Kinh tế số

Tại sao vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet diễn ra công khai không ngăn chặn được?

DNVN - Ông Nguyễn Ngọc Hân - CEO Thudo Multimedia chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam về nguyên nhân việc bảo vệ bản quyền nội dung trên Internet chưa thành công, cũng như khuyến nghị các giải pháp có thể áp dụng.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Bài 2: Ngành công nghiệp bản quyền dưới góc nhìn kinh tế

Ông Nguyễn Ngọc Hân - CEO Thudo Multimedia.

Ông Nguyễn Ngọc Hân - CEO Thudo Multimedia.

Bảo vệ bản quyền nội dung trên Internet là yếu tố quan trọng để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động cung cấp nội dung số, thúc đẩy, tạo điều kiện cho ngành nội dung số, ngành truyền hình trả tiền phát triển. Tuy nhiên nạn vi phạm bản quyền trên Internet ở Việt Nam vẫn diễn ra công khai hàng ngày trên Internet. Ông Nguyễn Ngọc Hân - CEO Thudo Multimedia chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam về nguyên nhân việc bảo vệ bản quyền nội dung trên Internet chưa thành công, cũng như khuyến nghị các giải pháp có thể áp dụng.

Thưa ông, qua theo dõi các giải bóng đá hấp dẫn gần đây như EURO 2020, Copa America 2021, Vòng loại 2 FIFA World Cup 2020, có thể nhận thấy, tình trạng vi phạm bản quyền hình ảnh các giải đấu này tràn lan trên mạng xã hội, trên các website. Mặc dù các đơn vị sở hữu bản quyền đều công bố đã có những công cụ kỹ thuật và pháp lý để bảo vệ bản quyền, nhưng thực tế thì tình trạng vi phạm vẫn tràn lan. Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu sâu về các vấn đề xoay quanh bản quyền nội dung số trên Internet, ông có thể phân tích nguyên nhân việc bảo vệ bản quyền các giải đấu thể thao nói trên chưa thành công?

Ông Nguyễn Ngọc Hân: Rất rõ ràng, việc các nội dung (video, kênh) vi phạm bản quyền bị phát tán là do bị lọt sóng. Về nguồn lọt thì có nguồn trong nước và nguồn ngoài nước. Về cách thức lọt thì đến từ các link (đường dẫn nội dung) không bị bảo mật, hoặc kẻ vi phạm sử dụng phần mềm ghi lại các diễn biến trên màn hình thiết bị, sau đó phát lại trên các nguồn thứ cấp (re-stream), chia sẻ xuyên quốc gia thông qua Internet. Một số tổ chức quy mô hơn thì thu trực tiếp tín hiệu từ vệ tinh, đóng gói lại sau đó bán lại cho các đơn vị vi phạm. Từ cách thức lọt đó, có thể thấy các đơn vị sở hữu nội dung thất bại trong việc bảo vệ bởi: Nội dung của họ không được bảo vệ bằng giải pháp bảo vệ bản quyền. Giải pháp này bao gồm việc khóa mã tín hiệu , đồng thời trên ứng dụng cho Smart TV, điện thoại, web, đầu thu đều tích hợp tính năng chống ghi lên màn hình (HDCP).

Vấn đề phức tạp hơn nữa là dù đã tích hợp tính năng tính năng chống ghi màn hình, nhưng nếu kẻ vi phạm sử dụng hẳn camera để quay trực tiếp rồi phát lại thì cần phải biết nguồn phát tán đến từ nhà phân phối nào, và người sử dụng của nhà phân phối đó có số hiệu bao nhiêu. Biện pháp này cần kết hợp giải pháp Forensic cho phép phát hiện ra nguồn bị phát tán thuộc nhà phân phối nào, và Fingerprint Online, cho phép phát hiệu ra người dùng nào đang phát lại nội dung.

Nhìn chung các nguồn này thường đến từ cách: Nguồn ở ngoài nước thì đến từ các quốc gia có luật bản quyền lỏng lẻo. Ví dụ hiện nay rất nhiều trang lấy nguồn từ các kênh tiếng Nga.

Về nguyên nhân của vấn đề này đều có nguồn gốc từ đường link không được bảo vệ, và nếu có được bảo vệ thì lại bị ghi màn hình và phát lại mà không có biện pháp phát hiện ra nguồn phát tán nội dung, hoặc phát hiện ra tài khoản nào đang vi phạm để khóa sóng.

Vi phạm bản quyền các trận đấu trong khuôn khổ EURO 2020 diễn ra công khai ở nhiều nền tảng.

Vi phạm bản quyền các trận đấu trong khuôn khổ EURO 2020 diễn ra công khai ở nhiều nền tảng.

Nạn vi phạm bản quyền trên môi trường số nói chung diễn ra trong một thời gian dài. Thực tế thì các đơn vị sở hữu quyền, cũng như cơ quan nhà nước đã áp dụng khá nhiều biện pháp như: Chặn website, chặn nguồn quảng cáo, khiếu kiện, xử phạt hành chính, thậm chí là khởi kiện ra tòa, nhưng thực tế thì các vụ vi phạm cũng chỉ giải quyết trong trước mắt. Còn thực tế nạn vi phạm bản quyền như “bắt cóc bỏ đĩa”, không hề giảm mà vẫn có dấu hiệu tăng lên. Ông cho biết, tại sao các giải pháp vừa nêu lại không có tác dụng ngăn chặn lâu dài? Phải chăng là chúng ta chưa có những giải pháp đủ mạnh để ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền?

Ông Nguyễn Ngọc Hân: Việc đầu tiên để ngăn chặn được thì chúng ta cần phải hiểu được các cách thức để nội dung bị phát tán. Điều đầu tiên, như nói ở trên, đó là do tín hiệu không có các giải pháp bảo vệ bản quyền khi được phát đi. Điều thứ 2 là các website vi phạm, điều thứ 3 là môi trường truyền các tín hiệu vi phạm.

Các nhà quản lý trước đây thường nghĩ rằng tên miền là nơi chứa mọi ngọn nguồn của nội dung vi phạm. Nhưng thực chất, tên miền hiện nay được mở rộng rất phong phú, đa dạng và ai cũng có thể dễ dàng sở hữu hàng triệu tên miền khác nhau chỉ sau vài phút. Do đó chặn tên miền là không xuể, nếu tên miền này bị chặn, thì ngay lập tức hệ thống sinh ra 1 tên miền mới để chuyển hướng (re-direct) người dùng đến 1 tên miền mới để tiếp tục cung cấp nội dung vi phạm. Do đó, muốn chặn được nội dung vi phạm phải biết được môi trường phân phối dữ liệu, chính là các CDN. Do dung lượng của video khá lớn, nên hầu hết các kênh trực tuyến bây giờ, đều phải dùng CDN để phân phối và phát tán. Vì vậy, việc tìm và yêu cầu các đơn bị bán CDN chặn tín hiệu vi phạm là khả thi hơn vì số lượng các nhà cung cấp CDN tại một nước là khá ít và hoàn toàn kiểm soát được.

Và giải pháp căn cơ cuối cùng là giáo dục người dùng, bởi đa số họ không nhận thức được đây là các nội dung vi phạm. Và việc xem các nội dung vi phạm bản quyền cũng là hình thức vi phạm pháp luật gián tiếp.

Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm mà thế giới đã áp dụng để bảo vệ bản quyền trên môi trường số? Việt Nam cần phải có thay đổi như thế nào trong việc ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền một cách công khai như vậy?

Ông Nguyễn Ngọc Hân: Việc bảo vệ bản quyền số nói chung, trong đó có bảo vệ các mảng rất lớn và quan trọng là: Truyền hình, phim, nhạc và xuất bản điện tử… hay gọi chung là các phát minh, sáng chế từ lâu đã được các nước rất chú trọng bởi nhiều nước hiện nay đã coi nội dung số là tài sản quốc gia.

Tôi lấy ví dụ, các tài liệu liên quan đến phát minh Vaccine COVID-19 chẳng hạn, trong giai đoạn vừa rồi, có rất nhiều các cuộc tấn công, vi phạm quy mô cực lớn để có được các phát minh này. Do đó, để bảo vệ bản quyền trên môi trường Internet, các nước thường đồng thời áp dụng cả 4 phương pháp nêu trên thành một tổ hợp song hành bởi: DRM - cho phép bảo vệ việc lấy nội dung để phát tán; HDCP - chống ghi lại bằng phần mềm; Forensic - cho phép phát hiện ra nguồn bị phát tán và Fingerprint Online - cho phép phát hiện ra và khóa luồng bị phát tán. Ngoài các giải pháp công nghệ, các quốc gia cũng phải đồng thời đưa các biện pháp giáo dục và áp dụng luật xử phạt đối với các trường hợp vi phạm.

Đối với hai giải pháp Forensic và Fingerprint còn có 1 tác dụng đó là lưu lại các bằng chứng vi phạm, giúp các đơn vị sở hữu nội dung có thể sử dụng làm chứng cứ chứng minh việc vi phạm trước tòa.

Tôi được biết, Thudo Multimedia đã phát triển được giải pháp Sigma Multi-DRM có thể ứng dụng để bảo quyền nội dung số trong nhiều lĩnh vực, vậy vì sao giải pháp này vượt qua được các tiêu chuẩn bảo mật và ngoài ra có thêm ưu điểm gì không?

Ông Nguyễn Ngọc Hân: Đúng là 1 giải pháp về bảo mật, thì phải đạt được hết các tiêu chuẩn về an toàn. Là một doanh nghiệp bán giải pháp bảo mật, trước tiên doanh nghiệp đó phải bảo vệ được chính mình, do đó, các doanh nghiệp kiểm định sẽ kiểm tra và giám sát liên tục từ an toàn sản xuất, kiểm soát con người, máy móc, đến các giải thuật bảo vệ bên trong. Ngoài việc tuân theo quy chuẩn bảo mật 2 lớp, giải pháp bảo mật Sigma DRM còn tiến hành mã hóa riêng 1 lớp nữa để trở thành giải pháp có 3 lớp bảo vệ.

Sigma Multi -DRM đã được các doanh nghiệp trong nước và quốc tế ứng dụng để bảo vệ bản quyền nội dung số. Ông có thể chia sẻ nhiều hơn về kết quả thương mại hóa giải pháp này tính đến thời điểm hiện nay, cũng như kế hoạch mở rộng phát triển giải pháp trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Ngọc Hân: Với Sigma Multi-DRM, hiện nay chúng tôi đã triển khai cho phần lớn các hãng truyền hình OTT trong nước, trong đó có VTVcab On và các OTT lớn khác. Ngoài ra chúng tôi đã triển khai thành công cho 1 đối tác tại Mỹ là JungoTV và đang trong giai đoạn đàm phán với 1 đài truyền hình nước ngoài thứ 2.

Về mở rộng, chúng tôi tiến hành mở rộng cả về đối tượng áp dụng giải pháp và đối tác. Về đối tượng sử dụng, chúng tôi đã ký kết triển khai bảo vệ bản quyền cho IPTV, bảo vệ bản quyền âm nhạc. Tiếp theo chúng tôi sẽ chào bán giải pháp cho các đơn vị sản xuất camera an ninh, các đơn vị cung cấp cloud cho mảng camera an ninh, và mảng quan trọng nữa là chào bán giải pháp quản lý xuất bản điện tử cho các nhà xuất bản, các đơn vị báo chí và cung cấp giải pháp quản lý thư viện điện tử cho các trường đại học.

Về đối tác, năm 2021, chúng tôi phấn đấu sẽ có đối tác tại thị trường Đông Nam Á, sau đó hướng đến có đối tác tại thị trường Châu Á, tiếp đến là toàn cầu.

Việc thương mại hóa các sản phẩm công nghệ của Việt Nam hiện nay có gặp trở ngại gì không? Đặc biệt là việc xuất khẩu phần mềm ra quốc tế?

Ông Nguyễn Ngọc Hân: Khó khăn thì nhiều, và triển khai đến mảng nào chúng tôi cũng gặp khó khăn rất lớn. Ngay ở trong nước thôi, việc bán hàng và chứng minh chất lượng sản phẩm với các đơn vị sở hữu bản quyền cũng mất nhiều thời gian.

Với thị trường ngoài nước lại càng khó khăn gấp bội, vì các đơn vị cung cấp giải pháp và dịch vụ trong ngành nội dung số từ lâu đã đi cùng với nhau rất chặt chẽ. Do đó, trước khi vào được thị trường này, công ty chúng tôi dần phải tham gia vào các liên minh chuyên ngành để các hiệp hội này thẩm định chéo, từ đó mới được giới thiệu đến tới các đối tác sở hữu nội dung.

Khó khăn nữa cần kể đến đó là nguồn nhân lực. Gần như ở Việt Nam, các sinh viên ra trường thì không được đào tạo chuyên sâu về bảo mật, nơi đòi hỏi am hiểu cả về phần cứng lẫn phần mềm của 1 thiết bị và kiến thức chuyên sâu về các tầng mạng Internet. Và khó khăn cuối cùng đó chính là chính sách quốc gia cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, chào bán các giải pháp phần mềm.

Xin cảm ơn ông!

Số liệu tham khảo về vi phạm bản quyền nội dung số:

EURO 2020: Đến hết tháng 6/2021, VTV đã rà soát, xử lý và báo cáo cho UEFA hơn 1.000 trường hợp vi phạm trên nền tảng Facebook, YouTube và thu thập chứng cứ vi phạm của hàng chục website.

Vòng loại 2- FIFA WORLD CUP 2022: Next Media đã tiến hành xử lý hơn 10 000 links vi phạm trên YouTube, Facebook, ghi nhận hơn 20 website lậu sử dụng trái phép nội dung.

Trong tháng 3/2021, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã cảnh báo 30 websites vi phạm bản quyền phát sóng các giải thể thao thuộc sở hữu của K+. Trước đó, Cục cũng cảnh báo 40 websites vi phạm bản quyền phim truyền hình của K+, SCTV và các đơn vị sở hữu nội dung khác.

Đỗ Quyên (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm