Công nghệ 24h

Việt Nam cần sớm có chính sách thúc đẩy truyền hình lai ghép HbbTV phát triển

DNVN - Để dịch vụ truyền hình lai ghép HbbTV có thể ứng dụng tại Việt Nam, nhà nước cần nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang chính sách, tạo cơ chế khuyến khích các đài phát thanh, truyền hình ứng dụng công nghệ HbbTV, làm mới kho nội dung theo yêu cầu phong phú cung cấp trải nghiệm xem truyền hình đến người dân.

Nền tảng “Make in Việt Nam” ezCloud hỗ trợ phát triển du lịch thông minh / ADB lựa chọn hai nền tảng công nghệ Consultant Anywhere và Everlearn

Truyền hình lai ghép HbbTV sẽ bùng nổ?

Truyền hình quảng bá ra đời từ rất lâu với xuất phát điểm là các hệ thống truyền hình tương tự: NTSC, PAL, SECAM và hiện nay đang dần được số hóa với các tiêu chuẩn: DVB, ATSC, ISDB-T, DTMB. Cùng với việc số hóa này là sự ra đời của các TV số, đầu thu số và các dịch vụ truyền hình độ nét cao HD. Số hóa đã thay đổi đáng kể diện mạo truyền hình quảng bá nhưng vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng về các ứng dụng tương tác trên truyền hình như: truyền hình theo yêu cầu, bình chọn của khán giả.....bởi truyền hình quảng bá chỉ có chiều từ đài truyền hình tới khách hàng mà không có chiều ngược lại. Ngoài ra, việc triển khai các ứng dụng như lịch phát sóng (EPG), thông tin số (teletext).... qua truyền hình quảng bá cũng gặp nhiều trở ngại do các ứng dụng này chiếm nhiều băng thông, ảnh hưởng đến việc phát sóng các kênh truyền hình.

Truyền hình Internet ra đời cho phép truyền tải các nội dung đa phương tiện (Phim, nhạc...) tới khách hàng thông qua hạ tầng Internet sẵn có. Ưu điểm lớn nhất của hình thức truyền hình này là khách hàng có thể thao tác tùy ý để lựa chọn nội dung muốn xem, nhưng hiện nay mới chỉ xem trên máy tính hoặc qua một màn hình TV kết nối với máy tính.

Truyền hình lai ghép HbbTV ra đời cho phép kết hợp hài hòa truyền hình quảng bá và truyền hình Internet trên cùng một thiết bị thu với cùng một giao diện hiển thị duy nhất. Tuy nhiên, việc thiết kế và phát triển một thiết bị thu lai ghép khá phức tạp, vì đó không đơn giản chỉ là sự tích hợp của hai đầu vào (Broadcast & Internet), mà còn phải phát triển được một phần mềm tiên tiến, kết hợp liền mạch các đầu vào và tối ưu hóa trải nghiệm cho khách hàng.

Truyền hình HbbTV có thể cung cấp các dịch vụ: Thông tin số (Teletext), Xem lại chương trình đã phát (Catch-up), Truyền hình theo yêu cầu (Video On Demand), Lịch phát sóng (EPG), Bình chọn (Voting), Quảng cáo tương tác (quảng bá sản phẩm, mua sắm trực tuyến), Mạng xã hội (Social networking), Trò chơi (Game).

Trong thời gian gần đây, sự bùng nổ của mạng Internet băng rộng mặt đất kéo theo sự phát triển mạnh của các thiết bị TV lai ghép hay còn gọi là TV thông minh đã làm thay đổi cách người sử dụng xem các nội dung chương trình truyền hình trên các phương tiện truyền thống.

Tận dụng lợi thế của các thiết bị TV lai ghép nhằm gia tăng tiện ích cho các nội dung quảng bá, các hãng sản xuất thiết bị lớn trên thế giới đã kết hợp với các đài phát thanh, truyền hình và các tổ chức lớn cho ra đời công nghệ lai ghép IBB (Intergrated Broadcast-Broadband) và dịch vụ truyền hình HbbTV vào năm 2012. Dịch vụ truyền hình lai ghép là sự kết hợp mạng phát sóng quảng bá (mặt đất, cáp, vệ tinh) và mạng băng rộng mặt đất (xDSL, cáp, WiFi…) để cung cấp dịch vụ lai ghép tới khán giả.

Dịch vụ truyền hình lai ghép HbbTV hoạt động đồng thời song song với tín hiệu chương trình truyền hình, thông qua ứng dụng “Nút đỏ” trên điều khiển thiết bị. Người sử dụng có thể tương tác và xem các nội dung độc lập đồng thời với các tín hiệu truyền hình đang được phát. Các nút đỏ được đặt ở vị trí các góc màn hình để không ảnh hưởng đến trải nghiệm xem dịch vụ và sẽ biến mất sau vài giây. Các dịch vụ thông qua “Nút đỏ” đa đạng từ thông tin cảnh báo, nội dung theo yêu cầu, xem lịch phát sóng điện tử, tương tác, bình chọn với chương trình đang phát sóng.…

Trên thế giới, loại hình công nghệ này đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian vừa qua. Cụ thể hiện nay đã có 30 quốc gia và 26 các đài truyền hình và các nhà cung cấp dịch vụ đang triển khai công nghệ HbbTV. Ước tính công nghệ này đã tiếp cận đến hơn 587 triệu người trên toàn cầu. Có tới hơn 70 các công ty, tổ chức nghiên cứu phát triển và quảng bá các sản phẩm và dịch vụ dựa trên công nghệ HbbTV. Hiện nay chuẩn truyền hình HbbTV mới nhất là phiên bản 2.0.3 được Viện Tiêu chuẩn Viễn thông châu Âu (ETSI) ban hành vào năm 2020.

Tính đến thời điểm hiện tại, các dịch vụ truyền hình HbbTV đã được triển khai ở Pháp, Đức, Tây Ban Nha. Các nước: Áo, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Hà Lan, Ba Lan, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đã chính thức chấp nhận tiêu chuẩn này. Mỹ, Úc, Nhật Bản, và Trung Quốc đang thử nghiệm.

Với những ưu điểm vượt trội của công nghệ tập trung chủ yếu vào việc gia tăng trải nghiệm cho người sử dụng khi xem các nội dung quảng bá, các đài phát thanh, truyền hình lớn trên thế giới đã áp dụng công nghệ truyền hình lai ghép vào cung cấp dịch vụ và thu được một số kết quả thuận lợi. Một số đài truyền hình quảng bá tại các nước trong khu vực như Singapore hay Malaysia đã bắt đầu triển khai ứng dụng truyền hình lai ghép trong hoạt động cung cấp dịch vụ.

Mô hình truyền hình lai ghép. Nguồn: Internet

Mô hình truyền hình lai ghép. Nguồn: Internet

Việt Nam cần sớm có chính sách thúc đẩy truyền hình lai ghép HbbTV phát triển

Tại Việt Nam xu hướng ứng dụng công nghệ mới vào truyền hình Internet đang được nhiều nhà đài trú trọng đầu tư và xây dựng như: VTV, HTV, FPT, VTVCab, HanoiTV...

Tại Việt Nam, dư địa để phát triển và ứng dụng dịch vụ truyền hình lai ghép thông qua mạng quảng bá trong thời gian tới là hoàn toàn có cơ sở. Đây sẽ là 1 trong những giải pháp công nghệ quan trọng giúp nâng cao vị thế, thu hút đông đảo khán giả xem và sẽ là nguồn tăng trưởng doanh thu tiềm năng cho các đài phát thanh, truyền hình trong nước.

Bất chấp sự bùng nổ của các nội dung trên mạng Internet, một bộ phận không nhỏ người dân các hộ gia đình vẫn thường xuyên xem các nội dung chương trình quảng bá trên các thiết bị TV truyền thống tại không gian sinh hoạt chung. Dịch vụ truyền hình lai ghép khi triển khai thực tế cung cấp trải nghiệm xem mới và gia tăng tương tác với các nội dung chương trình quảng bá.

Về phía thiết bị đầu cuối, một số thiết bị TV thông minh của LG đã hỗ trợ HbbTV tại Việt Nam. Sản lượng TV thông minh hàng năm bán ra lên đến hàng triệu thiết bị là 1 tín hiệu tích cực giúp cho việc triển khai dịch vụ này tại Việt Nam thể hiện tính khả thi. Người dân sẽ không phải đầu tư mua các thiết bị mới mà có thể sử dụng thiết bị TV thông minh sẵn có cập nhật các phiên bản phần mềm mới tích hợp truyền hình lai ghép HbbTV là có thể sử dụng được.

Mặt khác, truyền hình lai ghép khi triển khai thực tế sẽ tạo lợi thế về cho các Đài phát thanh, truyền hình trong việc thu hút khán giả. Tận dụng kho nội dung sẵn có, kết hợp với việc nghiên cứu thị hiếu xem, đánh giá nhu cầu thưởng thức nội dung, các Đài phát thanh, truyền hình có thể làm mới nội dung, cung cấp trải nghiệm tương tác trực tiếp tới từng khách hàng, đẩy mạnh việc cá nhân hóa nội dung, trao quyền kiểm soát và sử dụng dịch vụ tới khách hàng. Các nội dung thu hút đông đảo người xem sẽ tạo điều kiện gia tăng doanh thu quảng cáo.

Công nghệ truyền hình lai ghép cho phép quảng cáo trực tiếp trên các thiết bị TV thông qua việc sử dụng điều khiển TV hoặc các thiết bị đi kèm điều mà trước đây các TV thông thường không thể làm được. Nhờ có công nghệ HbbTV, các Đài phát thanh, truyền hình có thể theo dõi xu hướng xem quảng cáo, đối tượng xem quảng cáo, biết quảng cáo nào đang được xem và (ẩn danh) bằng thiết bị nào. Nhờ vậy, các Đài có thể cung cấp các quảng cáo trực tiếp tới đối tượng phù hợp. Việc sử dụng nút đỏ và các nội dung sáng tạo sẽ giúp tăng tương tác đối với các sản phẩm quảng cáo, giúp cho doanh thu quảng cáo của Đài sẽ có sự tăng trưởng.

Để dịch vụ truyền hình lai ghép có thể ứng dụng triển khai tại Việt Nam trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất tạo hành lang chính sách, tạo cơ chế khuyến khích các đài phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố ứng dụng công nghệ HbbTV, làm mới kho nội dung theo yêu cầu phong phú cung cấp trải nghiệm xem truyền hình đến người dân.

Mô hình truyền hình lai ghép. Nguồn: Cục PTTH&TTĐT

Mô hình truyền hình lai ghép. Nguồn: Cục PTTH&TTĐT


Lê Đỗ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm