Công nghệ 24h

Quản trị dữ liệu thông minh: Vấn đề sống còn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng

DNVN - Dữ liệu và quản trị dữ liệu có vai trò vô cùng quan trọng đối với mọi tổ chức trong nền kinh tế. Đối với ngành ngân hàng tài chính, một trong những ngành sở hữu khối lượng dữ liệu lớn, cũng là ngành đi đầu trong hành trình chuyển đổi mô hình hoạt động theo xu hướng số thì quản trị dữ liệu trở thành vấn đề sống còn.

Mới đây, tại Hà Nội, Viện Chiến lược ngân hàng phối hợp với Học viện Ngân hàng tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Quản trị dữ liệu thông minh trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính”. Dữ liệu và quản trị dữ liệu có vai trò vô cùng quan trọng đối với mọi tổ chức trong nền kinh tế. Đối với ngành ngân hàng tài chính, một trong những ngành sở hữu khối lượng dữ liệu lớn, cũng là ngành đi đầu trong hành trình chuyển đổi mô hình hoạt động theo xu hướng số thì quản trị dữ liệu trở thành vấn đề sống còn. Đặc biệt, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, dữ liệu có thể trở thành tài nguyên mới cho phát triển kinh tế toàn cầu.

Theo đánh giá của tổ chức Gartner, dự kiến năm 2021, các tổ chức lớn sẽ đưa dữ liệu vào danh mục Bảng cân đối kế toán và quản lý dữ liệu như những tài sản của tổ chức. Chính vì vậy, việc ý thức rằng dữ liệu là tài sản chiến lược, có tính chất quyết định đến hoạt động kinh doanh, cần phải được quản lý trong lĩnh vực ngân hàng cũng không phải là ngoại lệ.

Tại Việt Nam, khái niệm quản trị dữ liệu cũng đã xuất hiện khá sớm, một số ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam cũng đã quan tâm, coi trọng việc quản trị dữ liệu. Tuy nhiên, quá trình xây dựng hệ thống quản trị dữ liệu cũng đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức như: Có rất nhiều loại dữ liệu trong hệ thống; logic nghiệp vụ phức tạp; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, khuôn khổ pháp lý hỗ trợ công tác khai thác dữ liệu lớn, đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu cho khách hàng.

Với một phiên chính và hai phiên chủ đề, Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề: Vai trò của quản lý dữ liệu trong lĩnh vực ngân hàng; Hoạt động quản lý dữ liệu trong lĩnh vực ngân hàng trên cơ sở kết hợp hiệu quả với các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Big Data, Trí tuệ nhân tạo - Artificial Intelligence, Học máy - Machine Learning, Phân tích dữ liệu - Data Analytics…); Công nghệ và kinh nghiệm ứng dụng của các công ty Fintech và Bigtech...

hội thảo khoa học với chủ đề “Quản trị dữ liệu thông minh trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính”

Hội thảo khoa học với chủ đề “Quản trị dữ liệu thông minh trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính” được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 29/9/2020.

Nội dung các bài tham luận đều khẳng định việc quản lý dữ liệu hiệu quả sẽ giúp các ngân hàng tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, tối ưu hóa tiềm năng, giảm thiểu chi phí, đưa ra các quyết định hiệu quả, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng… thông qua việc cải thiện chất lượng các mô hình lượng hóa rủi ro; nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu bất thường, giúp công tác kiểm toán nội bộ và kiểm tra giám sát tuân thủ hiệu quả hơn; hiểu rõ hơn về khách hàng; phát triển các mô hình dự báo theo thời gian thực, đáp ứng tức thì nhu cầu của khách hàng; cá nhân hóa giao tiếp với khách hàng, gia tăng khối lượng khách hàng.

Bên cạnh đó, các quan điểm của diễn giả, nhà khoa học tại Hội thảo đều đồng thuận cho rằng quản trị dữ liệu thông minh cần được đề cập như một cấu phần quan trọng trong chiến lược phát triển của các ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới. Đây là thách thức rất lớn đối với các ngân hàng, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, nhưng cũng là xu hướng rất cần thiết và tất yếu. Kết quả quản lý dữ liệu sẽ đóng góp quan trọng cho sự phát triển dài hạn của bản thân các NHTM cũng như toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh.

Tại Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, theo khảo sát tháng 9/2020 của Ngân hàng Nhà nước, 50% các ngân hàng đã xây dựng Kho dữ liệu tập trung (Data warehouse), 27% đã xây dựng các Hồ dữ liệu (Data lake) để thu thập dữ liệu thô đến từ các điểm tiếp xúc số, khoảng 50% các ngân hàng đã ứng dụng phân tích dữ liệu để tối ưu hóa quy trình vận hành, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị rủi ro.

Để có thể phát huy được lợi thế của mình trong việc sở hữu khối lượng lớn về dữ liệu, giữ vai trò tiên phong trong hành trình chuyển đổi mô hình hoạt động theo xu hướng số, quản lý dữ liệu thông minh trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính đã trở thành một yêu cầu cấp thiết, thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà khoa học, các tổ chức tín dụng (TCTD), các công ty công nghệ tài chính - Fintech và các công ty công nghệ lớn - Bigtech.

Phó Thống đốc mong muốn Hội thảo sẽ truyền tải được các vấn đề tổng quan của quản lý dữ liệu thông minh nói chung và quản lý dữ liệu thông minh trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính nói riêng. Trong đó, tập trung làm rõ: Vai trò, ý nghĩa và những vấn đề cơ bản của quản lý dữ liệu thông minh; thực tế quản lý dữ liệu tại Việt nam nói chung và hệ thống NHTM nói riêng; vai trò của dữ liệu và quản trị dữ liệu trong phát triển Chính phủ số; vai trò của dữ liệu và quản trị dữ liệu trong việc phát triển ngân hàng mở; các vấn đề về an toàn bảo mật thông tin trong quá trình xử lý, dẫn truyền, sử dụng thông tin,…; các khoảng trống về mặt pháp lý, nguồn lực (con người, vốn đầu tư,..), về cơ chế phối hợp trong việc chia sẻ, kết nối các nguồn thông tin dữ liệu quốc gia; và các kiến nghị, đề xuất hướng tới việc phát triển hiệu quả quản lý dữ liệu thông minh trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính.

Tại hội thảo các chuyên gia, diễn giả chia sẻ sâu hơn về mặt kỹ thuật của các ngân hàng, các công ty Fintech và bigtech trong việc áp dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào thực tiễn quản lý dữ liệu thông minh.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo