Chuyện đời đáng kinh ngạc của “đại gia gù” từng 15 năm nằm trên giường bệnh
Mặc dù bị khuyết tật song ông Lý Xuân Phú ở thị trấn Chũ huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang đã có những “chiến tích” vượt trội mà một người bình thường cũng phải mơ ước. Hiện ông là chủ của một tiệm vàng và một công ty vận tải có tiếng tại tỉnh Bắc Giang. Không chỉ vậy, ông còn là một vận động viên bóng bàn tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Bước đường trở thành “đại gia”
Không quá khó khăn để tôi tìm được nhà của ông. Đó là một dinh thự tráng lệ được xây dựng một cách cầu kỳ tỉ mỷ. Chờ đợi mãi cuối cùng ông Phú cũng bớt chút thời gian bận rộn để tiếp tôi. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp người đàn ông này là sự thán phục.
Một người đàn ông chừng ngoài 60 tuổi, lưng gù hẳn xuống làm ông di chuyển hết sức khó khăn. Nhưng bù lại ông có một giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng nhưng rất cương nghị, quyết đoán. Sự sang trọng của ông lại được bộc lộ bởi chính sự khiêm tốn và chân thành. Nhấp một chén trà thơm, chủ nhà cùng khách như được tua một thước phim sống động của một đời người đã đi quá nửa thế kỷ.
Lý Xuân Phú thời còn là sinh viên Trường Sư phạm 10+3 Bắc Giang, từng là một chàng trai có thể hình lý tưởng với chiều cao 1m70 nặng 64kg. Anh là một chàng thanh niên say mê bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn…
Nhưng định mệnh đã khiến cho cuộc đời Lý Xuân Phú rẽ sang một hướng khác. Một cú ngã nguy hiểm trên sân bóng khiến Phú bị chấn thương cột sống. Tiếp theo đó là những ngày điều trị không đúng phương pháp, nằm gối cao cho đỡ đau, dẫn đến tình trạng dính cột sống không thể khắc phục được.
Ông Phú kể lại: Khi đó, ông đã tuyệt vọng và bế tắc đến mức 15 năm liền không làm được gì. Hồi đó, ông đau đớn tới mức chỉ nằm trên giường. Nhưng rồi ông nghĩ không thể cứ nằm mãi đến hết đời. Ông gắng gượng dần ngồi dậy, rồi ngồi trên ghế tập lại bóng bàn. Càng tập càng ham mê trở lại, rồi đứng lên và di chuyển được. Nhờ vận động, bệnh tật thuyên giảm dần cùng với xương cốt cứng lên, ông bắt đầu chăm lo được cho cuộc sống của mình.
Để mưu sinh, ông Phú “gù” đã làm đủ thứ việc. Ban đầu, ông học chữa đài rồi mở cửa hàng tạp hoá nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Tiếp đến ông chuyển sang buôn trâu, bò, ngựa. Buôn trâu bò được một thời gian, ông cùng vợ chuyển hướng sang buôn vải thiều. Cũng rất may mắn cho vợ chồng ông, đúng lúc ấy đồi vải mà vợ chồng ông bỏ công sức bắt đầu cho thu hoạch lớn và tuyệt vời hơn là vải Bắc Giang bất ngờ được giá, có thời điểm còn “sốt”. Lúc đó, ông còn gom vải thiều của rất nhiều hộ lân cận sấy khô và xuất khẩu, nhờ vậy đời ông đã thực sự “lên hương”; từ đây ông đã có vốn để thực hiện những cuộc làm ăn lớn.
Có vốn rồi, ông Phú tìm đến những nơi đãi vàng để mua vàng cốm, bán lại cho người ta đánh lại thành vàng nõn. Thời gian này, ông mày mò qua sách vở và được người em vợ là Trần Xuân Tuấn - một kỹ sư hóa học - dạy bảo thêm rất nhiều. Nhờ đó, ông đã tự biết chế tác vàng thành phẩm bán được giá. Nhờ chăm chỉ làm ăn và biết thu vén, chỉ sau 3 năm mở cửa hàng, Phú “gù vàng bạc” đã thành một tỉ phú nức tiếng trên đất Bắc Giang.
Không chỉ dừng lại ở đây, năm 2007, ông quyết định thành lập Công ty TNHH Phú Quý và mở rộng lĩnh vực kinh doanh, không chỉ là vàng bạc mà còn thêm dịch vụ vận tải taxi. Ông đầu tư vốn, rồi hùn vốn để “tậu” mấy chục xe taxi các loại, thậm chí ngay từ đầu đã nghĩ rằng mình không chỉ phục vụ huyện Lục Ngạn mà phải “phủ” cả tỉnh.
Lại một lần nữa, người đàn ông “gù” nhưng có tầm nhìn hơn người đã thắng lớn khi Taxi Phú Quý khẳng định được thương hiệu trên khắp đất Bắc Giang vì ra đời sớm và chất lượng phục vụ tốt. Hiện công ty của ông mỗi năm nộp thuế hơn 1 tỉ đồng, đồng thời giải quyết công ăn việc làm với mức thu nhập ổn định cho trên 100 lao động.
“Tay vợt” tầm cỡ quốc tế
Là một người ham mê thể thao và cũng nhờ thể thao mà ông có thể đi lại được, chính vì thế ông Phú đã quyết tâm trở thành một tuyển thủ bóng bàn tầm cỡ trên đấu trường khu vực và quốc tế. Năm 2001, lần đầu tiên sau bao năm bỏ đấu, ông trở lại đấu trường bóng bàn trong giải bóng bàn toàn quốc dành cho người khuyết tật ở Hà Nội. Năm 2003, ông tham gia giải này tại Huế và giành huy chương đồng. Sau đó, ông được Nhà nước mời đi tập huấn ở Hà Nội, từ đây nhờ chăm chỉ luyện tập, ông đã mang lại nhiều huy chương cho đất nước.
Năm 2003, khi ASEAN Para Games (Đại hội thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á) được tổ chức tại Việt Nam, ông đã tham gia thi đấu và giành luôn 2 huy chương vàng (1 giải đơn và 1 giải đồng đội). Kể từ đó, giải Para Games nào ông cũng tham gia và luôn giành được giải cao. Ông đã đạt nhiều huy chương vàng tại các kỳ Para Games ở nhiều nước như: Malaysia, Thái Lan, Myanmar… Tính đến nay, tại đấu trường Para Games, ông đã đoạt được hơn 20 huy chương các loại, trong đó có 10 HCV.
Không chỉ dừng lại ở đấu trường khu vực, ông còn tham gia và đoạt giải ở các đấu trường trên thế giới. Ông đã tham gia các giải ở Hồng Kông, Hàn Quốc và gần đây nhất là giành huy chương Bạc trong giải bóng bàn thế giới dành cho người khuyết tật tại Mỹ. Với tinh thần thể thao đó, ông Phú “gù” đã quyết định làm một sân quần vợt “xịn” ngay tại nhà mình.
Để chuẩn bị một mặt bằng tới 600m2 và đảm bảo có một công trình chuẩn quốc gia, ông Phú lặn lội lên tận Hà Nội tìm hiểu, rồi mời chuyên gia thiết kế, thi công. Mất mấy tháng ròng chỉ tập trung vào “dự án lớn” này, sân quần vợt tư nhân - gia đình đầu tiên của tỉnh Bắc Giang chính thức được khai trương, với tổng vốn gần 1 tỉ đồng.
Có sân rồi, việc đầu tiên ông Phú tiếp nhận ngay 20 thành viên của CLB quần vợt huyện đến tập luyện, rồi bản thân mình cũng cố gắng học chơi. Kể từ đó, hễ ai thích quần vợt đều có thể đến sân Phú “gù” học và chơi, chỉ phải hỗ trợ gia đình tiền bóng, tiền điện, còn lại thì miễn phí. Với CLB bóng bàn đã có từ lâu trước đó nay lại thêm CLB quần vợt, gia đình ông Phú đã trở thành một mô hình xã hội hoá thể thao độc nhất vô nhị khi sở hữu tới 2 CLB thể thao tư nhân tại gia.
Không chỉ thành công cho bản thân, ông Phú còn rất tâm huyết với công tác từ thiện xã hội. Tại Đại hội thành lập Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em huyện Lục Ngạn vào năm 2012, ông Phú đã được mời và bầu giữ chức Phó Chủ tịch với sự tín nhiệm tuyệt đối. Bản thân ông là một tấm gương sáng vượt lên số phận, chính ông cũng là một người “bảo trợ” và làm từ thiện có tiếng của tỉnh Bắc Giang.
Nhiều năm nay, mỗi năm, ông ủng hộ ít nhất 50 triệu đồng cho trẻ em nghèo và người khuyết tật trên địa bàn tỉnh cũng như tích cực tham gia vào các hoạt động liên quan. Mới đây nhất, gia đình ông còn ủng hộ thôn 4 vạn gạch để cải tạo đền Khánh Vân - nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của người cao tuổi thị trấn Chũ.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo