Chứng khoán Trung Quốc sụt mạnh, phải ngừng giao dịch
VOV dẫn nguồn từ Bloomberg đưa tin, Trung Quốc - một trong những thị trường chứng khoán biến động mạnh nhất thế giới – đã ngưng các hoạt động giao dịch cổ phiếu và các hợp đồng chỉ số tương lai từ 1 giờ 34 phút ngày 4/1 (theo giờ địa phương), sau khi chỉ số CSI 300 giảm hơn 7%.
Bloomberg cho biết, các cổ phiếu lao dốc ngay khi thị trường mở cửa trở lại sau dịp Tết dương lịch và việc tạm dừng giao dịch 15 phút sau mức giảm 5% vẫn không ngăn được đà giảm của thị trường. Đợt bán tháo này là khởi đầu năm mới tệ nhất từ trước đến nay đối với thị trường chứng khoán Trung Quốc, xảy ra vào ngày đầu tiên áp dụng cơ chế mới ban hành vào cuối năm 2015.
Theo cơ chế được thông qua hồi tháng 12/2015, nếu chỉ số CSI 300 giảm hơn 5% thì thị trường cổ phiếu, quyền chọn cùng chỉ số tương lai sẽ tạm ngừng giao dịch trong 15 phút. Nếu mức giảm là trên 7%, thị trường sẽ đóng cửa sớm.
Chỉ số CSI 300 bao gồm các công ty có vốn lớn niêm yết ở Thượng Hải và Thâm Quyến đã giảm 7,02% trước khi các hoạt động giao dịch bị đình chỉ vào trưa 4/1.
Theo tin từ báo VnExpress, cũng trong phiên sáng nay, Shanghai Composite Index cũng đã mất 3,9%. Đây là mức giảm ngày đầu năm mới lớn nhất từ khi chỉ số này được lập ra năm 1990. Hang Seng Index trên sàn Hong Kong (Trung Quốc) cũng mất 2,1%. Còn giá NDT trên thị trường thế giới xuống thấp nhất từ tháng 5/2011.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) Trung Quốc giảm tháng thứ 5 liên tiếp khi chỉ đạt 49,7 trong tháng 12, Tổng cục Thống kê nước này cho biết. Số liệu dưới 50 cho thấy sản xuất đang co lại. Đây là chuỗi giảm dài nhất từ năm 2009, bất chấp nước này đã nhiều lần giảm lãi suất và kích thích tài khóa.
"Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) yếu và NDT mất giá đã khiến chứng khoán mất điểm. Các yếu tố cơ bản sẽ khiến thị trường còn chao đảo nữa, đặc biệt khi giá NDT cả trong nước và quốc tế sẽ còn đi xuống", Michael Every - Giám đốc nghiên cứu tại Rabobank Group nhận xét trên Bloomberg.
Lệnh cấm các cổ đông lớn bán cổ phiếu trên hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến của Trung Quốc sẽ hết hiệu lực tuần này. Goldman Sachs ước tính lệnh hạn chế này đã ảnh hưởng đến các nhà đầu tư với tổng cổ phiếu nắm giữ trị giá hơn 185 tỷ USD. Gỡ bỏ lệnh này có thể tạo ra "rủi ro thanh khoản".
"Tâm lý chung trên thị trường vẫn bi quan sau chỉ số PMI yếu. Nhà đầu tư cũng lo ngại về việc gỡ bỏ lệnh cấm bán nữa", William Wong - Giám đốc Giao dịch tại Shenwan Hongyuan Group cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo