Chính phủ số

Không có hành lang pháp lý rõ ràng thì dữ liệu y tế có nguy cơ bị mua bán trái phép

DNVN - Một trong những khuyến nghị nêu tại hội thảo sáng 18/11 đó là, Bộ Y tế cần chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế sandbox để khai thác hiệu quả dữ liệu y tế của người bệnh đang được giao cho các bệnh viện quản lý. Bởi vì nếu không có hành lang pháp lý rõ ràng thì dữ liệu y tế có nguy cơ bị mua bán trái phép.

TP.HCM: Ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát an toàn thực phẩm / Người dân có thể tra cứu thông tin BHXH trên ứng dụng VssID

Ngày 18/11/2020, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) phối hợp cùng Tổ chức Oxfam tại Việt Nam với sự tài trợ của Liên minh châu Âu tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số và Quản trị dữ liệu trong lĩnh vực y tế”. Một trong những khuyến nghị nêu tại hội thảo là trước mắt, Bộ Y tế cần chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế sandbox để khai thác hiệu quả dữ liệu y tế của người bệnh đang được giao cho các bệnh viện quản lý.

Chuyển đổi số trong y tế không chỉ dừng ở cải cách thủ tục hành chính

Theo Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng, chuyển đổi số có thể đóng góp lớn cho hoạt động khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ và tiềm năng của nó càng thể hiện rõ ràng trong kỳ đại dịch COVID-19 vừa qua. Nếu như thiếu các hoạt động nhờ chuyển đổi số, hoạt động y tế trực tuyến thì khó có thể thực hiện được các nhiệm vụ.

Đối với Việt Nam - đất nước xấp xỉ 100 triệu dân với mức thu nhập trung bình đang hướng tới mức thu nhập trung bình cao và nhu cầu chăm sóc y tế ngày càng tăng lên. mức độ già hoá dân số cũng đang đặt ra thách thức lớn. Vì thế, yêu cầu với chuyển đổi số trong ngành y tế ngày càng phải được coi trọng.

Với Quyết định 749 của Chính phủ, coi y tế là 1 trong những lĩnh vực cần ưu tiên triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, trong đó trọng tâm xây dựng hồ sơ sức khoẻ của người dân đồng thời đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh. Thời gian vừa qua, Bộ Y tế cũng đã rất tích cực trong việc nâng cao mức độ cấp dịch vụ công trực tuyến, 100% dịch vụ công trực tuyến đã được thực hiện ở mức 4. Hệ thống khám chữa bệnh từ xa đã được khai trương và đi vào hoạt động rất hiệu quả.

Chủ tịch Nguyễn Minh Hồng cũng bày tỏ quan ngại trong quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, cần phải lo ngại đến việc đảm bảo an toàn dữ liệu, dữ liệu y tế cũng như hồ sơ y tế là yếu tố nhạy cảm cao, đây là vấn đề hết sức quan trọng về an toàn an ninh thông tin nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực y tế nói riêng.

Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng.

Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng.

Theo các ý kiến tại tọa đàm, thị trường công nghệ y tế (digital health) đang bùng nổ trên toàn cầu. Được định giá 143,6 tỷ USD vào năm 2019, dự kiến quy mô thị trường sẽ tăng trưởng với tốc độ 16,2% từ năm 2020 đến năm 2027.

Tuy nhiên, tại một thị trường tiềm năng như Việt Nam, số lượng start-up trong lĩnh vực công nghệ y tế chiếm chưa đầy 2% trong tổng số hơn 4.000 start-up của toàn châu Á. Nguyên nhân không phải do doanh nghiệp Việt Nam thiếu năng động hay yếu kém về công nghệ mà trọng tâm là việc thiếu cơ hội tiếp cận dữ liệu y tế đã hạn chế các cơ hội khởi nghiệp và đầu tư. Đến lượt nó, dữ liệu y tế bị “đóng”, bị “phân mảnh” xuất phát từ chỗ thiếu một chiến lược dữ liệu y tế cụ thể và các quy định pháp lý tường minh về tiếp cận dữ liệu trong ngành này.

Nếu vẫn đi theo con đường hiện nay, lợi ích của chuyển đổi số y tế dù vẫn rất lớn lao và đáng ghi nhận nhưng nhiều khả năng sẽ chỉ dừng lại trong giới hạn của cải cách thủ tục hành chính, quản trị tốt cơ sở khám chữa bệnh và phục vụ quản lý hành chính nhà nước về y tế. Như vậy, tiềm năng thực sự của chuyển đổi số - có được nhờ sự tham gia của các start-up công nghệ “phi truyền thống”, từ đó tạo ra các giải pháp đột phá cho thị trường chăm sóc sức khỏe - có lẽ không đạt được.

Rất đáng tiếc nếu Việt Nam bỏ lỡ cơ hội khai thác giá trị của chuyển đổi số y tế, đặc biệt khi quy mô dân số nước ta đã đạt 100 triệu dân và đang bước vào giai đoạn già hóa - nghĩa là chi phí cho chăm sóc sức khoẻ sẽ ngày càng lớn và giá trị thực sự đạt được của chuyển đổi số lẽ ra sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều.

Ở góc độ tiếp cận chính sách, việc xây dựng hệ thống quản trị và khai thác dữ liệu y tế không đồng nghĩa với vi phạm đến quyền riêng tư; hay nói một cách khác, không phải cứ “đóng kín” thì mới bảo vệ được dữ liệu. Kinh nghiệm ở các nước cho thấy nhu cầu khai thác dữ liệu y tế trên thị trường là có thực, nếu không hợp pháp hóa và có một hành lang pháp lý rõ ràng cho việc tiếp cận, khai thác dữ liệu, thì bản thân dữ liệu sẽ bị mua bán trái phép. Khi đó dữ liệu vừa bị mất, quyền riêng tư không được bảo vệ, mà lợi ích tổng thể của chuyển đổi số y tế cũng không đạt được. Nói cách khác, cốt lõi của an toàn dữ liệu nằm ở thiết kế và quản trị hệ thống dữ liệu tốt; phân loại, trao quyền và kiểm soát được quyền tiếp cận dữ liệu, đảm bảo áp dụng các chuẩn mực về quyền riêng tư trong hệ thống quản trị dữ liệu, chứ không phải là đóng kín và không khai thác dữ liệu.

Bà ROCHELEMAGNE Audrey-Anne, đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho rằng: “Các tổ chức xã hội phi lợi nhuận đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và góp ý chính sách liên quan đến bảo vệ dữ liệu. Các bệnh viện và cơ sở y tế cũng cần đảm bảo quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân của bệnh nhân, nghĩa là bệnh nhân được thông báo, hỏi ý kiến và có quyền quyết định đối với việc chia sẻ dữ liệu của họ phục vụ cho khám chữa bệnh và nghiên cứu”.

4 khuyến nghị để khai thác khối dữ liệu y tế

Trong quá trình xây dựng hệ thống quản trị này, Việt Nam có thể tham khảo các tiêu chuẩn của các mô hình đạo luật khung - Quy định chung về bảo vệ dữ liệu cá nhân của một số quốc gia đi trước như Liên minh Châu Âu (GDPR) và hướng dẫn ngành như Hàn Quốc, Singapore, New Zealand, Úc.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đề xuất bốn khuyến nghị để có thể khai thác hiệu quả khối dữ liệu y tế, đó là:

Thứ nhất, trước mắt nên ưu tiên khai thác dữ liệu y tế của người bệnh đang được giao cho các bệnh viện quản lý. Bộ Y tế cần chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xây dựng cơ chế sandbox để thí điểm cơ chế pháp lý và kỹ thuật nhằm khai thác khối dữ liệu có giá trị này.

Thứ hai, ưu tiên ngắn hạn của Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông nên tập trung vào hai việc: Một là, xây dựng chuẩn dữ liệu để phục vụ kết nối và thu thập dữ liệu; làm nền tảng cho phân loại, khai thác, chia sẻ. Hai là, hướng dẫn và giám sát thực thi về quản trị nhà thầu; về kiểm toán an ninh mạng, an toàn dữ liệu - trong tiến trình các bệnh viện/cơ sở y tế xây dựng phần mềm quản lý bệnh viện điện tử; hồ sơ bệnh án điện tử, và tiến trình xây dựng các hệ thống thông tin quản lý hành chính về y tế mà các địa phương đang thực thi.

ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS).

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS).

Thứ ba, cần gấp rút ban hành Luật về dữ liệu cá nhân, làm nền tảng pháp lý cho việc xác định các quyền, và xác lập nghĩa vụ của các chủ thể trong tiến trình thu thập, xử lý, khai thác thông tin, dữ liệu liên quan đến cá nhân. Trên cơ sở này, ngành y tế sẽ ban hành các quy định, tiêu chuẩn riêng cho lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khoẻ. Đây là thời điểm chín muồi để làm luật và Chính phủ nên gấp rút giao cho Bộ Tư pháp chuẩn bị đề xuất với Quốc hội về xây dựng luật. Quá trình xây dựng chiến lược và khuôn khổ pháp lý cho dữ liệu số, nhất thiết cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Ngoài cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò lãnh đạo, chủ trì, các đơn vị cung cấp dịch vụ, còn cần sự tham gia góp ý của các chuyên gia luật nhân quyền, các nhà nghiên cứu chính sách, sự giám sát của các tổ chức xã hội dân sự, tham khảo ý kiến của người dân. Nhất thiết phải có kênh giám sát, khiếu nại, tố cáo để các quyền của chủ thể dữ liệu có thể được bảo đảm.

Thứ tư, cốt lõi của chuyển đổi số nằm ở dữ liệu số, Chính phủ cần có chiến lược quốc gia về dữ liệu nói chung; chiến lược dữ liệu cho lĩnh vực y tế nói riêng, để khai thác được giá trị dữ liệu y tế, đảm bảo lợi ích tối ưu lợi ích quốc gia, đặc biệt là khi Việt Nam bước vào ngưỡng già hóa dân số, chi phí chăm sóc y tế cho người dân sẽ tăng cao.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm