Đẩy mạnh chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam
ASEAN hợp tác phát triển 5G và thúc đẩy các sáng kiến chuyển đổi số / Người dân có thể tra cứu thông tin BHXH trên ứng dụng VssID
Ngày 18/11 tại TP.HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công Thương và UBND TP.HCM tổ chức hội thảo và triển lãm doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số "Make in Viet Nam 2020 - Vibrand 2020" với chủ đề “Thương hiệu ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”.
Triển lãm đã thu hút hàng trăm lượt khách tham quan 48 gian hàng với nhiều sản phẩm công nghệ số đa dạng.
Sự kiện năm nay được tổ chức ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và dự kiến sẽ ký Chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030, Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong đó có mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số nhằm đưa Việt Nam nằm trong Top 30 cường quốc về công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Triển lãm "Make in Viet Nam 2020 - Vibrand 2020" là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin giới thiệu các sản phẩm mới nhất của mình với khách hàng và các đối tác tiềm năng.
Ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin đang trở thành hạ tầng số của nền kinh tế, trong đó công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông hay được gọi ngắn gọn là công nghiệp ICT được xác định phần lõi của kinh tế số.
Dẫn chứng cụ thể về số liệu và tầm quan trọng của công nghiệp ICT đối với đất nước, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2019 tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT đạt 112,35 tỷ USD, trong đó xuất khẩu công nghiệp ICT đạt 91,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018.
Công nghiệp ICT đã đưa ngành thông tin và truyền thông trở thành một trong những ngành có đóng góp lớn trong cơ cấu GDP của cả nước, với khoảng 5,59% năm 2018, đến năm 2019 là 7,55% và năm 2020 dự kiến đóng góp khoảng 7,3%. Nếu tính cả khối FDI thì ngành thông tin và truyền thông đóng góp khoảng trên 16% GDP.
Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, ngành thông tin truyền thông càng thể hiện vai trò quan trọng trong thời đại kinh tế số.
Song, theo nhận định của Thứ trưởng Phan Tâm, do còn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI nên các con số trên cũng cho thấy sự phát triển thiếu bền vững. Do đó, muốn phát triển mạnh mẽ cần có chiến lược thật bài bản.
Cụ thể, với công nghiệp ICT trong nước cần thực hiện chiến lược Make in Viet Nam nhằm hướng tới một nền công nghiệp tự chủ, tự cường thông qua việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ số làm chủ các khâu sáng tạo, thiết kế sản phẩm dịch vụ, những công đoạn có giá trị gia tăng cao.
Trong đó, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ tiên phong trong thực hiện đột phá chiến lược về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, doanh nghiệp công nghệ số sẽ phải dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số, chủ động nghiên cứu, phát triển, tạo ra các sản phẩm “Make in Viet Nam” để cung cấp giải pháp công nghệ phục vụ phát triển đồng đều các khu vực kinh tế thành thị và nông thôn, đưa ứng dụng công nghệ vào mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế - xã hội, thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển.
Còn đối với FDI, ngành thông tin truyền thông cần tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, song phải là những FDI mang tính chất lượng, trong đó cần ưu tiên dự án công nghệ số, công nghệ cao, các dự án có tính lan toả, tạo chuỗi của doanh nghiệp trong nước.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, để Việt Nam trở thành nơi tốt nhất cho các doanh nghiệp công nghệ, trong thời gian tới Việt Nam cần đẩy mạnh liên doanh, liên kết và thu hút các tập đoàn công nghệ nước ngoài vào đầu tư, đặc biệt các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế số, thuộc lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao như: sản xuất thiết bị thông minh, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, an ninh mạng, thương mại điện tử, Fintech…
Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, chiến lược thu hút đầu tư của Việt Nam là tận dụng các lợi thế cạnh tranh mới.
Để làm được điều này, cần ban hành khung chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phải phối hợp với các bộ, ngành để đảm bảo quy định quản lý trong các lĩnh vực sẽ khuyến khích các mô hình công nghệ mới trong khi vẫn đảm bảo các lợi ích công cộng. Các doanh nghiệp nước ngoài có thể đến Việt Nam thử nghiệm các công nghệ mới.
Song song đó, Việt Nam vẫn tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng mạng di động viễn thông, nâng cấp mạng di động 4G, sớm thương mại hóa mạng di động 5G. Rà soát, phát triển hạ tầng số tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghiệ thông tin tập trung để sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu bùng nổ kết nối và xử lý dữ liệu, nhu cầu đầu tư quy mô lớn của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia, tạo tiền đề cho sản xuất thông minh…
End of content
Không có tin nào tiếp theo