Nhiều điểm mới trong quản lý quảng cáo xuyên biên giới có hiệu lực từ 15/9
Thể thao điện tử cần “cú hích” để trở thành mũi nhọn của kinh tế số / AI sẽ là công nghệ nền tảng cho giao dịch tài chính trong tương lai
Ngày 20/7/2021, Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo đã được Chính phủ ký ban hành. Đáng chú ý nhất là Nghị định 70 bổ sung các quy định về quảng cáo xuyên biên giới. Nghị định số 70/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/9/2021.
Theo số liệu thống kê của cơ quan quản lý, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2019 là 830 triệu USD, các nền tảng xuyên biên giới chiếm 82% thị phần. Trong khi đó, các quy định của pháp luật về quảng cáo trên trang thông tin điện tử và quảng cáo xuyên biên giới tại Luật Quảng cáo và Nghị định 181/2013/NĐ-CP được ban hành từ năm 2013 trở về trước đã trở nên rất lạc hậu, nhiều bất cập, không theo kịp quy mô phát triển của thị trường. Đó là lý do Nghị định số 70/2021/NĐ-CP ra đời để điều chỉnh các quy định về quảng cáo xuyên biên giới, đảm bảo sự công bằng giữa các doanh nghiệp hoạt động quảng cáo trong và ngoài nước.
Thống nhất một đầu mối quản lý quảng cáo xuyên biên giới
Theo Nghị định 181/2013/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông được phân công quản lý quảng cáo trực tuyến (Điều 27) nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại quản lý các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động quảng cáo xuyên biên giới (Điều 14), dẫn đến việc xây dựng và thực thi chính sách quản lý về quảng cáo xuyên biên giới không thống nhất, đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Nay theo Nghị định số 70/2021/NĐ-CP, hai quy định không khả thi và không phù hợp với thực tế tại Nghị định số 181/2013/NĐ-CP bị bãi bỏ là: “Quảng cáo xuyên biên giới phải thông qua một đại lý quảng cáo tại Việt Nam và trước khi cung cấp quảng cáo 15 ngày, phải thông báo với cơ quan chức năng có thẩm quyền (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)”. Thay vào đó, các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam chỉ cần thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Doanh nghiệp sẽ nhận được xác nhận thông báo sau 7 ngày.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng là cơ quan tiếp nhận các thông báo về quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật từ các bộ, ngành, địa phương và là đầu mối liên hệ, gửi yêu cầu xử lý quảng cáo vi phạm pháp luật cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
Từ 15/9/2021, quản lý quảng cáo xuyên biên giới có nhiều điểm mới.
Quy định đảm bảo kiểm soát nội dung quảng cáo
Nghị định 70 đảm bảo sự công bằng trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về quảng cáo giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo đó: “Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam” đều phải “tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, quy định về an ninh mạng và quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; phải nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế”.
Đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam, trách nhiệm kiểm soát nội dung quảng cáo bao gồm:
Kiểm tra nội dung quảng cáo, không để sản phẩm quảng cáo của các nhãn hàng, thương hiệu trong nước gắn vào những nội dung vi phạm pháp luật.
Có giải pháp kỹ thuật để nhà phát hành quảng cáo trong nước có thể kiểm soát, gỡ bỏ quảng cáo xuyên biên giới vi phạm trên nền tảng của họ.
Phải phối hợp gỡ bỏ quảng cáo vi phạm trong vòng 24h khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quảng cáo xuyên biên giới có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Đối với các đại lý quảng cáo, các nhãn hàng, nhà phát hành quảng cáo trong nước khi ký hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài cũng có quyền và nghĩa vụ yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài thực hiện các trách nhiệm nêu trên, đồng thời người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo trong nước cũng có trách nhiệm: “Không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với trang thông tin điện tử đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền thông báo vi phạm pháp luật công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Quy trình xử lý quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam
Sau khi tiếp nhận bằng chứng quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật, trong thời hạn 5 ngày, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm rà soát, kiểm tra nội dung vi phạm và gửi yêu cầu xử lý bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Thông tin về các quảng cáo vi phạm đã được gửi cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới để xử lý sẽ được thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Sau khi nhận được yêu cầu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian 24 giờ, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới thực hiện việc xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu.
Sau thời hạn nêu trên, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp phát hiện quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam, cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật;
Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các quảng cáo vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
End of content
Không có tin nào tiếp theo