Sử dụng bảo hiểm điện tử khi tham gia giao thông thế nào?
Tự động hóa trong kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu / Bình Phước, Quảng Nam đến Huế học tập kinh nghiệm chuyển đổi số
Hiện nay, hợp đồng bảo hiểm điện tử đã được công nhận như hợp đồng bản giấy.
Theo ông Đặng Thái Ân (Hà Nội) tham khảo Điều 4 Nghị định số 03/2021/NĐ-CP thì doanh nghiệp bảo hiểm được cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử. Nhưng trên thực tế, khi công dân mượn xe thì không thể mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử do chủ xe lưu trên điện thoại mà người mượn xe không thể mang theo điện thoại của chủ xe để xuất trình.
Ông Ân hỏi, khi tham gia giao thông phải sử dụng Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử như thế nào cho đúng luật?
Về vấn đề này, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 33 Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005 quy định về Hợp đồng điện tử: “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này”.
Theo quy định tại Điều 34 Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 Điều 34 về thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử: “Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”.
Theo quy định tại Điều 36 Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 về giao kết hợp đồng điện tử: “1. Giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng. 2. Trong giao kết hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng có thể được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu”.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử: “3. Chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại (dưới đây gọi tắt là chứng từ điện tử) là hợp đồng, đề nghị, thông báo, xác nhận hoặc các tài liệu khác ở dạng thông điệp dữ liệu do các bên đưa ra liên quan tới việc giao kết hay thực hiện hợp đồng”.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 119 Bộ Luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 về hình thức giao dịch dân sự: “1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Nghị định số 03/2021/NĐ-CP: “Trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung quy định tại Khoản 3 Điều này”.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 03/2021/NĐ-CP quy định về nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm: “Luôn mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực (bản cứng hoặc bản điện tử) khi tham gia giao thông, xuất trình giấy tờ này khi có yêu cầu của lực lượng Cảnh sát giao thông và cơ quan chức năng có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật”.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 03/2021/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của Bộ Công an: “2. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng Cảnh sát khác liên quan giám sát, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính chủ xe cơ giới, người lái xe tham gia giao thông vi phạm quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới”.
Theo quy định tại Khoản 2 Khoản 4 Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP:
“2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực”;
…4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực”.
Như vậy, theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 03/2021/NĐ-CP, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phải luôn mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực (bản cứng hoặc bản điện tử) khi tham gia giao thông, xuất trình giấy tờ này khi có yêu cầu của lực lượng Cảnh sát giao thông và cơ quan chức năng có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không mang Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực (bản cứng hoặc bản điện tử) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 2 Khoản 4 Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.
Quản lý bằng công nghệ sẽ ngăn chặn trục lợi bảo hiểm
Ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV, về nguyên lý, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp cho các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kết nối chia sẻ trong hoạt động nghiệp vụ cũng như kết nối liên thông dữ liệu với các bộ, ban ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Ðăng kiểm…, trên cơ sở đó tạo ra một hệ cơ sở dữ liệu hỗ trợ quản lý ngành một cách nhanh chóng, thuận tiện và thống nhất, giúp ích cho sự phát triển của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Hệ thống cơ sở dữ liệu vô cùng cần thiết và hữu ích đối với đời sống kinh tế - xã hội nói chung và đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng.Với một hệ thống kết nối đa chiều, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ nâng cao chất lượng quản lý nhân sự; giám định, bồi thường, đánh giá nhanh chóng, chính xác hơn, từ đó đẩy nhanh trình tự, thủ tục chi trả cho khách hàng…
Bên cạnh đó, nhờ có thông tin khách hàng đầy đủ, doanh nghiệp bảo hiểm có thể hiểu hơn về khách hàng, từ đó thiết kế các sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt nhất.
Về phía khách hàng, thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu, khách hàng có thể lựa chọn cho mình các dịch vụ và nhà cung cấp tốt nhất, đồng thời nắm rõ thông tin, quyền và lợi ích liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, chủ động quản lý kế hoạch tài chính bản thân.
Nhờ ứng dụng công nghệ số, doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang quản lý tốt hơn rủi ro trong hoạt động kinh doanh, đánh giá tốt hơn về hành vi khách hàng, từ đó góp phần giảm thiểu được hành vi trục lợi bảo hiểm.
Nếu nhìn lại quá trình phát triển thì giai đoạn 2016 - 2020 được đánh giá là giai đoạn then chốt đối với lĩnh vực bảo hiểm trong công cuộc gấp rút hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 193/QÐ-TTg ngày 15/2/2012 và Quyết định số 242/QÐ-TTg ngày 28/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2015.
Ðồng thời, giai đoạn này cũng đánh dấu sự đầu tư mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ hiện đại từ cuộc CMCN 4.0 trong lĩnh vực bảo hiểm nhằm xây dựng hệ thống thông tin quản lý và giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm; cung cấp dịch vụ công và thực hiện các thủ tục hành chính;
Đồng thời, xây dựng hệ thống quản trị tích hợp, quản trị trục lợi bảo hiểm toàn diện, hệ thống thống kê bảo hiểm hiệu quả, hiện đại hoá các kênh phân phối và bảo mật dữ liệu bảo hiểm trước các nguy cơ tấn công an ninh mạng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo