chui vào lĩnh vực bất động sản.
Nhưng dẫu sao Horea cũng đã đưa ra hai ý tốt: Thứ nhất là nhận xét về sự đối xử khác biệt giữa các kênh đầu tư trên phương diện thuế mà các nhà hoạch định chính sách cũng nên nghiên cứu thêm; Thứ hai là gây chú ý đến hiện trạng thực tế của nền kinh tế quốc gia cũng như của ngành bất động sản. Tuy nhiên kiến nghị đưa ra, so với mục tiêu mong muốn, thiếu tính khả thi.
- Nếu đề xuất trên thiếu tính khả thi, chuyên gia có ý tưởng gì về vấn đề này?
Ông Phạm Nam Kim: Nghị quyết 02/NQ của chính phủ hồi đầu năm đã đưa ra một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, tôi mong rằng lúc thi hành nghị quyết các cơ quan chức năng sẽ mạnh dạn hơn trong chiều hướng kích cầu địa ốc. Thật vậy, với số lượng căn hộ bỏ trống (riêng ở 2 thành phố lớn là hơn 80.000) thì nguồn cung quá dư, vực dậy bất động sản là phải tạo ra nguồn cầu để giải quyết hàng tồn kho và sau đó phát triển lại xây cất, như vậy bất động sản mới là ‘đầu tầu’ để kéo đi lên nền kinh tế quốc nội.
Muốn kích cầu thì phải tài trợ người mua cho vừa với khả năng tài chính của họ. Riêng về lãi tiền vay mua nhà để ở, chính phủ nên hỗ trợ thêm để người dân, nhất là giới thu nhập thấp có thể nghĩ đến chuyện mua nhà. Phương án mua nhà trả góp là hợp lý nhất, nhưng để vừa với túi tiền của người dân, lãi suất phải xuống thấp và khoản vay phải dài hạn. Phương án phải có tính chất lâu dài và cho một nền kinh tế thị trường, phải để cho thị trường điều hòa, chính phủ chỉ tạo ra những điều kiện thuận lợi và hỗ trợ lúc ban đầu mà thôi.
Tài trợ mua nhà trả góp phải do hệ thống ngân hàng đảm nhận, muốn vậy ngân hàng phải có tiền gửi dài hạn với một quy mô tương xứng, còn chính phủ cần tạo điều kiện để khuyến khích người dân tiết kiệm lâu dài và để có được một thị trường vốn dài hạn. Lãi suất cho vay hiện ở một mức độ quá cao, 15-17%, trong khi lãi trên tiền gửi chỉ còn 8% - ngân hàng ăn chênh lệch là từ 7 đến 9%, trong khi ở nước ngoài chỉ ở mức độ 1,5% và với một mức độ chi phí điều hành cao hơn nhiều.
Nếu chỉ hỗ trợ người thu nhập thấp để mua nhà ở xã hội thì có lẽ rất khó xử lý tất cả khối lượng nhà bỏ trống trên thị trường và nên chăng có những điều kiện dễ dãi cho những phân khúc khách hàng cao hơn có khả năng mua những căn hộ đắt hơn. Nghị quyết 02 cũng nói đến thành phần khách hàng nước ngoài, có lẽ ta cũng nên giải quyết vấn đề người Việt định cư ở nước ngoài, luật đã được đề ra từ 2009 nhưng vẫn còn những vướng mắc, rào cản ở địa phương để Việt kiều có thể mua nhà ở Việt Nam. Cũng trong lĩnh vực này cũng nên có văn bản pháp luật và thỏa thuận với nước ngoài để Việt kiều có thể mua nhà trả góp ở Việt Nam với sự tài trợ của ngân hàng nước cư ngụ.
Còn về 1/3 những văn phòng cho thuê, hiện đang bỏ trống, thì đây là cợ hội rất tốt để nâng cao cơ sở vật chất của người lao động Việt Nam cho bằng với những điều kiện làm việc ở những nước tân tiến, Bộ Lao động cũng nên nghiên cứu việc này và đưa ra những chỉ đạo hợp lý. Số còn lại, khi kinh tế phát triển trở lại sẽ tự thị trường sẽ tìm ra hướng giải quyết.
- Xin cảm ơn ông./.
N. M (Theo Vietnam+)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo