Chính phủ số

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện chuyển đổi số trong giai đoạn mới

DNVN - Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử tại hội nghị trực tuyến của Ủy ban với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia: Phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số và Doanh nghiệp Công nghệ số / Bộ TT&TT lấy ý kiến cho Chiến lược phát triển Chính phủ số đến năm 2025

Những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn mới

Nhằm phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia giai đoạn mới, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai ngay một số nhiệm vụ trọng tâm.

Về quá trình chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số, trong đó lồng ghép các nội dung Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử, Chính phủ số/chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số. Thời hạn cần hoàn thành là trong quý III/2020. Các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục duy trì phát triển hoạt động trực tuyến, ứng dụng CNTT trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội sau thời gian dịch bệnh Covid-19, để chuyển sang một trạng thái bình thường mới, khi các hoạt động của được chuyển dần lên môi trường số.

Nhằm phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia giai đoạn mới, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai ngay một số nhiệm vụ trọng tâm.

Nhằm phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia giai đoạn mới, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai ngay một số nhiệm vụ trọng tâm. (Ảnh minh họa: Internet)

Từ năm 2021, sẽ đánh giá, công bố xếp hạng chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương hàng năm. Theo đó, Bộ TT&TT phải khẩn trương xây dựng, công bố Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của quốc gia, từng ngành, từng địa phương trong năm 2020.

Thủ tướng giao Bộ TT&TT rà soát, tổng hợp, đề xuất bổ sung quy hoạch và thành lập các khu CNTT tập trung; phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng “Đề án phát triển kinh tế số Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH, Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng “Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Đồng thời, Bộ TT&TT cũng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng “Đề án hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số”, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Để tiếp tục hoàn thiện thể chế, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong 2020. Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ TT&TT hoàn thành các thủ tục trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử trong quý III/2020.

Bộ TT&TT hoàn thiện dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trong quý III/2020, bảo đảm phù hợp xu thế phát triển của thế giới và đặc thù của Việt Nam.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, tháng 7/2021, Bộ Công an phải đưa vào khai thác sử dụng chính thức cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc. Bộ TN&MT cần nghiên cứu thực hiện cách làm mới để hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia trong tháng 7/2021.

Về các nền tảng, hạ tầng Chính phủ số, các bộ, ngành, địa phương sẽ phải hoàn thành xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh (LGSP) trong tháng 10/2020 và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; đồng thời triển khai biện pháp giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung và kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trong năm 2020. Bộ TT&TT được giao chủ trì, kết hợp cả đầu tư và thuê dịch vụ phát triển một số hạ tầng truyền dẫn, điện toán đám mây, nền tảng chuyển đổi số quan trọng.

Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4, ít nhất đạt 30% trong năm 2020, theo hướng sử dụng các nền tảng dùng chung để tiết kiệm chi phí, thời gian; phấn đấu năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4.

Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến để tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; Kết nối Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ/tỉnh với Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến do Bộ TT&TT xây dựng, quản lý để đánh giá hiệu quả…

Sắp trình Thủ tướng chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số

Bộ TT&TT đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn chia sẻ với các đại biểu dự hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2020 được tổ chức tại TP.HCM, qua cầu truyền hình trực tuyến từ Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số là chủ trương, định hướng quan trọng của quốc gia đã được Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Có thể kể đến một số một số chủ trương, định hướng gần đây như: Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng năm 2025; Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030…

Thực hiện các chủ trương trên, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số đã quyết liệt triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Theo Báo cáo xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tăng hạng 13 bậc từ năm 2014. Riêng kỳ đánh giá gần đây nhất được công bố hồi tháng 7, xếp hạng Chính phủ điện tử Việt Nam tăng 2 bậc, từ 88/193 năm 2018 lên thứ 86/193 quốc gia, nhưng vẫn xếp vị tí thứ 6/11 ở khu vực ASEAN.

Về dịch vụ công trực tuyến, thống kê của Cục Tin học hóa cho hay, đến tháng 9/2020, trên cả nước tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 đã đạt 19,1%, gấp gần 4,2 lần so với năm 2018. Có 9 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 15 tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ trên 30%. Đặc biệt, Bộ Y tế và Bộ TT&TT đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức 4; tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, với riêng mức 4 đạt gần 55%.

Để đạt mục tiêu Chính phủ đặt ra là cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4 trong năm nay, Bộ TT&TT đang đổi mới cách làm, đổi mới mô hình triển khai nhằm thúc đẩy triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 4.

Tại Việt Nam, định hướng phát triển Chính phủ số đã được nêu tại Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, cũng như trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số tại Việt Nam.

Để cụ thể hóa định hướng này, Bộ TT&TT đã xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đang được Bộ TT&TT chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành. Bộ TT&TT kỳ vọng đây sẽ là chiến lược tổng thể, đưa ra được tầm nhìn, mục tiêu, trách nhiệm triển khai các nội dung theo một lộ trình, đảm bảo việc thực hiện được đồng bộ, phát triển cả chiều sâu, chiều rộng.

Phát triển từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, theo các chuyên gia, là xu hướng dịch chuyển chung của các quốc gia. Chính phủ số là chính phủ đưa toàn bộ hoạt động của mình lên môi trường số, không chỉ là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động mà còn đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, cho phép doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ.

Quá trình dịch chuyển Chính phủ điện tử sang Chính phủ số là quá trình chuyển đổi tư duy quản lý, cung cấp dịch vụ từ cung cấp những gì cơ quan nhà nước có sang cung cấp dựa trên nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Chính phủ điện tử đo lường bằng số lượng dịch vụ công trực tuyến, Chính phủ số đo lường bởi số thủ tục được cắt giảm, số dịch vụ mới tăng lên và số bộ dữ liệu mở được cơ quan nhà nước cung cấp.

Trí Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm