Bộ TT&TT lấy ý kiến cho Chiến lược phát triển Chính phủ số đến năm 2025
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia: Phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số và Doanh nghiệp Công nghệ số / Hà Nội cần phát triển hạ tầng thương mại điện tử, hệ sinh thái 5G và trở thành trung tâm an ninh mạng khu vực
Bộ TT&TT lấy ý kiến cho Chiến lược phát triển Chính phủ số đến năm 2025
Bộ TT&TT đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết Chính phủ về xây dựng, phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.
Tại dự thảo Tờ trình, Bộ TT&TT cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được thời gian qua, phát triển Chính phủ điện tử nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân quan trọng là thiếu một văn bản Chiến lược tổng thể. Cũng theo phân tích của Bộ TT&TT, dịch bệnh Covid-19 đặt ra yêu cầu bắt buộc phải thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn.
Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng, phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 xác định tầm nhìn đến năm 2030 là: “Chính phủ số là trụ cột trong mô hình phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết Chính phủ số với kinh tế số, xã hội số, giúp Chính phủ có năng lực phục vụ và kiến tạo với mức độ cá thể hóa theo nhu cầu của người dùng và doanh nghiệp, dựa trên phân tích dữ liệu để đổi mới quản trị hành chính công”.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, theo dự thảo Nghị quyết là Chính phủ hoạt động, vận hành, ban hành chính sách, đưa ra quyết định chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ số một cách chủ động theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Cơ quan nhà nước các cấp từng bước mở dữ liệu để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Đến năm 2030, mục tiêu cụ thể là Chính phủ số với mô hình nhiều thành phần, nhiều kênh cung cấp các dịch vụ số mới cho người dân và doanh nghiệp dựa trên nền tảng hệ sinh thái cung cấp dịch vụ.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, bên cạnh 4 nhóm nhiệm vụ, dự thảo Nghị quyết đề xuất 6 nhóm giải pháp về phát triển Chính phủ số cần tập trung gồm: Phát triển nguồn nhân lực cho Chính phủ số; Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; Phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp công nghệ số, tổ chức nghiên cứu để triển khai Chính phủ số; Xây dựng bộ chỉ số đo lường triển khai Chính phủ số và bộ công cụ giám sát, đánh giá; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, làm chủ các công nghệ triển khai Chính phủ số, thúc đẩy ứng dụng và phát triển mã nguồn mở; Tăng cường hợp tác quốc tế.
Để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ ban hành sớm, Bộ TT&TT vừa gửi dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng, phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, góp ý. Các bộ, ngành, địa phương được đề nghị gửi góp ý bằng văn bản trước ngày 15/6/2020.
6 quan điểm quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình nhằm giải quyết thách thức, tận dụng tối đa cơ hội, khai thác lợi thế đặc thù của Việt Nam để đi nhanh và đi đầu, tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn lực, huy động sức mạnh toàn dân trong thực hiện chuyển đổi số, thay đổi thứ hạng quốc gia trên thế giới.
Thủ tướng xác định rõ 6 quan điểm quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam: Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; Người dân là trung tâm của chuyển đổi số; Thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số; Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công; Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay bằng cách sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ và cơ cấu tổ chức. Mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực và địa phương có ý nghĩa sống còn.
Thiết bị di động thông minh là phương tiện chính của người dân trong thế giới số. Hình thành văn hóa số gắn với bảo vệ văn hóa, giá trị đạo đức căn bản của con người và chủ quyền số quốc gia. Lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước bao gồm: Y tế, Giáo dục, Tài chính - ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải và logistics, Năng lượng, Sản xuất công nghiệp, Tài nguyên và môi trường,
Chính phủ kiến tạo thể chế, chính sách để sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm cái mới một cách có kiểm soát; làm điểm, làm nhanh, sau đó đánh giá và nhân rộng; thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo. Chính phủ đẩy nhanh tiến trình phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia cũng xác định, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Hợp tác quốc tế là giải pháp quan trọng để thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là thúc đẩy chuyển đổi số trong xã hội, từ đó tạo lực kéo tiến trình chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước.
Bảo đảm an toàn, an ninh mạng được xác định là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về CNTT đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nêu rõ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công. Nội dung chuyển đổi số quốc gia phải được chỉ đạo, giám sát, đánh giá định kỳ hằng năm, giữa nhiệm kỳ, 5 năm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo