Chính phủ số

Viettel, VNPT, MobiFone chặn hơn 18.300 thuê bao phát tán cuộc gọi rác

DNVN - Theo Bộ TT&TT, trong tháng 7 và tháng 8/2020, ba nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone đã ngăn chặn 18.329 thuê bao phát tán cuộc gọi rác bằng cách khóa chiều gọi đi với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến với thuê bao liên mạng.

Từ 1/7/2020, MobiFone triển khai hệ thống chặn cuộc gọi rác dùng Big Data và AI / Chính phủ ra nghị định mới yêu cầu dùng Bigdata, AI để chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác

Nhà mạng đồng loạt ra quân

Cả ba nhà mạng đều thực hiện các biện pháp kỹ thuật để phát hiện, ngăn chặn thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác.

Cụ thể, Viettel phát hiện và ngăn chặn 16.399 thuê bao phát tán cuộc gọi rác (chiếm gần 90% tổng số thuê bao bị ngăn chặn), đây là doanh nghiệp viễn thông triển khai việc ngăn chặn cuộc gọi quấy rối người dùng hiệu quả nhất.

Đáng chú ý là tỷ lệ khách hàng phản hồi tin nhắn USSD của nhà mạng để xác thực sau khi nhận cuộc gọi nghi ngờ cuộc gọi rác rất thấp (trung bình 5%). “Trong khi đó, chất lượng và hiệu quả của giải pháp ngăn chặn cuộc gọi rác phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ phản hồi của khách hàng. Do đó, rất cần sự ủng hộ của người dùng bằng cách phối hợp trả lời tin nhắn thu thập ý kiến phản hồi của các khách hàng nhận cuộc gọi nghi ngờ có hành vi tạo cuộc gọi rác”, Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, cuộc gọi rác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của người dân vẫn tiếp diễn, đặc biệt là đã xuất hiện hình thức gọi quảng cáo tự động được ghi âm sẵn – Robocall. Các cuộc gọi rác tập trung nhiều nhất vào dịch vụ rao bán nhà đất, căn hộ, condotel, mời mua bảo hiểm, các dịch vụ tài chính, học tiếng Anh… Có những cuộc gọi chào mời kiểu này đưa ra lựa chọn phản hồi với nhà mạng, có cuộc gọi không thấy tin nhắn từ nhà mạng để phản hồi.

cuộc gọi rác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của người dân vẫn tiếp diễn

Cuộc gọi rác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của người dân vẫn tiếp diễn. (Ảnh minh họa: Internet)

Căn cứ theo Luật Viễn thông, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chỉ thị số 01 của Bộ trưởng Bộ TT&TT, Cục Viễn thông đã có công văn chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông triển khai ngăn chặn cuộc gọi rác. Tập trung làm rõ cách hiểu về cuộc gọi rác, trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong việc ngăn chặn cuộc gọi rác; giải pháp phân tích dữ liệu về hành vi, đặc điểm cuộc gọi để xác định các tiêu chí nhận diện thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác, từ đó có biện pháp xác thực để ngăn chặn kịp thời.

Theo đó, các doanh nghiệp viễn thông sẽ căn cứ quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dữ liệu về hành vi, đặc điểm cuộc gọi (các thông tin không phải thông tin riêng của người sử dụng); đồng thời áp dụng các thuật toán dự đoán trên hạ tầng dữ liệu lớn (Big Data), học máy tới tất cả cuộc gọi nội mạng và ngoại mạng để xác định thuê bao phát tán cuộc gọi rác.

Các doanh nghiệp kết hợp thu thập ý kiến phản hồi của khách hàng để xác định hành vi phát tán cuộc gọi rác gây rối người sử dụng và thực hiện biện pháp ngăn chặn (khóa chiều gọi đi đối với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến đối với thuê bao liên mạng). Cục Viễn thông cũng phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, triển khai cơ chế trao đổi thông tin, giải quyết khiếu nại của khách hàng khi ngăn chặn cuộc gọi rác nội mạng, liên mạng.

Theo Cục Viễn thông, Viettel tiến hành chặn cuộc gọi rác từ 1/7/2020, VNPT và MobiFone thực hiện trước ngày 1/8/2020 và các doanh nghiệp viễn thông còn lại triển khai từ 1/10/2020.

 

Cục Viễn thông sẽ công bố định kỳ kết quả ngăn chặn cuộc gọi rác của các doanh nghiệp viễn thông, đánh giá hiệu quả của từng doanh nghiệp để người sử dụng có thêm thông tin hữu ích giúp lựa chọn nhà mạng có chất lượng cung cấp dịch vụ và bảo vệ quyền lợi khách hàng tốt nhất.

Trong trường hợp doanh nghiệp viễn thông không thực hiện biện pháp ngăn chặn cuộc gọi rác có thể bị xem xét xử phạt vị phạm hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 66 Nghị định 185 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91 về chống thư rác, tin nhắn rác và cuộc gọi rác. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan quản lý và các nhà mạng xử lý triệt để vấn nạn cuộc gọi rác đang tấn công hàng chục triệu khách hàng.

Những cách từ chối tin nhắn rác, cuộc gọi rác từ 1/10/2020

Điều 12 Nghị định 91 nêu rõ, khi sử dụng dịch vụ viễn thông, người sử dụng có quyền như sau: Chuyển tiếp thông tin về tin nhắn rác, cuộc gọi rác về Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác của Bộ TT&TT, Cục An toàn thông tin hoặc của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet; Được quyền nhận hoặc từ chối nhận quảng cáo.

 

Theo đó, tin nhắn quảng cáo phải có chức năng từ chối nằm ở cuối tin nhắn và được thể hiện một cách rõ ràng. Đồng thời, trong mỗi tin nhắn quảng cáo đều phải có phần hướng dẫn từ chối nhận tin nhắn đã đăng ký trước đó.

Các hình thức từ chối nhận tin nhắn quảng cáo được Chính phủ quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 91 gồm: Từ chối bằng tin nhắn; Từ chối qua gọi điện thoại. Ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối, người quảng cáo phải gửi ngay thông tin xác nhận đã nhận được yêu cầu và chấm dứt việc gửi loại tin nhắn quảng cáo đã bị từ chối đến người sử dụng.

Theo Nghị định 91, Cục An toàn thông tin sẽ xây dựng và vận hành Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác trên đầu số 5656. Khi đó, người sử dụng dịch vụ có thể phản ánh, cung cấp các bằng chứng tới đầu số 5656. Đồng thời, khi thực hiện các chương trình quảng cáo, người quảng cáo bằng tin nhắn phải gửi bản sao tin nhắn quảng cáo tới đầu số 5656.

Hiện nay, việc phản ánh tin nhắn rác được thực hiện thông qua Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn tại trên đầu số 456. Do đó, trong vòng 90 ngày kể từ ngày 01/10/2020, Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác trên đầu số 456 sẽ được chuyển sang đầu số mới 5656.

 

Ngoài ra, người sử dụng có thể đăng ký Danh sách không quảng cáo. Danh sách không quảng cáo (DoNotCall) là tập hợp số điện thoại mà người có quyền sử dụng số điện thoại đó đã đăng ký không chấp nhận bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo nào (khoản 1 Điều 7).

Trí Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm