An ninh mạng

Việt Nam thăng hạng - xếp thứ 25 về chỉ số an toàn thông tin toàn cầu

DNVN - Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục đầu tư phát triển Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) về an toàn, an ninh mạng; hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin "Make in Viet Nam" và phát triển đội ngũ chuyên gia, nâng cao năng lực an toàn, an ninh mạng Việt Nam.

Hơn 12.000 trang web tại Việt Nam có yếu tố nguy hiểm, lừa đảo / Đánh sập sàn giao dịch ảo giả danh sàn giao dịch quốc tế quy mô nghìn tỷ

Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) ngày 30/6 công bố báo cáo Chỉ số an toàn thông tin toàn cầu (GCI) năm 2020, theo đó Việt Nam đã tăng 25 bậc trong 2 năm, vươn lên vị trí thứ 25 trên tổng số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ; và đứng thứ 7 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thứ 4 trong khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để đứng ở vị trí thứ 4 trên tổng số 11 quốc gia thuộc khu vực ASEAN.

Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để đứng ở vị trí thứ 4 trên tổng số 11 quốc gia thuộc khu vực ASEAN.


Số điểm đánh giá của Việt Nam đạt 94,59 với sự cải thiện điểm ở cả 5 trụ cột được ITU đánh giá. Bên cạnh 2 trụ cột Pháp lý và Hợp tác đạt số điểm tuyệt đối 20/20, điểm của Việt Nam ở 3 trụ cột Kỹ thuật, Tổ chức, Nâng cao năng lực lần lượt đạt 16,31/20; 18,98/20 và 19,26/20.

ITU ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng của Việt Nam trong việc xây dựng những đề án phát triển trong dài hạn về nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng. Cùng với đó là tạo ra Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng "Made in VietNam".

Trong bảng xếp hạng mới công bố, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để đứng ở vị trí thứ 4 trên tổng số 11 quốc gia thuộc khu vực ASEAN. 3 nước đứng đầu lần lượt là Singapore, Malaysia và Indonesia.

Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dẫn đầu là Hàn Quốc và Nhật Bản với tổng điểm đánh giá đều đạt 98,52.

 

ITU là một tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc (LHQ), thực hiện việc xác định tần số radio trên toàn cầu, đưa ra các khuyến nghị và tiêu chuẩn quốc tế về kỹ thuật điện thoại, điện tín và truyền thông dữ liệu, cung cấp các chương trình tư vấn và đào tạo cho các nước đang phát triển. Việt Nam đã gia nhập tổ chức này từ năm 1951.

Chỉ số GCI là một chỉ số tổng hợp đánh giá và so sánh mức độ cam kết đảm bảo an ninh mạng của các nước thành viên dựa trên 5 trụ cột: Pháp lý, Kỹ thuật, Tổ chức, Nâng cao năng lực, Hợp tác.

Mục đích chính của chỉ số này là để phân loại, xếp thứ hạng và sau đó là đánh giá, dự báo, định hướng quá trình phát triển trong tầm khu vực cũng như trên quy mô toàn cầu.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), kết quả tăng trưởng 25 bậc như công bố của ITU là nhờ quyết tâm chính trị lớn của Đảng, Chính phủ đối với vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh mạng; nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp, trong đó có vai trò Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông để Việt Nam có một hành lang pháp lý về an toàn, an ninh mạng cơ bản đầy đủ.

Không những thế, Việt Nam còn có sáng kiến nỗ lực thực thi hành lang pháp lý. Tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 7/6/2019 về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai đầy đủ mô hình 4 lớp bảo đảm an toàn thông tin, gồm: Lực lượng tại chỗ; tổ chức hoặc doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; tổ chức hoặc doanh nghiệp độc lập kiểm tra, đánh giá định kỳ; kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông.

 

Trong năm 2020, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, thành phố đã nỗ lực vượt bậc để đưa tỷ lệ bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp từ 0% trong năm 2019 lên 100% vào cuối năm 2020.

Cùng với đó, việc Việt Nam sớm có chương trình, đề án để phát triển bài bản, dài hạn cho nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng và xây dựng hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng "Make in Vietnam" cũng góp phần nâng cao năng lực an toàn, an ninh mạng của Việt Nam.

Cũng theo Cục An toàn thông tin, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì quyết tâm, sự nỗ lực trong dài hạn. Báo cáo GCI 2020 mới được ITU công bố cũng ghi nhận sự cải thiện đáng kể về thứ hạng của các quốc gia trong triển khai công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Ấn Độ tăng 37 bậc, từ vị trí thứ 47 năm 2018 lên xếp thứ 10 trong bảng xếp hạng GCI 2020; Hàn Quốc tăng 11 bậc, từ thứ 15 lên thứ 4; Nhật Bản tăng 7 bậc, từ thứ 14 lên thứ 7; Indonesia vươn lên xếp thứ 24 ngay trên Việt Nam, tăng 24 bậc so với kỳ đánh giá công bố năm 2019.

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục đầu tư phát triển Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) về an toàn, an ninh mạng; hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin "Make in Viet Nam" và phát triển đội ngũ chuyên gia, nâng cao năng lực an toàn, an ninh mạng Việt Nam.

 

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm