Thị trường

Chuỗi ăn uống chuộng Sài Gòn, ngại ra Hà Nội

Đồng loạt gia nhập thị trường Việt Nam thời gian qua song đa phần các thương hiệu ăn uống lớn trên thế giới đều chọn TP HCM để đặt chân. Trong khi đó, các kế hoạch Bắc tiến đều hết sức chật vật.

 Đổ bộ vào thị trường Việt Nam những năm gần đây, đa phần các đại gia trong ngành công nghiệp ăn uống (F&B) quốc tế đều xem TP HCM là đất hứa để gieo những hạt mầm đầu tiên. McDonald's rầm rộ mở nhà hàng thứ nhất tại TP HCM vào tháng 2/2014, sau 6 tháng đã khai trương cửa hàng thứ ba và định vị nhiều địa điểm cho các chi nhánh kế tiếp ở Sài Gòn. Tuy vậy, hãng này lại chưa có một động thái rõ ràng nào cho việc tiến ra Hà Nội.

Trước đó, thương hiệu kem Dairy Queen (DQ) được QSR Việt Nam khai trương cửa hàng đầu tiên tại Sài Gòn vào tháng 1/2014 và tuyên bố 5 năm tới, công ty có kế hoạch mở chuỗi 60 cửa hàng, chủ yếu tập trung tại thành phố này.

Trao đổi với phóng viên, Tổng giám đốc vận hành (COO) của Dairy Queen toàn cầu, Jean Champagne cho biết thị trường thức ăn nhanh Việt Nam, đặc biệt là TP HCM đang rất hấp dẫn và sẽ tăng trưởng nhanh trong 5-10 năm tới. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh TP HCM là thị trường mục tiêu DQ muốn mở rộng thị phần trong khu vực Đông Nam Á.

Là tập đoàn đồ uống danh tiếng tại Mỹ với hơn 23.000 cửa hàng bán lẻ tại 64 quốc gia trên toàn cầu, đầu năm 2013, Starbucks chọn Sài Gòn là nơi xuất phát điểm và hiện đã có cửa hàng thứ 8. Dù được giới trẻ Việt Nam cuồng nhiệt hưởng ứng, nhưng phải đến quý III/2014 thương hiệu này mới chính thức Bắc tiến.

McDonald's Việt Nam cho hay đã xác định được 5 vị trí để mở nhà hàng và đã công bố 3 địa điểm nhưng đơn vị này chưa có động thái tiến ra Hà Nội trong năm 2014. Ảnh: Vũ Lê


Một gương mặt châu Á khá đình đám được ví là "đàn em" của KFC - chuỗi nhà hàng, cà phê NYDC - xuất hiện tại TP HCM 6 năm nay với 6 chi nhánh đặt tại các vị trí đắc địa ở khu trung tâm Sài Gòn cũng chưa mạnh dạn ra Hà Nội.

Quản lý NYDC cho hay, không thể sớm gia nhập thị trường phía Bắc vì khác biệt lớn về chất lượng dịch vụ. Một trong những yêu cầu nghiêm ngặt của thương hiệu là dù mở ở bất cứ đâu thì cung cách, chuẩn dịch vụ cũng phải đồng nhất. "Do điều này chưa được chú trọng tại thị trường Hà Nội nên sẽ phải mất nhiều thời gian để chuẩn bị đội ngũ quản lý, huấn luyện ở thị trường mới", vị này giải thích.

Bên cạnh các đại gia ngoại, những thương hiệu Việt đã định vị được chỗ đứng riêng cũng tỏ ra thận trọng khi tiến ra thị trường phía Bắc. Đang có tốc độ mở rộng hệ thống chóng mặt như Urban Station, xuất hiện 34 chi nhánh tại Việt Nam trong vòng 2 năm nhưng lượng cửa hàng ở TP HCM đã lên đến 24, còn Hà Nội chỉ có 6.

Trong khi đó, gia nhập thị trường vào năm 2013, hiện Công ty Startup có 5 cửa hàng cà phê cùng tên tại TP HCM, sắp mở thêm 2 chi nhánh tại quận 1 và quận 10 trong năm nay nhưng mới chỉ xúc tiến hợp tác đầu tư mở một chi nhánh ở Hà Nội.

CEO Startup, Mai Trường Giang bộc bạch: "Tôi vẫn chưa dám một mình xâm nhập thị trường này. Hà Nội không chỉ khác Sài Gòn về gu ẩm thực, chất lượng dịch vụ mà ngay cả văn hóa tiêu dùng, quá trình tìm kiếm mặt bằng, nhượng quyền cũng rất khó thương lượng".

7 năm cung cấp giải pháp quản lý bán hàng cho các chuỗi nhà hàng, bán lẻ, Giám đốc điều hành Công ty D'Corp R-Keeper, James Dương Nguyễn phân tích có khá nhiều yếu tố khiến những thương hiệu F&B cuồng nhiệt với thị trường Sài Gòn hơn là Hà Nội.

Nguyên nhân lớn nhất vì TP HCM rộng lớn và có phong cách "mở" hơn, sẵn sàng tiếp nhận cái mới. Kế đến là tất cả các dịch vụ cung ứng cho ngành F&B tại đô thị này đều thuận tiện, trong khi nhà đầu tư lại gặp khá nhiều rào cản khi kinh doanh loại hình này tại Hà Nội. Mặt bằng ở đây được đánh giá là khó kiếm và đắt đỏ hơn TP HCM, trong khi thị trường lại chưa phát triển đội ngũ đi săn mặt bằng chuyên nghiệp.

Theo ông Dương, người Hà Nội nói riêng và phía Bắc nói chung tiêu dùng khá thận trọng. Cái gì mới quá thì mọi người sẽ có tâm lý chờ đợi và thăm dò, phải mất thời gian để làm quen dần. Ngoài ra, nhìn chung kỹ năng của đội ngũ nhân sự phía Bắc chưa bằng phía Nam. Khái niệm “kinh doanh dịch vụ” ở phía Bắc còn khá mới mẻ và chưa được xã hội xem trọng. Điều này phần nào ảnh hưởng đến suy nghĩ và văn hóa “đi làm thuê chuyên nghiệp” trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, cà phê.

Sự cởi mở trong việc tiếp nhận các công cụ và kỹ năng quản trị hiện đại ở phía Bắc cũng chậm hơn phía Nam. Số lượng các nhà tư vấn và nhà cung cấp chuyên nghiệp ở phía Bắc còn khá ít. Các công ty nước ngoài khi đến TP HCM sẽ không mấy khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp và tư vấn tại chỗ từ hệ thống quản lý, hệ thống tuyển dụng, nguồn  nhân lực, nhà thầu thi công, trang thiết bị… nhưng ở phía Bắc thì ngược lại.

Nhìn nhận sự việc ở góc độ văn hóa, Giám đốc chuỗi rửa xe thông minh Vietwash - Phan Bảo Lâm đánh giá, văn hóa vỉa hè ở Hà Nội đã phần nào khiến cho các đối thủ ngoại phải dè chừng, thậm chí gặp khó khăn khi đối đầu với những "tay chơi" bản địa.

Người Hà Nội vẫn cảm thấy thích thú và thoải mái với việc ngồi ăn uống ở quán vỉa hè rất nhỏ, chật chội, miễn là ngon. Ông Lâm kể có người bạn là chủ thương hiệu trà sữa Hoa Hướng Dương (có đến 20 chi nhánh ở Sài Gòn) than thở không biết nên làm thị trường Hà Nội như thế nào cho đúng cách. Bởi lẽ khách hàng thích ngồi trên vỉa hè hơn là phòng phòng máy lạnh, trong khi các thương hiệu ngoại lai thì không có khái niệm bán vỉa hè.

Ông Lâm cho hay, số lượng hàng quán nhỏ, kinh doanh món truyền thống, lâu đời, ngon miệng, nổi tiếng ở thủ đô cũng rất nhiều. Các món “quà vặt” ở Hà Nội phong phú vẫn đặc biệt hấp dẫn giới trẻ. Mọi người sẵn sàng đi vào những quán nhỏ và siêu nhỏ nằm trong những ngõ sâu để ăn một món nổi tiếng.

Theo ông Lâm, khí hậu Hà Nội có những mùa mưa, lạnh mấy tháng trời, người dân ít đi ra khỏi nhà nên sức mua và ăn uống đều giảm. Ngược lại, Sài Gòn có nắng nóng quanh năm, cứ mưa xong lại nắng, thời tiết ổn định nên người dân chuộng ăn ngoài buổi tối Đó là lý do vì sao các thương hiệu F&B được dịp phát triển chóng mặt tại TP HCM, nhưng dè chừng khi ra Hà Nội.

Tuy vậy, theo quan điểm của chuyên gia này, người Hà Nội cũng bắt đầu thích cái mới và các thương hiệu cao cấp. Điển hình là Starbucks mở 3 cửa hàng hồi tháng 8 vừa qua giới trẻ đã xếp hàng dài để thưởng thức. "Thời gian có thể khiến nhận thức của người Hà Nội thay đổi. Tuy nhiên cần nhìn nhận nghiêm túc và đánh đúng vào văn hóa, tâm lý tiêu dùng khác biệt này thì mới mong thành công được tại Hà Nội", ông nhận định.

VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo