Chứng khoán Việt đã qua thời "a dua", phong trào?
Đây là một trong những nội dung được Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đưa ra khi công bố Top 10 Doanh nghiệp niêm yết uy tín năm 2017 vào hôm nay (19/12/2017).
Theo khảo sát chuyên gia do đơn vị này thực hiện trong tháng 12/2017, đa số cho rằng, thị trường chứng khoán trong năm 2017 tăng trưởng mạnh. Chỉ số VN-Index (từ 665 lên 926, tương đương với mức tăng khoảng 40%), mức tỷ trọng vốn hóa tăng từ 35% GDP vào năm 2015 lên mức 65% GDP trong năm nay, thanh khoản tăng gấp đôi năm 2016. Các nhà đầu tư ngoại tích cực mua ròng với tổng giá trị danh mục đầu tư gián tiếp tăng khoảng 47% kể từ đầu năm 2017…
Các cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường cũng được đánh giá là cải thiện rất nhiều cả về số lượng và chất lượng. Tính đến hết tháng 10, tổng số các doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch đã lên tới 1.374 doanh nghiệp, tăng 24% so với đầu năm và tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Việc IPO, thoái vốn của các doanh nghiệp lớn trong thời gian gần đây được cho là đã góp phần không nhỏ kích thích sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Khác với những đợt bán vốn nhà nước ở các công ty có quy mô nhỏ, làm ăn kém hiệu quả trước đây, việc thoái vốn năm nay tập trung vào các doanh nghiệp đầu ngành, các mã cổ phiếu lớn như VNM, VCG, FPT, NTP, BMP, DMC… đã thu hút nhiều quỹ đầu tư lớn nước ngoài tham gia.
Lũy kế 11 tháng đầu năm nay khối ngoại mua ròng khoảng 1,77 tỷ USD, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2016, theo đó giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư ngoại tăng mạnh, ước đạt 32,5 tỷ USD, tăng gần 59% so với thời điểm cuối năm 2016.
“Đây là minh chứng rõ nét cho thấy sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và các mã cổ phiếu chất lượng nói riêng trong năm 2018”, đơn vị khảo sát nhận định.
Cũng theo kết quả đợt khảo sát, nếu như trước đây, tâm lý đám đông có ảnh hưởng nhiều nhất đến các quyết định giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư thì nay tình hình phát triển của công ty được đánh giá là yếu tố tác động lớn nhất tới biến động giá cổ phiếu.
Điều này thể hiện qua thực tế trên thị trường thời gian qua có sự phân cấp: nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, đầu ngành và có kết quả kinh doanh tốt tăng giá mạnh, chỉ số P/E ở mức rất cao; trong khi đó, các cổ phiếu yếu kém vẫn giảm giá liên tục.
“Các nhà đầu tư chứng khoán đang bớt dần kiểu đầu tư theo phong trào và bắt đầu có sự nghiên cứu, đánh giá sâu hơn về chất lượng của các cổ phiếu đang giao dịch”, báo cáo ghi nhận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo