Chính phủ số

Giám sát hiệu quả, công nghệ thống nhất để phòng chống COVID-19 trong giai đoạn mới

DNVN - Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Kế hoạch truyền thông chống dịch COVID-19 từ ngày 15/9 đến 22/9/2021 sẽ gắn liền với thông điệp “Phòng dịch tốt, giám sát hiệu quả, công nghệ thống nhất”.

Mỗi người dân có một mã QR thống nhất toàn quốc để dùng chung các ứng dụng chống dịch / Trở lại cuộc sống bình thường cùng nền tảng hỗ trợ truy vết F0

Tình hình phòng chống dịch trên cả nước đã đi đúng hướng mang lại hiệu quả kiểm soát dịch tốt trên hầu hết các “mặt trận” với số ca nhiễm mới trong cộng đồng, số ca chuyển biến nặng và tử vong giảm dần. Chiến lược vaccine + xét nghiệm nhanh + thuốc điều trị sớm + oxy từ tuyến cơ sở đã góp phần mang lại kết quả trong tuần qua.

Để triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Tiểu ban Truyền thông đã ban hành Kế hoạch truyền thông chống dịch COVID-19 từ ngày 15/9 đến 22/9/2021 với thông điệp “Phòng dịch tốt, giám sát hiệu quả, công nghệ thống nhất”.

Biểu dương những nỗ lực và kết quả trong công tác xét nghiệm và tiêm chủng thần tốc của Hà Nội, góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh, sớm tạo miễn dịch cộng đồng.

Báo chí, truyền thông cần biểu dương những nỗ lực và kết quả trong công tác xét nghiệm và tiêm chủng thần tốc của nhiều địa phương, góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh. (Ảnh: Internet)

Theo đó, tiếp tục truyền đi thông điệp về công tác phòng, chống dịch đúng hướng, với việc lấy xã, phường, thị trấn làm “pháo đài”, người dân là chiến sĩ, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng chống dịch; phản ánh hiệu quả các biện pháp y tế từ xét nghiệm nhanh và rộng, điều trị giảm tử vong, phủ nhanh tiêm vaccine, nhất là đảm bảo tiếp cận y tế của người dân từ sớm; nỗ lực đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để người nhiễm virus Sars-CoV-2 thiếu thuốc, thiếu oxy, đảm bảo an dân, an toàn trật tự xã hội.

Biểu dương những nỗ lực và kết quả trong công tác xét nghiệm và tiêm chủng thần tốc của Hà Nội, góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh, sớm tạo miễn dịch cộng đồng. Các địa phương chuẩn bị kết thúc giãn cách cần sớm ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn an toàn dịch tễ có xác thực bằng công nghệ đối với người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện hoạt động trở lại.

Tích cực tuyên truyền về xu thế “thống nhất l mã QR code” cho mỗi công dân và cơ sở sản xuất, kinh doanh để tiện sử dụng, thống nhất kiểm soát, xác thực tình trạng dịch tễ, đảm bảo/không đảm bảo điều kiện hoạt động an toàn. Khẳng định xu thế phải “kết nối liên thông và chia sẻ” giữa các cơ sở dữ liệu khác nhau để thuận tiện cho cá nhân, tổ chức và các cấp quản lý trong việc kiểm soát mức độ an toàn dịch tễ khi trở lại cuộc sống bình thường mới. Truyền thông về giải pháp tháo gỡ cho những tồn tại liên quan đến các nền tảng công nghệ để người dân hiểu, tin tưởng sử dụng các ứng dụng trong phòng chống COVID.

 

Kế hoạch truyền thông chống dịch COVID-19 từ ngày 15/9 đến 22/9/2021 phân công rõ nhiệm vụ của từng cơ quan. Cụ thể như sau:

Các cơ quan báo chí, truyền thông:Cần thông tin về chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến giải pháp phòng chống dịch; nỗ lực giảm số tử vong, kiểm soát dịch bệnh sau thời gian giãn cách xã hội; quán triệt tinh thần không ai an toàn nếu người khác nhiễm bệnh, không có địa phương nào an toàn nếu còn có địa phương khác phải chống dịch… Đưa tin về việc triển khai các giải pháp, ứng dụng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng chống dịch có tích hợp thông tin thiết yếu về danh tính, tình trạng dịch tễ, chứng nhận tiêm chủng, xét nghiệm; kết nối, liên thông, chia sẻ các cơ sở dữ liệu đảm bảo có 1 giải pháp thống nhất cho mọi cá nhân, tổ chức. Kịp thời phản hồi, giải thích, điều chỉnh các thông tin trên mạng xã hội gây tâm lý bi quan, tiêu cực; phản bác luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch COVID-19.

Mạng lưới thông tin cơ sở:Đưa thông tin cụ thể về tình hình kiểm soát dịch trên địa bàn xã, phường, thị trấn; các giải pháp phòng, chống dịch (giãn cách, phong toả ở đâu, dừng giãn cách ở đâu, thời gian cụ thể, những việc người dân cần làm, được làm và điều kiện đi kèm)…

 

Các cơ quan báo chí đối ngoại: Tập trung tuyên truyền chủ trương, giải pháp phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ, đặc biệt là giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài; cung cấp thông tin đầy đủ để doanh nghiệp trong và ngoài nước lên kế hoạch mở lại hoạt động kinh doanh. Mục tiêu của tuần này là làm rõ lộ trình chống dịch và sống trong bối cảnh có dịch, từng bước khôi phục hoạt động với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Các nhà mạng viễn thông:Tiếp tục nhắn tin SMS, gửi thông điệp qua việc phát âm thông báo và các hình thức khác đến thuê bao để gửi khuyến cáo ngắn gọn, quan trọng mà người dân cần biết và tuân thủ. Phủ sóng nhanh các vùng lõm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang giãn cách phục vụ giảng dạy và học tập trực tuyến. Đồng thời, tổ chức tốt hoạt động của các tổng đài hỗ trợ khai báo y tế, trả lời phản ánh của người dân để tiếp nhận thông tin và hỗ trợ về lịch tiêm phòng, app Sổ sức khỏe điện tử...

Các Sở TT&TT: Đánh giá tác động xã hội và tác động truyền thông của những chủ trương, chính sách, văn bản liên quan đến phòng, chống dịch; Tham mưu cho các cấp có thẩm quyền về các phương pháp, kịch bản truyền thông cần có trước khi ban hành chủ trương, chính sách mới; Phối hợp với các đơn vị chức năng, đầu mối chuyên trách của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT để xử lý vấn đề phát sinh trên không gian truyền thông.

 

Trí Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm