Chân dung "cha đẻ" game Việt vốn hóa tỷ USD đang là hiện tượng công nghệ toàn cầu
Fintech 4.0 ứng dụng công nghệ blockchain vào game online / Đại dịch Covid-19: Điện ảnh, thể thao đối mặt với Ngày tận thế, song dịch vụ phát trực tuyến và game online có cơ hội bùng nổ
Chơi game nhưng vẫn kiếm được tiền
Axie Infinity được phát triển dựa trên ý tưởng từ trò chơi CryptoKitties (cũng trên nền tảng blockchain), xoay quanh các loại thú cưng có tên chung là Axie. Trong thế giới đó, người chơi có nhiệm vụ thu thập, nuôi dưỡng và để Axie chiến đấu với nhau, xây dựng vương quốc thú cưng của riêng mình (có nhiều nét tương đồng với tựa game Pokémon đình đám).
Chơi game nhưng vẫn kiếm được tiền, đó là lý do khiến Axie Infinity trở thành một hiện tượng toàn cầu. (Ảnh: Internet)
Quá trình chiến đấu, lai tạo nhân vật trong game sẽ mang về cho người chơi một khoản tiền ảo để đầu tư và mua bán lại với người chơi khác. Hiện nay, Axie Infinity được xem là game blockchain có doanh thu cao nhất thế giới. Tính tới đầu tháng 7/2021, tựa game đã thu về 386 triệu USD (theo báo cáo của Crytoslam) và doanh thu trong 30 ngày qua là 90 triệu USD (theo Token Terminal).
Để tham gia, người chơi phải mua tối thiểu 3 Axies để “làm vốn”. Với giá trị mỗi Axie hiện tại tối thiểu 345 USD, người chơi sẽ phải mất tầm 1.000 USD để bắt đầu tham gia thế giới Axies Infinity. Chưa kể tới những Axies được chào giá lên tới cả nghìn USD.
Lý do các Axies có giá bán khác nhau và cao bởi Axie Infinity sử dụng công nghệ NFT (Non-fungible Token), có nghĩa mỗi vật phẩm ảo trong game, từ phụ kiện cho tới Axie là độc nhất vô nhị, không thể bị trùng, thao túng hay làm nhái. Sky Mavis từng khẳng định NFT sẽ thay đổi cách thiết kế game, khi hình thức truyền thống là người chơi trả tiền để trải nghiệm, còn NFT sẽ cho phép họ dùng tiền đó để sở hữu vật phẩm độc nhất, có thể giao dịch như một khoản đầu tư. NFT đang gây sốt trên thị trường Internet từ đầu năm 2021, trong đó vật phẩm giao dịch chủ yếu là các bức ảnh, bài nhạc, video… với giá trị lên tới nhiều triệu USD.
Trên các diễn đàn, hội nhóm về game và “tiền ảo”, cái tên Axie Infinity trở thành chủ đề được bàn tán rất sôi nổi. Bởi đây là dự án có tốc độ tăng giá nhanh nhất chỉ xét trong 100 đồng “tiền ảo” có tổng vốn hóa lớn nhất trên thị trường.
Chơi game nhưng vẫn kiếm được tiền, đó là lý do khiến Axie Infinity trở thành một hiện tượng toàn cầu, trung bình mỗi ngày có khoảng 350.000 người chơi Axie Infinity. Tài khoản Twitter của tựa game có tới hơn 270.000 người follow.
Theo thống kê của Coinmarkercapt, trong 24 giờ đồng hồ qua, tổng khối lượng giao dịch mua bán AXS lên tới hơn 3,5 tỷ USD. Hiện Axie Infinity đứng ở vị trí thứ 40 trong số những đồng “tiền ảo” có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới. Với giá trị giao dịch hiện nay là 41 USDT/AXS, tựa game đã giúp vốn hóa của Sky Mavis đạt gần 2,5 tỉ USD.
Chân dung "cha đẻ" 9X của Axie Infinity
Theo sách trắng của Axie Infinity, tựa game được phát triển bởi Sky Mavis. Đây là một studio game có trụ sở tại TP.HCM, được thành lập vào năm 2018 bởi CEO Nguyễn Thành Trung và các cộng sự.
Đồng sáng lập với Nguyễn Thành Trung còn có Aleksander Leonard Larsen và Jeffrey Zirlin. Trong đó, Alesksander Leonard Larsen hiện là COO (Giám đốc vận hành) còn Jeffrey Zirlin là Growth Lead (Trưởng bộ phận tăng trưởng), phụ trách chiến lược của Axie Infinity.
Nguyễn Thành Trung nảy ra ý tưởng phát triển game Axie Infinity vào năm 2017. (Ảnh: Internet)
Sky Marvis hiện có khoảng 40 nhân sự đang làm việc toàn thời gian. Ngoài CEO Nguyễn Thành Trung, Tu Doan - Giám đốc sáng tạo và Game Designer của Axie Infinity cũng là người Việt.
Nguyễn Thành Trung sinh năm 1992. Anh từng thi vào THPT Chuyên Toán - Tin (Đại học Khoa học Tự nhiên, thuộc ĐHQG Hà Nội) và sau đó theo học ngành Kỹ sư phần mềm tại FPT. Nhưng đến năm thứ 2, Trung bỏ học để khởi nghiệp dự án đầu tiên là Lozi - mạng xã hội chia sẻ địa điểm ăn uống - cùng bạn bè. Sau 3 năm, anh rời công ty và chuyển vào TP HCM, học nốt chương trình còn dang dở tại Đại học FPT. Hiện giờ, Lozi đã trở thành một nền tảng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Sau khi rời Lozi vào năm 2015, Thành Trung làm việc tại TrustSocial - nhà cung cấp hồ sơ rủi ro tín dụng lớn nhất châu Á với hơn 1 tỷ người dùng tại Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và Philippines. Anh từng có thời gian làm việc tại Anduin Transactions - một công ty công nghệ tài chính có trụ sở đặt tại Mỹ.
Nguyễn Thành Trung nảy ra ý tưởng phát triển game Axie Infinity vào năm 2017 sau khi bị một trò chơi blockchain khác là CryptoKitties lôi cuốn. Đến năm 2018, anh sáng lập Sky Mavis và bắt tay vào gây dựng tựa game Axie Infinity.
Với những người am hiểu blockchain, đà thăng tiến của Axie Infinity không bất ngờ. Vì ngay từ khi bắt đầu thương mại hóa, tựa game đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư công nghệ.
Trong năm 2019, Sky Mavis là một trong hiếm hoi 6 startup tại Việt Nam được 500 Startups Vietnam chọn vào chương trình Saola Accelerator. Sau đó, startup này còn thành công gọi vốn từ nhà đầu tư chính là Animoca Brands cùng các nhà đầu tư phụ như Hashed, Pangea Blockchain Fund, ConsenSys và 500 Startups; với số tiền lên đến 1,5 triệu USD.
Tháng 5/2021, Sky Mavis đã nhận khoản đầu tư trị giá 7,5 triệu USD của tỷ phú nổi tiếng người Mỹ - ông Mark Cuban và một số nhà đầu tư. Khoản tiền sau đó được sử dụng để phát triển nhân sự và quảng bá hình ảnh của tựa game Axie Infinity. Ấn tượng hơn nữa khi vòng gọi vốn Series A của Axie Infinity còn có sự góp mặt của Alexis Ohanian - đồng sáng lập diễn đàn Reddit và Kevin Lin - đồng sáng lập mạng xã hội Twitter.
Tỷ phú Mark Cuban đã có giải thích về quyết định đầu tư của mình, rằng "Axie là một nền tảng tuyệt vời. Nó thú vị và hấp dẫn. Đó là một trò chơi mà bạn muốn chơi trong nhiều giờ liên tục. Yếu tố kinh tế trong game này cũng rất đặc biệt. Tôi rất hào hứng được trở thành một phần của nó".
Chỉ một thời gian ngắn sau, đến tháng 7/2021, Axie Infinity đã manh nha trở thành một hiện tượng công nghệ mới. Tổng giá trị vốn hóa của AXS (token tiện ích của Axie Infinity) cán mốc 1 tỷ USD vào ngày 10/7. Ở thời kỳ cao điểm, tổng giá trị vốn hóa của dự án game tiền ảo này có lúc đạt tới 2,7 tỷ USD.
End of content
Không có tin nào tiếp theo