Kinh tế số

Chuyển sang nhà máy thông minh, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy

DNVN - Theo TS Hà Minh Hiệp - Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, để chuyển đổi sang nhà máy thông minh doanh nghiệp cần thực hiện theo mô hình 6 bước gắn liền với việc chuyển đổi về tư duy của người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp.

Việt Nam sẽ chính thức thương mại hóa 5G vào năm 2022 / Cần cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái xúc tiến thương mại số

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp sản xuất thông minh hơn
Tại hội thảo Chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp với chủ đề "Nhà máy thông minh" do Hội Tự động hóa Việt Nam phối hợp với Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số (VIDTI) tổ chức sáng 25/12 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam cho biết, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 52 về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 749 về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trong đó xác định chương trình có 3 trụ cột chính gồm Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số.
Trong trụ cột kinh tế số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp (DN) đóng vai trò quan trọng nhất, bởi lẽ không chuyển đổi số thành công trong DN thì không thể có chuyển đổi sang nền kinh tế số. Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số đóng góp 40% vào GDP. Đây là mục tiêu không dễ dàng đạt được nếu như các DN, đặc biệt là các DN sản xuất, không tiến hành chuyển đổi số.
Thực tế, trong tất cả các hội nghị, hội thảo về kinh tế số và chuyển đổi số do các bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức, hầu hết các DN đều băn khoăn với 3 câu hỏi: Chuyển đổi số từ đâu? Làm thế nào để có thể chuyển đổi số? Nguồn lực nào để hỗ trợ DN chuyển đổi số? Nếu thiếu 1 trong 3 yếu tố này thì chắc chắn chuyển đổi số sẽ rất khó thành công.

Theo ông Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam, chuyển đổi số giúp DN sản xuất thông minh hơn.
Chuyển đổi số là công cuộc lâu dài vì hàng ngày, hàng giờ DN phải cập nhật cơ sở dữ liệu liên tục. Công nghệ số mới xuất hiện liên tục và sẽ được áp dụng trong quá trình chuyển đổi số của DN. Tuy nhiên, hoạt động chuyển đổi số chắc chắn sẽ giúp DN sản xuất thông minh hơn, hiệu quả hơn, qua đó đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế.
"Chúng tôi kỳ vọng đến năm 2025 về cơ bản các DN Việt Nam biết thế nào là chuyển đổi số và phần lớn các DN đã có những thành công ban đầu", ông Quân nhận định.
Lộ trình xây dựng nhà máy thông minh
TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học & Công nghệ) cho rằng, DN muốn chuyển đổi sang nhà máy thông minh cần thực hiện theo mô hình 6 bước. 6 bước này diễn ra trong suốt quá trình chuyển đổi về tư duy của người lao động và lãnh đạo DN.
Trong đó bước đầu tiên, DN phải thay đổi tư duy quản lý NLĐ. Theo đó phải áp dụng tốt các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất như ISO, 5S, Kaizen.
Bước 2, thay đổi tư duy về quản lý nguồn lực. Tức là cần có công cụ quản trị về thống kê, quản trị về quá trình.
Bước 3, thay đổi về tư duy quản lý tổng thể. Đây là giai đoạn áp dụng các tiêu chuẩn hiện đại.

TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Bước 4, quản trị về tri thức bên trong và bên ngoài DN. Với bước này, công cụ LEAN đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo hiệu quả hoạt động cao cho DN. LEAN là công cụ giúp loại bỏ tất cả những lãng phí trong quá trình sản xuất, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng, và rút ngắn thời gian sản xuất.
Bước 5, DN phải tư duy về chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số hỗ trợ DN. Ở bước này đòi hỏi DN phải áp dụng các tiêu chuẩn, trong đó tiêu chuẩn ISA-95 có ý nghĩa rất quan trọng.
Và bước cuối cùng, DN thay đổi tư duy về quản lý đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, đưa ra lộ trình xây dựng nhà máy thông minh, TS. Đỗ Mạnh Cường - Phó Tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết, DN cần thực hiện theo 7 bước.
Đó là chuẩn bị nguồn nhân lực chuyển đổi số cho nhà máy. Tối ưu hóa và số hóa toàn bộ quá trình trong nhà máy. Cập nhật, nâng cấp các hệ thống điều khiển tự động lên mức cao nhất. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ở mức điều khiển nhà máy. Thiết kế hệ thống quản trị. Lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ và thiết kế killer app.
Bên lề sự kiện, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam Nguyễn Quân cho biết, yếu tốt cốt lõi của việc xây dựng nhà máy thông minh chính là cơ sở dữ liệu của DN. Một DN sản xuất thông minh phải khai thác được cơ sở dữ liệu bao gồm tất cả các lĩnh vực hoạt động của DN từ khâu nguyên vật liệu, dây chuyền sản xuất, quản trị tài chính, thị trường, nhân lực.
"Tất cả đều phải được số hóa và tạo thành cơ sở dữ liệu của DN. Sau đó, phải có các chuyên gia giúp cho DN áp dụng công nghệ số như công nghệ AI, blockchain, big data, IoT... để làm sao trên cơ sở khai thác cơ sở dữ liệu của DN kết hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ có một thị trường, hệ sinh thái cho DN. Từ đó có thể đưa sản xuất của DN về trạng thái tối ưu, hoặc trạng thái thông minh, và khi đó mới có thể nói DN thành công", ông Quân nhấn mạnh.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm