Chương trình môn Vật lý mới coi trọng kỹ năng thực hành
Bộ GD&ĐT sắp công bố dự thảo chương trình các môn học mới để lấy ý kiến giáo viên và các nhà chuyên môn. Trong đó, chương trình môn Vật lý mới sẽ có nhiều thay đổi khác biệt so với chương trình hiện hành cả về cách thức dạy và học lẫn kỹ năng đánh giá.
Tích hợp ở giai đoạn giáo dục cơ bản, phân hóa ở trung học phổ thông
PGS.TS Nguyễn Văn Khánh, Chủ biên Chương trình môn Vật lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, giáo dục Vật lý được phân bố ở cả ba cấp học với các mức độ khác nhau, thông qua các môn học: Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, lớp 2 và lớp 3); Khoa học (lớp 4 và lớp 5); Khoa học tự nhiên (Trung học cơ sở); Vật lý (trung học phổ thông).
Ở trung học phổ thông, Vật lý là môn học thuộc nhóm môn Khoa học tự nhiên, được lựa chọn theo nguyện vọng của học sinh. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp này, môn Vật lý giúp học sinh tiếp tục phát triển các phẩm chất, năng lực đã được định hình trong giai đoạn giáo dục cơ bản, củng cố các phẩm chất, kỹ năng cốt lõi, tạo điều kiện để học sinh bước đầu nhận biết đúng năng lực, sở trường của bản thân, có thái độ tích cực đối với môn học.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Khánh, thiết kế chương trình chú trọng vào bản chất, ý nghĩa vật lý của các đối tượng, đề cao tính thực tiễn; tránh khuynh hướng thiên về Toán học; tạo điều kiện để giáo viên giúp học sinh phát triển tư duy khoa học dưới góc độ vật lý, khơi gợi sự ham thích ở học sinh, tăng cường khả năng vận dụng tri thức vào thực tiễn.
Các chủ đề được thiết kế, sắp xếp từ trực quan đến trừu tượng, từ đơn giản đến phức tạp, từ hệ được xem như một hạt đến nhiều hạt; bước đầu tiếp cận với một số nội dung hiện đại mang tính thiết thực, cốt lõi.
Bên cạnh việc sử dụng các mô hình Vật lý và Toán học, chương trình chú trọng thích đáng đến việc hình thành năng lực tìm tòi khám phá các thuộc tính của đối tượng vật lý thông qua các nội dung thí nghiệm, thực hành dưới các góc độ khác nhau.
Cùng với các nội dung giáo dục cốt lõi có thời lượng 70 tiết/năm học, những học sinh có định hướng nghề nghiệp cần vận dụng nhiều tri thức Vật lý được học thêm 35 tiết chuyên đề/năm học. Trong các chuyên đề này, một số có tác dụng mở rộng, nâng cao kiến thức và năng lực đáp ứng yêu cầu phân hóa ở cấp trung học phổ thông. Một số nhằm tăng cường hoạt động thực hành, vận dụng thực tế, giúp học sinh phát triển tình yêu, sự say mê, ham thích tìm hiểu khoa học, định hướng nghề nghiệp.
Phương pháp giáo dục là yếu tố quyết định để phát triển năng lực học sinh
Chương trình được thiết kế nhằm tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng các phương pháp giáo dục một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể. Tùy theo yêu cầu cần đạt, có thể sử dụng một hoặc phối hợp nhiều phương pháp dạy học trong một chủ đề.
PGS.TS Nguyễn Văn Khánh cũng nhấn mạnh, trong nội dung, hình thức và phương pháp kiểm tra đánh giá phát triển năng lực học sinh, chương trình tạo điều kiện để chú trọng tập trung đánh giá các thành phần của Năng lực vật lý. Bên cạnh đánh giá kiến thức, coi trọng đánh giá khả năng đề xuất các phương án thí nghiệm, các kỹ năng thực hành và năng lực vận dụng tri thức vào thực tiễn.
Do hình thức trắc nghiệm khách quan không phù hợp cho đánh giá kỹ năng thực hành nên chương trình quan tâm hợp lý đến việc sử dụng cách đánh giá qua các sản phẩm thực hành của học sinh (ví dụ sản phẩm của các dự án học tập) cũng như các đánh giá mang tính tích hợp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo