Chuyện chưa từng tiết lộ về tướng cướp Hiền “đầu bạc” khét tiếng xứ Thanh (kỳ 3)
Cuộc vây bắt hồi hộp mang bí số V89
Trước tình hình an ninh xã hội tại khu vực ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là hành vi tội phạm của băng nhóm Nguyễn Mạnh Hiền đã trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết, Ban giám đốc Công an Thanh Hóa quyết định báo cáo với Bộ Công an thành lập một ban chuyên án bao gồm lực lượng chi viện của bộ, công an địa phương, lực lượng quân đội dưới sự chỉ đạo của Phòng CSHS Công an tỉnh Thanh Hóa. Lúc đầu, tổ công tác điều tra gặp vô cùng khó khăn, bởi địa bàn hoạt động của Hiền khá rộng lớn, hiểm trở, rất khó tiếp cận; tay chân của Hiền lại tỏ ra quá hung hãn, nguy hiểm, có súng yểm trợ. Những khó khăn đó không làm nản lòng các chiến sĩ. Nhiều chiến sĩ được cử vào “nằm vùng” nhằm tìm hiểu về hành tung bí ẩn của tên Hiền.
Khi đã nắm chắc tình hình, chuyên án với bí số “V89” ra đời, do đồng chí Lê Trọng Giác - Phó Giám đốc CA tỉnh làm Trưởng ban; đồng chí Đồng Xuân Kỷ - Trưởng phòng CSHS làm Phó ban; tham gia chỉ đạo có đồng chí Tạ Minh Đức và Lê Đình Ty. Các lực lượng được huy động bao gồm: CSHS, CSBV, CSĐT. Tất cả đều xác định đây là một trong những chuyên án lớn, phức tạp, nằm trên địa bàn hiểm trở, lại có nhiều đối tượng tội phạm nguy hiểm quy tụ. Tình hình trên buộc Công an tỉnh phải báo cáo với Tổng cục Cảnh sát để xin chi viện. Tổng cục đã điều đồng chí Vũ Tất Bình - Phó cục trưởng Cục CSHS cùng một số cán bộ khác tăng cường cho tỉnh Thanh Hóa và chỉ đạo cho Công an tỉnh Hòa Bình phối hợp cùng truy bắt.
Ngày 6.9.1990 kế hoạch vây bắt, truy quét băng nhóm do Nguyễn Mạnh Hiền cầm đầu đã được thống nhất, cho phép lực lượng vây bắt được tiêu diệt bọn tội phạm nếu chúng dùng vũ khí chống trả. Lúc này, tại thôn Kịt, lệnh cấm vào rừng được ban bố cả ngày lẫn đêm nhằm bảo vệ tính mạng cho đồng bào. Toàn bộ dân quân của thôn với số lượng hơn 50 người, do Trưởng thôn Hà Văn Thông lãnh đạo được huy động, cứ 3-4 người chung một khẩu súng, trang bị thêm dao, gậy phối hợp với công an canh gác suốt ngày đêm tại các cửa rừng.
Ông Ngân Như Luyện -Trưởng Công an huyện Bá Thước năm 1990 vẫn còn nhớ rõ: “Sáng sớm ngày 12.9, Ban chuyên án quyết định hành quân lên xã Lũng Cao. Để tránh bị lộ tin tức, toàn bộ lực lượng phải mặc dân sự, không tập trung ở Công an huyện Bá Thước rồi di chuyển qua phà La Hán như dự kiến ban đầu, mà tập trung từng người tại ngã ba Đồng Tâm, xã Thiết Ống rồi chèo thuyền từng tốp một, lần lượt qua sông. Đi bộ từ sáng cho đến chập tối, toàn bộ lực lượng tập trung tại nhà ông Hà Văn Yên ở làng Cao, lúc này đang giữ chức Chủ tịch UBND xã Lũng Cao”.
Trước đó không lâu, thư kêu gọi Hiền “đầu bạc” đầu hàng do ông Ngân Như Luyện viết, ông Bùi Quang Niên - Chủ tịch UBND huyện Bá Thước ký và đóng dấu, được đưa cho ông Nguyễn Mạnh Hiệp - lúc này đang là cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện, là anh trai ruột của Hiền đích thân đưa cho Hiền và hết sức khuyên giải, nhưng Hiền vẫn ngoan cố không chấp nhận.
Tiếng súng chát chúa trên đỉnh Kịt Toong Hoong
Chủ tịch xã Lũng Cao Hà Văn Yên vẫn còn nhớ rất rõ, kể lại: “Chiều hôm đó các anh bên lực lượng công an có đến nhà tôi nghỉ một lúc, tôi có lấy rượu cần ra mời, nhưng các anh không uống, vội vã đi luôn. Chiều tối 12.9.1990, Ban chuyên án đã huy động lực lượng của tỉnh, huyện và dân quân, CA xã khoảng 80 cán bộ, chiến sĩ và một trung đội của bộ đội tỉnh, tổng cộng phải trên 100 người triển khai đội hình gồm nhiều mũi tấn công địa bàn của băng cướp”.
Từ nhà ông Yên, đoàn cán bộ, chiến sĩ đi bộ khoảng 14km từ làng Cao thuộc trung tâm xã đến làng Nũa thì tách ra làm hai mũi. Một mũi do Chủ tịch xã Hà Văn Yên và Trưởng Công an xã Vi Xuân Xanh trực tiếp chỉ huy lực lượng công an xã đi vòng qua làng Pốn, tiến thẳng vào làng Hang, chặn đường rút của băng nhóm Hiền “đầu bạc”, chính mũi tấn công này đã bắt được Hiền khi y đã ẩn náu trên nhà sàn tại làng Hang. Một mũi tấn công do ông Vi Văn Cư - Bí thư Đảng ủy xã và đồng chí Hà Xuân Cơ - Xã đội trưởng Lũng Cao - chỉ huy dân quân xã tiến thẳng vào làng Kịt. Một mũi tấn công từ Hòa Bình đánh vào do đồng chí Hà Việt Thùa -Trưởng Công an huyện Mai Châu dẫn đầu chặn đường rút chạy của chúng sang Hòa Bình. Mũi tấn công chính có sự phối hợp giữa công an và quân đội đánh thẳng vào bãi vàng Kịt Toong Hoong đã làm lực lượng của Hiền xao xác, náo loạn.
Loa phóng thanh liên tục kêu gọi đầu hàng để nhận được sự khoan hồng của pháp luật, nếu không sẽ bị tiêu diệt ngay tại chỗ. Trước sự tiến công mạnh như vũ bão của các lực lượng truy quét, đám đàn em của Hiền nhận thấy không thể chống trả nổi, nên nhiều tên đã bỏ chạy, hoặc đầu hàng. Lúc này Hiền đang ở trong hang Bương với vợ là Đức, không kịp mặc cả quần áo, kéo Đức chạy lên núi. Lúc mới tháo chạy, do bên cạnh Hiền có Đức nên lực lượng chưa nổ súng tiêu diệt. Về sau, khi đã an toàn, Hiền đã thả Đức cho về nhà, một mình y cố thủ trong rừng sâu.
Riêng tên Trương Công Chính, ở làng Côn, xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, sau khi phát hiện ra đồng chí Trương Văn Lịch là công an nằm vùng lâu nay, y đã cay cú điên rồ nhân lúc anh Lịch không để ý đã dùng đá đập vào giữa trán anh Lịch làm máu chảy lênh láng ngã lăn xuống đất, y định xông lại giết anh, anh Lịch buộc lòng phải nổ súng tiêu diệt tên Chính ngay tại chỗ. Hôm đó xuất hiện hai cáng cứu thương, một cáng do đàn em của tên Chính mang xác về quê chôn cất, một cáng do công an đưa đồng chí Lịch đi cấp cứu.
Về phần Hiền “đầu bạc”, do bị đói, rét sau một ngày chạy trốn trong rừng, sáng sớm ngày 14.9.1990, Hiền về làng Hang, xã Lũng Cao, vào nhà ông Vi Văn Làn lấy quần áo để thay, sau đó y chạy sang nhà ông Vi Văn Sẩm xin ngủ nhờ đánh lạc hướng công an. Nhắc lại việc Hiền cầm súng vào nhà mình xin ngủ nhờ, đến bây giờ vợ chồng nhà ông Vi Văn Sẩm, bà Hà Thị Thưa vẫn không khỏi sợ hãi: “Lúc đó đã gần sáng, khoảng 4 giờ hơn, gia đình tôi đang ngủ thì nghe tiếng gõ cửa, tôi vội mở cửa thì thấy Hiền lù lù đứng trước cửa, tay cầm súng, nó đòi ngủ nhờ một đêm, tôi cũng không muốn nó vào nhà vì sợ liên lụy nhưng lại sợ nó giết cả nhà, nên tôi buộc phải cho nó ngủ nhờ, nếu nó không vào nhà tôi thì nó cũng vào nhà khác”.
Hiền trèo lên gác nhà sàn chứa đầy ngô để lẩn trốn. Lực lượng truy quét và mũi công tác do ông Yên, ông Xanh lần theo dấu vết của Hiền đến làng Hang thì mất dấu. Nhưng, thật may cho lực lượng công tác, và rủi ro cho Hiền “đầu bạc”, lúc này có cô Hà Thị Quê khoảng 17 tuổi ở làng Nũa, chuyên đi bán hàng rong quanh bãi vàng, lúc đó đang ngủ nhờ trong nhà ông Sẩm, đã ra ám hiệu cho biết Hiền ẩn náu tại đây. Tổ công tác nhanh chóng bao vây nhà ông Sẩm.
Ông Hà Văn Yên kể lại: “Chúng tôi nhanh chóng áp sát ngôi nhà sàn, thấy bốn người đang ngủ dưới sàn, chúng tôi xông vào trói tay, hóa ra là bọn trộm trâu, không phải Hiền. Một người hỏi “Hiền ở đâu?”, ở trên gác nhà sàn, Hiền nghe thấy, biết là không thể chạy toát, y vội nói “Hiền đây, Hiền xin đầu hàng chính quyền, đầu hàng Nhà nước”. Mọi người chạy lên nhà sàn thấy Hiền nằm trên gác, định đưa thang cho y trèo xuống, Hiền nói “Tôi lên được thì phải xuống được”, rồi nhảy xuống nằm úp mặt dưới nhà sàn. Đúng 7h, Hiền bị bắt, tịch thu một súng K54 chỉ còn 1 viên đạn.
Đến trưa cùng ngày 14.9.1990, tất cả tổ chức của y gồm 23 tên lần lượt bị bắt, kể cả những tên đã chạy thoát sang phía Hòa Bình và các huyện khác của xứ Thanh. Vụ án Hiền “đầu bạc” xem như kết thúc tốt đẹp. Hà Thị Quê nhờ có công “tố giác tội phạm” được khen thưởng xứng đáng, còn ông Vi Văn Sẩm bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng do không khai báo việc Hiền đang ẩn náu trong nhà mình. Hiện ông Sẩm đang sống một mình trong làng Hang heo hút, giờ chỉ còn lại vài ba hộ bám trụ. Cô vợ của Hiền “đầu bạc” Hà Thị Đức sau đó cũng theo gia đình vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế, làm lại cuộc đời.
Kết cục của Hiền “đầu bạc” ra sao hẳn nhiều bạn đọc đã biết. Y đã được đưa ra xét xử công khai và mức án dành cho y không thể khác, đó là tử hình.
Một cuộc vây ráp vũ trang mà tiếng súng, máu và khói bụi mù mịt vẫn còn gây “ấn tượng” với người dân địa phương đến tận 20 năm sau. |
Kỳ tiếp: Gặp người chỉ huy trinh sát luồn sâu, đột nhập hang ổ tướng cướp
End of content
Không có tin nào tiếp theo