Kinh tế số

Chủ tịch FPT Telecom: Hàng triệu người trẻ có nguy cơ mất việc làm vì robot

DNVN - Ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Telecom cho rằng 5 - 7 năm nữa, Việt Nam sẽ có hàng triệu người trẻ không có công ăn việc làm và mất việc làm. Lý do đơn giản là người máy sẽ thay thế con người.

Cần Thơ: Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử / 5 điểm nghẽn cản trở các ngân hàng thương mại số hóa

Nguy cơ hàng triệu người trẻ không có việc làm
Tại Hội thảo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tập đoàn Google tổ chức chiều 18/10, ông Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý Chương trình Kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cho biết, Việt Nam đang đi sau về kỹ năng số của nhóm dân số tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong đó, tại châu Á, Việt Nam đứng sau Singapore, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Indonesia, và Thái Lan.

Chuyên gia Jacques Morisset tại hội thảo.
Trong khi đó, chuyển đổi số có thể làm mất đi 1/3 số việc làm hiện có ở Việt Nam, đồng thời nó có thể tạo ra việc làm mới nhưng với những kỹ năng khác.
Cùng chung góc nhìn về vấn đề này, ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Telecom chia sẻ, trong vòng 5 - 7 năm nữa, Việt Nam sẽ có hàng triệu người trẻ không có công ăn việc làm và mất việc làm. Khoảng 70% trong số 2,7 triệu công nhân may, 1,7 triệu lao động trong lĩnh vực da giày, gần 1 triệu công nhân trong lĩnh vực lắp ghép điện tử... sẽ thất nghiệp trong vòng 10 năm tới. Lý do đơn giản là khi đó người máy sẽ thay thế con người.
"Nếu như trước dịch COVID-19 người ta còn băn khoăn về việc đưa người máy vào các nhà máy tại Việt Nam thì tôi dám khẳng định rằng, sau dịch, hàng loạt người máy sẽ được đưa vào sử dụng. Giá robot rẻ đi rất nhanh từ 300.000 USD giờ tụt xuống còn khoảng 40.000 USD. Khi đấy, chúng ta không có cách nào đua được về năng suất lao động, chất lượng, cũng như thời gian làm việc liên tục với người máy. Hàng triệu người trẻ sẽ thất nghiệp. Do đó, việc đào tạo hàng triệu người như vậy cho những nghề mới phải là trách nhiệm của Chính phủ", ông Tiến nêu.
Cần cơ chế, chính sách về phát triển nhân lực
Tại hội thảo, các diễn giả đều cho rằng mặc dù Chính phủ đã có các hành động và chương trình thúc đẩy đào tạo kỹ năng số trong những năm gần đây, nhưng tình trạng thiếu hụt nguồn lao động có kỹ năng số đang là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế số.
Bà Tenzin Norbhu - Giám đốc phụ trách Quan hệ Chính phủ và Chính sách sách công Đông Nam Á của Google Châu Á - Thái Bình Dương khẳng định, vai trò của công nghệ ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung thể hiện rất rõ. Do đó, cần có người lao động hiểu biết về công nghệ để sử dụng công nghệ cũng như để tận dụng cơ hội nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh.
"Theo nghiên cứu của Google, tính đến nay, vấn đề nhân tài, con người vẫn là trở ngại lớn cho phát triển kinh tế. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo. Sẽ cần phải ưu tiên để khôi phục kinh tế sau COVID-19 cũng như là đầu tư để phát triển kinh tế trong dài hạn", bà Tenzin Norbhu chia sẻ.
Để thành công, bà Tenzin Norbhu cho rằng, cần có cách nhìn mang tính chiến lược và dài hạn. Theo đó, cần phải cải cách các chương trình đào tạo vào giáo dục nhân lực cho DN, và các đối tượng khởi nghiệp. Ngoài ra cần phải cung cấp kỹ năng và kiến thức số cũng như công nghệ nói chung cho tất cả mọi người trong cộng đồng.

Theo các chuyên gia, cần thực hiện cả chính sách ngắn hạn và dài hạn để khắc phục việc thiếu lao động có kỹ năng số.
Một vấn đề quan trọng nữa, theo bà Tenzin Norbhu là việc hợp tác của Chính phủ với các cơ quan khu vực công - tư, các tổ chức dân sự - xã hội để xác định những bất cập trên thị trường, giải quyết những bất cập đó, và đáp ứng thật nhanh những nhu cầu mới phát sinh như trong COVID-19.
Cho rằng kỹ năng số là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển nền kinh tế, ông Jacques Morisset nhấn mạnh, việc phát triển lao động đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là thực sự cần thiết. Các chủ trương của Đảng và Chính phủ Việt Nam đều khẳng định phát triển nhân lực là khâu đột phá trong sự phát triển nền kinh tế, đặc biệt trong nền kinh tế số.
Dưới góc độ phát triển nhân lực, PGS. TS Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển nhìn nhận, cần có cơ chế chính sách về phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu của kinh tế số.
Theo đó, trong ngắn hạn, cần có nhiều hơn chương trình bồi dưỡng, đào tạo cũng như các hội thảo để lan tỏa về khái niệm kinh tế số, đồng thời nâng cao hiểu biết về kinh tế số đối với tất cả các đối tượng. Khi có hiểu biết về kinh tế số, chắc chắn sẽ có thay đổi về tư duy, nhận thức, từ đó việc phát triển kinh tế sẽ hiệu quả hơn.
"Chúng ta nói nhiều đến kinh tế số nhưng thực ra nhiều người chưa hiểu rõ, hoặc không rõ nội hàm của kinh tế số là những gì? Khi nói đến kinh tế số, mọi người cứ nghĩ rằng phải là công nghệ thông tin, phải là khoa học kỹ thuật", ông Nguyên chia sẻ.
Chuyên gia này kiến nghị, cần có chiến lược phát triển nhân lực phục vụ cho nền kinh tế số. Có thể Bộ Giáo dục & Đào tạo phải đóng vai trò lớn ở đây. Phải có chiến lược phát triển nhân lực từ bậc phổ thông cho đến bậc đại học. Trong đó, ở bậc đại học, các trường cần tăng cường những môn học liên quan đến nền tảng công nghệ và kỹ thuật số. Thực tế, các trường đại học về kinh tế chưa chú trọng đến những môn khoa học liên quan đến nền tảng về công nghệ, toán học.
Ngoài ra, phải tăng cường đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật và các lao động nghề để có thể làm việc trong lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật số.
"Khi thực hiện tất cả những điều này sẽ tạo ra môi trường, nguồn nhân lực đảm bảo phát triển kinh tế số của đất nước. Hi vọng, thời gian tới, với sự lan tỏa kiến thức về kinh tế số trên tất cả các phương diện, các đơn vị có thể phối hợp với nhau để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam", Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển bày tỏ.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm