Công nghệ 24h

Cảnh báo nạn tổng đài “ma” đang vét túi người dùng và làm tổn hại nhiều thương hiệu

DNVN - Chiêu câu giờ tính cước cuộc gọi của nhiều tổng đài “ma” khiến khách hàng mất sạch tiền trong tài khoản và gây tổn hại cho danh tiếng của nhiều doanh nghiệp.

Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người bán hàng online / Cảnh báo thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên Internet

Mạo danh tổng đài chăm sóc khách hàng

Gần đây truyền thông đưa tin, một số khách hàng khi gặp vướng mắc về các đơn hàng mua bán online đã tìm cách liên hệ với tổng đài hỗ trợ của Tiki bằng công cụ Google Search. Họ tìm kiếm với từ khóa “hotline Tiki’ và chọn vào kết quả đầu tiên với tiêu đề “hướng dẫn đổi trả sản phẩm Tiki”. Trang web này có giao diện khá giống Tiki, cung cấp số hotline là 19006784. Khi gọi đến, một giọng nữ trả lời tự nhận là nhân viên Tiki, yêu cầu cung cấp mã đơn hàng và chờ đợi để kiểm tra. Trong thời gian chờ đợi, điện thoại bị ngắt kết nối do hết tiền, khách hàng liền nạp thêm 50.000 tiền cước để gọi tiếp đến số trên. Sau hơn 2 phút chờ xử lý đơn hàng, điện thoại lại… hết tiền. Khi đó, khách hàng mới tá hỏa vì biết bị lừa.

Thử tìm kiếm từ khóa liên quan đến tổng đài Tiki và nhiều thương hiệu khác như Shopee, Bamboo AirLines, Vietcombank… Kết quả, hàng loạt trang giả mạo thương hiệu trả tiền để được Google hiển thị lên đầu trang. Rõ ràng là các tổng đài “ma” không ngại vung tiền mua quảng cáo để có thứ hạng tìm kiếm trên Google cao hơn thương hiệu thật.

các tổng đài “ma” không ngại vung tiền mua quảng cáo để có thứ hạng tìm kiếm trên Google cao hơn thương hiệu thật. (Ảnh: Zing)

Các tổng đài “ma” không ngại vung tiền mua quảng cáo để có thứ hạng tìm kiếm trên Google cao hơn thương hiệu thật. (Ảnh: Zing)

Gọi thử một số, tổng đài tự động mất hơn 30 giây cho các thông tin giới thiệu và yêu cầu chờ để kết nối đến nhân viên trực điện thoại. Hơn 1 phút sau, tổng đài tự động thông báo các nhân viên đều bận và yêu cầu bấm phím 0 để được hỗ trợ khẩn cấp. Sau hơn 2 phút chờ đợi, không có bất cứ tổng đài viên nào hỗ trợ. Tổng cước phí cho cuộc gọi “tư vấn” lừa đảo là 24.000 đồng.

Trả lời báo chí, đại diện Tiki cho biết sàn thương mại điện tử này chỉ có một tổng đài chăm sóc khách hàng duy nhất là 19006035 và 19006034 để hỗ trợ người bán.

Tổn hại danh tiếng vì tổng đài "ma"

Việc mạo danh như trên khiến các khách hàng của Tiki nhầm lẫn, không nhận được hỗ trợ khi có vấn đề, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín thương hiệu. Vấn đề tương tự cũng xảy ra với nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam như Grab, FPT và nhiều ngân hàng, sàn thương mại điện tử.

 

Bằng một số chiêu câu giờ, các cuộc gọi đến tổng đài "ma" luôn có thời gian trên 1 phút. Trung bình, mỗi cuộc gọi, người dùng phải trả trên 10.000 đồng.

Trao đổi với truyền thông, đại diện Grab cho biết thời gian qua, công ty đã ghi nhận tình trạng một số tổng đài mạo danh Grab ngang nhiên quảng cáo, thực hiện các hành vi với ý đồ không tốt nhắm đến người dùng, tài xế. Tuy vậy, dù nỗ lực song Grab không thể ngăn tình trạng tổng đài "ma" tiếp tục mạo danh thương hiệu này.

Mục tiêu nhắm tới của những tổng đài "ma" là các thương hiệu cần nhiều tương tác với khách hàng như những sàn thương mại điện tử, ứng dụng dịch vụ, ngân hàng. Ngoài ra, những nhãn hàng không có tổng đài chăm sóc khách hàng tại Việt Nam như Facebook cũng thường bị mạo danh. Nhiều người gặp vấn đề về mất tài khoản, lừa đảo... gọi lên tổng đài này nhưng không được hỗ trợ dù mất khoản phí có khi lên tới vài trăm ngàn đồng.

Thực chất những tổng đài mua quảng cáo trên Google trong những trường hợp trên đều mạo danh các thương hiệu để kinh doanh dịch vụ tư vấn qua điện thoại, kiếm tiền từ cước gọi phát sinh của người dùng.

Nhà mạng FPT Telecom, đơn vị tham gia phân phối các đầu số tổng đài 1900 cũng là nạn nhân của việc giả mạo. Theo FPT Telecom, tổng đài "ma" không những gây thiệt hại về uy tín của thương hiệu mà còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng chăm sóc khách hàng của công ty. Dù đã đăng ký chủ sở hữu nhãn hiệu với Google nhưng nền tảng tìm kiếm này vẫn không thể kiểm soát được việc mua quảng cáo mạo danh FPT.

 

Cách nào để tránh mất tiền oan?

Quảng cáo là nguồn thu chính của Google vì vậy Google đang cố ngày càng tăng hiệu quả nguồn thu nhập này. Và ngày càng khó phân biệt được đâu là quảng cáo và kết quả tìm kiếm tự nhiên (từ việc SEO).

Trước khi đợi các cơ quan chức năng xử lý và can thiệp, mỗi người dùng cần biết cách tự bảo vệ để tránh mất tiền oan. Theo lời khuyên của một chuyên gia trong lĩnh vực này, người dùng phải cẩn trọng khi click vào kết quả quảng cáo, nếu click vào cũng nên xem kỹ đó có phải là website của thương hiệu hay công ty mình đang tìm kiếm không?

Đối với kết quả tìm kiếm tự nhiên nên tìm đến thông tin kết quả có website của thương hiệu, công ty mình muốn tìm kiếm, phải kéo xuống dưới cùng website để xem thông tin. Cần nhớ rằng một doanh nghiệp, công ty uy tín thường có đầy đủ thông tin: mã số thuế, địa chỉ doanh nghiệp, hotline liên lạc, đại diện cá nhân chịu trách nhiệm nội dung, địa chỉ văn phòng.

Đặc biệt lưu ý nếu doanh nghiệp đó có thanh toán online thì phải có thông tin đăng ký với Bộ Công Thương.

 

Trí Tâm (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm