An ninh mạng

Ứng dụng cho vay đua nhau “giăng bẫy” người dùng

DNVN - Trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành, rất nhiều ứng dụng (app) cho vay ra đời để đáp ứng nhu cầu của người dân kéo theo nhiều hệ lụy: cho vay với lãi suất cắt cổ, lừa đảo chiếm đoạt tiền…

Nở rộ App vay tiền online, biến tướng của tín dụng đen với lãi suất "cắt cổ" 1.600 %/năm / Bộ Công an khuyến cáo khi vay tiền qua app tín dụng đen, lãi suất cắt cổ lên tới 1.000%

Cho vay với lãi suất cắt cổ

Cuộc sống khó khăn hơn do dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu vay tiền gấp của người dân đang có dấu hiệu tăng khiển hàng loạt nền tảng cho vay nhảy vào khai thác. Chỉ cần tìm từ khoá “vay qua app” là hàng trăm ứng dụng cho vay xuất hiện để người dân lựa chọn. Đã có nhiều cảnh báo về hệ luỵ tín dụng đen nhưng khá đông người dân vẫn bị mắc bẫy.

Khảo sát một vòng trên mạng xã hội, có ít nhất 20 nhóm bàn luận về cho vay tiền, cho vay qua ngân hàng, cho vay qua ứng dụng. Trong đó, có ít nhất 5 hội nhóm có trên 50.000 thành viên. Trong một nhóm có khoảng 80.000 người tham gia, các bài đăng cần vay và cho vay diễn ra liên tục hàng phút, xấp xỉ 2.400 bài viết trong ngày. Một nhóm khác có hơn 64.000 thành viên, số bài viết trong ngày cũng hơn 1.700.

Đã có hàng nghìn người dính “bẫy” với số nợ từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, dù ban đầu chỉ vay một vài triệu đồng để chi tiêu.

Đã có hàng nghìn người dính “bẫy” với số nợ từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, dù ban đầu chỉ vay một vài triệu đồng. (Ảnh: Internet)

Thông qua hệ thống app, website trực tuyến hoặc một số ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Skype,... người vay và người cho vay có thể thực hiện các giao dịch tài chính một cách nhanh chóng. Khi bắt đầu vay tiền, người vay sẽ ký kết bản hợp đồng chính thức về mức lãi suất cho vay. Song khi vay tiền trực tuyến (online), hợp đồng không thỏa thuận chính thức bằng văn bản cho nên phát sinh các khoản chi phí khác khiến mức lãi suất tăng lên. Điều đáng nói là người vay không hề biết trước nên khó lòng thanh toán được khoản nợ. Đã có hàng nghìn người dính “bẫy” với số nợ từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, dù ban đầu chỉ vay một vài triệu đồng để chi tiêu.

Qua khảo sát cho thấy có rất nhiều người cần vay vốn từ 5 - 40 triệu đồng nhưng không có tài sản thế chấp, chỉ có chứng minh nhân dân/căn cước công dân và hộ khẩu. Đánh trúng nhu cầu này nên các ứng dụng cho vay hiện nay không đòi hỏi tài sản thế chấp, thậm chí không cần chứng minh thu nhập, chỉ cần thông tin cá nhân người vay và một số giấy tờ tuỳ thân. Một số ứng dụng yêu cầu ảnh chụp người vay và quyền truy cập vào danh bạ điện thoại của người đi vay.

Do đó, không ít người có thể tiếp cận được nguồn vốn vay nhanh, giải ngân trong vòng nửa giờ đồng hồ, duyệt vay gần như 24/7. Tuy vậy, vì chỉ nắm thông tin ít ỏi của người dùng nên các ứng dụng thường cho vay khoản tiền nhỏ, dưới 10 triệu đồng, với lãi suất cao. Rất nhiều trường hợp vay với số tiền nhỏ nhưng sau một thời gian chậm nộp đã bị phạt gộp lãi và vốn lên rất cao. Chưa kể, một số ứng dụng tìm cách bắt chẹt người vay theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn các app có hình thức thu phí ban đầu, nếu vay số tiền 1 triệu đồng thì chỉ được giải ngân 700.000.

Các ứng dụng thường công khai khoản lãi suất dưới 20%/năm để không bị gắn mác cho vay nặng lãi. Nhưng thực tế khoản phí ban đầu cộng khoản phạt do đóng tiền muộn khiến số tiền phải đóng của khách hàng tăng lên rất cao. Thậm chí, đến ngày trả tiền nhưng người vay không có tiền trả, nhân viên gợi ý để vay thêm trên ứng dụng khác. Vô tình bị cuốn vào vòng xoay như vậy nên có người phải vay trên gần chục app để trả tiền gốc và lãi lên đến hàng trăm triệu đồng

 

Ứng dụng giả mạo nhằm mục đích lừa tiền

Ngoài việc cho vay ăn lãi cắt cổ, gọi điện khủng bố người dân, gần đây còn xuất hiện một số ứng dụng cho vay giả mạo, lừa tiền người nhẹ dạ.

Thủ đoạn chung của các bên cho vay là duyệt một khoản vay lớn. Sau đó yêu cầu người vay chuyển khoản ngược lại với các lý do xác minh tài khoản ngân hàng, xác minh khả năng thanh toán, cung cấp mật khẩu, thậm chí phạt vi phạm hợp đồng.

Chia sẻ trong một nhóm trên mạng xã hội, một người dùng cho biết nhận được cuộc gọi cho vay liền đăng ký ứng dụng và được phê duyệt khoản vay 40 triệu đồng. Sau đó, anh nhận được văn bản đóng dấu đỏ của một tổ chức xưng là tập đoàn tài chính cá nhân Thái Lan, yêu cầu đóng khoản tiền 4 triệu đồng để xác minh khả năng thanh toán khoản vay. Thấy có dấu hiệu bất minh nên người này không chuyển khoản số tiền trên.

Không phải ai cũng cảnh giác như người dùng này. Nhiều phần bình luận dưới bài viết đã mô tả cụ thể chiêu trò của kẻ lừa đảo: Các đối tượng gài người vay vào thế đã ký hợp đồng, nếu nạn nhân không vay nữa thì phải chịu trách nhiệm trước khoản vay và chuyển khoản 10% giá trị hợp đồng để được rút tiền, sau khi chuyển khoản phía bên kia sẽ thông báo chưa nhận được và yêu cầu chuyển tiếp. Hoặc nhân viên cho vay khẳng định tài khoản ngân hàng của người dùng không chính xác và yêu cầu chuyển ngược lại 3 – 5 triệu đồng để xác minh tài khoản.

 

Điểm chung dễ nhận thấy của các vụ lừa đảo này là khoản duyệt vay khá lớn, phổ biến ở mức 35-40 triệu đồng nhưng đòi hỏi thủ tục đơn giản. Nhiều người đã thu gom bằng chứng để trình báo cơ quan chức năng. Tuy nhiên do tâm lý đi vay tiền, bị đe doạ nên một số khá e dè trong việc nhờ các cấp thẩm quyền can thiệp.

Theo khuyến cáo của các ngân hàng, hình thức vay tiền qua app không có cơ sở pháp lý chắc chắn, việc cho vay không có bất kỳ cơ quan nào quản lý nên tiềm ẩn rủi ro rất cao về mặt pháp lý cũng như các tranh chấp phát sinh. Vay qua app tưởng tiện dụng nhưng cực kỳ nguy hiểm, dễ sập bẫy. Người lao động gặp khó khăn có thể liên hệ các ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng thương mại để được hướng dẫn đầy đủ các điều kiện, thủ tục vay vốn, giải quyết khó khăn.

Bộ Công an khuyên người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền qua ứng dụng. Người vay phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ thông tin trên website như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả…).

Nếu các đối tượng, tổ chức đứng sau các app cho vay tiền dính tới việc cho vay với lãi suất cao, khủng bố người vay có thể bị xử lý với Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Trí Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm