Kinh tế số

Cân bằng hoạt động chuyển đổi "kép" để phát triển bền vững

DNVN - Chuyển đổi "kép", tức chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, được coi là bắt buộc nếu doanh nghiệp, quốc gia muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy vậy, trong hoạt động xanh hoá và số hoá, chuyên gia khuyến nghị cần bảo đảm yếu tố cân bằng để phát triển bền vững.

VCA 2024: Tìm kiếm nhà sáng tạo nội dung số truyền cảm hứng / Hoàn thiện chính sách quản lý tài sản ảo là một “bài toán khó”

Bắt buộc phải chuyển đổi "kép"

Tại toạ đàm "Đổi mới chính sách cho một châu Á - Thái Bình Dương xanh và cập nhật kỹ thuật số" trong khuôn khổ diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương ngày 28/5 tại Hà Nội, bà Claudia Anselmi - Tổng giám đốc Công ty May và Nhuộm Hưng Yên, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, khi thực hành ESG và các chiến lược phát triển bền vững, doanh nghiệp đối diện với không ít khó khăn, trong đó có 3 trở ngại chính.

Trở ngại thứ nhất liên quan tới kiến thức, sự hiểu biết. Thực tế nhiều doanh nghiệp thấy đây là vấn đề rất mới, không phải doanh nghiệp nào cũng có nguồn lực và nhân sự có chuyên môn về vấn đề này.

Thứ hai, chi phí đầu tư ban đầu quá cao. Việc thực hành ESG đòi hỏi phải đầu tư vào máy móc, công nghệ, thiết bị năng lượng… Tất cả đều là các hệ thống phức tạp, đòi hỏi nhiều vốn, phải tính toán tỷ lệ hoàn vốn đầu tư, mất nhiều thời gian trước khi đi vào vận hành…


Bà Claudia Anselmi - Tổng giám đốc Công ty May và Nhuộm Hưng Yên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).

Thứ ba là tiếp cận nguồn vốn tài chính xanh. Tại Việt Nam, dòng vốn cho tín dụng xanh chỉ mới chiếm khoảng 4-5% vốn tín dụng toàn thị trường, đây là con số ở mức rất thấp. Điều này là thách thức thực tế với doanh nghiệp, bởi vốn chính là yếu tố tiên quyết với các quyết định đầu tư – kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp.

Dù đối mặt với nhiều trở ngại nhưng để cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh sức ép cạnh tranh quá lớn, doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi "xanh" và "số".

Bên cạnh đó, để có vị trí nhất định trong chuỗi cung ứng, các tiêu chuẩn bền vững cũng là yếu tố phải thực tế. Đây là yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải chuyển hướng tới quá trình chuyển đối xanh và số.

"Nếu không làm như vậy, chúng tôi có nguy cơ phải ra khỏi thị trường”, bà Claudia Anselmi cho biết và nhấn mạnh việc tuân thủ chiến lược bền vững ngay từ đầu giúp công ty có thể tuân thủ dễ dàng quy định của các thị trường như châu Âu.

Từ khóa "cân bằng"

Trong khi đó, ông Hu Jie - Giáo sư thực hành, Giám đốc Trung tâm Đổi mới FinTech (Nanjing), Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Viện Tài chính Tiên tiến Thượng Hải nhấn mạnh đến sự cân bằng trong hoạt động xanh hoá và số hoá nền kinh tế.

Ông cho rằng, mỗi quốc gia phải cân bằng giữa các mục tiêu khác nhau, một bên là xanh hoá nền kinh tế, một bên là phát triển kinh tế.

"Các quốc gia hướng tới mục tiêu cao nhất là xanh hơn, nhưng cách tiếp cận khác nhau. Nếu cách đây 10 năm, chúng ta nói về ô nhiễm môi trường, về cạn kiệt tài nguyên thì hiện tại nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu cảm thấy hối hận khi đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng.


Các diễn giả trao đổi tại phiên toạ đàm "Đổi mới chính sách cho một châu Á - Thái Bình Dương xanh và cập nhật kỹ thuật số".

Đây là lý do việc cân bằng các yếu tố phát triển đòi hỏi không chỉ tập trung vào mục tiêu ngắn hạn mà phải có những phương thức phù hợp với tăng trưởng dài hạn. Mỗi quốc gia có những điều kiện, cân nhắc khác nhau và họ phải lựa chọn cách làm, lộ trình khác nhau để đạt được điểm cân bằng", chuyên gia nhấn mạnh.

Ông Hu Jie cũng khuyến nghị việc quan tâm tới sự tương tác giữa yếu tố kinh tế số và tăng trưởng bền vững.

“Số hoá nếu không được quản lý thận trọng thì có thể gây nhiều tổn thương cho phát triển bền vững. Vậy nên phải phát triển công nghệ đi cùng với nguyên tắc về phát triển bền vững”.

Cùng quan điểm, bà Julia Tay - Lãnh đạo chính sách công cộng châu Á - Thái Bình Dương, EY cho rằng, có sự giao thoa giữa bền vững và công nghệ. Công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ tính bền vững và ngược lại.

"Cách đây 2-3 năm khi đại dịch COVID-19 diễn gia, các quốc gia đều tăng cường bảo vệ chủ quyền hơn, điều này phần nào ảnh hưởng tới cách thức chúng ta trao đổi, liên kết với nhau. Tại diễn đàn này có nhiều nhà lãnh đạo, đơn vị quản lý, tôi mong các nhà hoạch định chính sách sẽ dõi theo các bước đi trong chiến lược bền vững một cách sát sao", bà Julia cho biết.

Theo bà Julia, với câu chuyện bền vững tại châu Á – Thái Bình Dương, hiện tại phải áp dụng từ trên xuống, tức là chính sách được ban hành và doanh nghiệp tuân thủ, nguyên nhân bởi phạm vi và mức độ thực hiện còn da dạng, nhiều bên liên quan cùng tham gia vào hệ thống, nên các nhà hoạch định chính sách phải là người đưa ra tiêu chuẩn và bước đi phù hợp với thời kỳ.

“Chẳng hạn, tại Singapore, các doanh nghiệp niêm yết có giai đoạn 2 năm để thực hiện yêu cầu báo cáo ESG. Trung Quốc cũng có giai đoạn thử nghiệm quản lý để doanh nghiệp có đủ thời gian và số liệu để thực hiện thu thập dữ liệu báo cáo. Một số quốc gia khác sử dụng các quy định liên quan tới thực hành để bám sát và thúc đẩy tuân thủ. Khi doanh nghiệp có định hướng và lộ trình thì họ có thể thực hiện một cách cuốn chiếu các tiêu chuẩn ESG”, bà Julia Tay chia sẻ.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm