Từ 5/8, Cảnh sát giao thông được quyền xử phạt căn cứ theo thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội
Hàng loạt tài khoản mạng xã hội mạo danh Cảnh sát giao thông / Bộ Giao thông vận tải đề xuất xử phạt xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng
CSGT sẽ trưng cầu giám định thông tin, hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT).
Đây được xem là một hình thức phạt nguội mới, giúp tăng cường chức năng giám sát và tham gia chống vi phạm giao thông của người dân. Trước đó, Thông tư 01/2016/TT-BCA không quy định rõ cơ sở để giải quyết, xử lý triệt để các vi phạm giao thông được người dân phản ánh trên mạng xã hội hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng khác.
Theo Thông tư 65, từ ngày 5/8, ngoài việc phát hiện, xử phạt trực tiếp các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, CSGT còn tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Cụ thể, điều 24, Thông tư 65 quy định về việc tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Những thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được tiếp nhận từ các nguồn: Ghi thu được bằng thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân (không phải phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ) và thông tin, hình ảnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Từ 5/8, CSGT được tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. (Ảnh: Giadinh.net)
Thông tin, hình ảnh làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm hành chính phải phản ánh khách quan, rõ về thời gian, địa điểm, đối tượng, hành vi vi phạm quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội đánh giá Thông tư 65/2020 ra đời là hành lang pháp lý để lực lượng CSGT có thể sử dụng những hình ảnh trên mạng xã hội, được người dân cung cấp làm cơ sở để xác minh, xử lý vi phạm.
Trước khi Thông tư 65 có hiệu lực, Ban giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo Phòng CSGT Công an Hà Nội xây dựng trang tương tác của người dân đối với lực lượng CSGT. Qua đó, đã nhận được nhiều hình ảnh, clip đồng thời triển khai thí điểm xử lý một số hành vi gây nguy cơ cao dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông như: lạng lách, đánh võng; đi vào làn đường, phần đường sai quy định…
Tuy nhiên, vấn đề nhiều người quan tâm là nếu hình ảnh trên mạng bị chỉnh sửa hoặc cắt ghép sẽ được CSGT xử lý như thế nào?
Để tránh tình trạng thông tin không chính xác, bị làm giả, CSGT sẽ trưng cầu giám định thông tin, hình ảnh và tài liệu liên quan. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ làm việc trực tiếp với tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời gửi văn bản đến cơ quan báo chí, cá nhân đã đăng tải đề nghị cung cấp thông tin sự việc. Tổ chức, cá nhân khi ghi nhận, đăng tải hoặc cung cấp thông tin, hình ảnh cho cơ quan công an sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin đã cung cấp. Trường hợp thông tin, hình ảnh có dấu hiệu làm giả, vụ việc sẽ được chuyển sang cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, hình ảnh vi phạm giao thông
Thông tư 65/2020/TT-BCA cũng quy định Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Phòng CSGT, đội CSGT - trật tự công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo địa điểm, hộp thư điện tử tiếp nhận thông tin, hình ảnh để người dân biết; tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, hình ảnh; bảo đảm bí mật tên, họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, bút tích và thông tin khác của tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin, hình ảnh.
Khi tiếp nhận thông tin, hình ảnh, cán bộ CSGT phải xem xét, phân loại, nếu bảo đảm điều kiện quy định thì ghi chép vào sổ và báo cáo thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền thực hiện. Trường hợp thông tin, hình ảnh phản ánh hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang diễn ra trên tuyến, địa bàn phụ trách thì tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông, kiểm soát, phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định.
Trường hợp không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát hoặc hành vi vi phạm được phản ánh đã kết thúc thì thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. Với trường hợp không thuộc tuyến, địa bàn phụ trách của đơn vị thì thông báo cho đơn vị CSGT có thẩm quyền thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc xác minh, thu thập tài liệu, tình tiết xác định vi phạm hành chính và xử lý vi phạm căn cứ yêu cầu cụ thể từng vụ việc, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện một hoặc các hình thức như tiến hành xác minh thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện; gửi thông báo mời chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông đến cơ quan công an để làm rõ vụ việc.
Trường hợp quá thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày gửi thông báo mà chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông chưa đến trụ sở cơ quan công an đã ra thông báo để giải quyết vụ việc thì người có thẩm quyền xử phạt tiếp tục gửi thông báo đến công an cấp xã theo quy định. Làm việc với tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ việc, người chứng kiến, biết vụ việc xảy ra; gửi văn bản đến cơ quan báo chí đã đăng tải, đề nghị cung cấp thông tin, hình ảnh đã đăng tải. Trực tiếp xác minh hoặc phối hợp với công an cấp xã thực hiện xác minh vụ việc. Trưng cầu giám định thông tin, hình ảnh và các tài liệu liên quan; các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Khi làm việc với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông và cá nhân, tổ chức có liên quan, phải lập thành biên bản. Các tài liệu, tình tiết tiếp nhận, thu thập được để xác định vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và phải được lưu trong hồ sơ vụ việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Căn cứ kết quả xác minh, tài liệu, tình tiết thu thập được (thông tin, hình ảnh phản ánh đúng) người có thẩm quyền xử phạt sẽ tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt. Trường hợp thông tin, hình ảnh có dấu hiệu làm giả thì chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật
Những quy định mới trong Thông tư 65 sẽ nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông khi họ không chỉ bị giám sát bởi lực lượng CSGT, mà còn bị sự giám sát của cộng đồng.
Như vậy, ngoài xử phạt thông qua hệ thống camera quan sát, lực lượng CSGT còn thông qua các phương tiện báo chí, mạng xã hội, Cổng thống tin điện tử và cả phản ánh của người dân để tham gia xử lý vi phạm. Mặc dù vậy, cơ quan chức năng cũng khẳng định rằng phía CSGT sẽ chỉ tiếp nhận và xử lý chọn lọc các hình ảnh được phản ánh chứ không tận dụng, tràn lan phương thức tiếp cận này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo