Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Ngân hàng lớn ở Mỹ không dùng QR Code
DNVN - Thời gian qua, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vượt bậc, trong đó thanh toán qua QR code tăng hơn 200% so với năm 2020. Xu hướng này cũng diễn ra ở Mỹ nhưng theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, điều đáng chú ý là các ngân hàng lớn ở Mỹ không dùng QR Code trong thanh toán.
5G thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực / Amazon cam kết hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam "ghi tên" trên bản đồ thương mại xuyên biên giới
Thanh toán QR code tăng hơn 200%
Tại Hội thảo Phát triển dịch vụ ngân hàng cá nhân thúc đẩy hiệu quả hoạt động ngân hàng bán lẻ do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) tổ chức ngày 23/12, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, bất chấp đại dịch COVID-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay, các tổ chức tín dụng cũng như các công ty tài chính, các đơn vị trung gian thanh toán đã kịp thời đầu tư thiết bị công nghệ để đáp ứng phần nào nhu cầu dịch vụ của khách hàng.
Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, các kênh phân phối mới đa tiện ích như mobile banking, Internet banking, QR Code... giúp khách hàng, cá nhân dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi.
Đặc biệt Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ dân mua sắm thương mại điện tử (TMĐT) cao nhất Đông Nam Á với khoảng 50 triệu dân, chiếm tỷ lệ khoảng 50% dân số. Do đó, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến như mobile banking, Internet banking có tốc độ tăng trưởng vượt bậc, chiếm hơn 40% giao dịch. Cá biệt có ngân hàng đạt tỷ lệ đến 80% tổng số giao dịch. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng thanh toán qua QR code tăng hơn 200% so với năm 2020.
"Thực tế cho thấy, phát triển các sản phẩm tài chính cá nhân hiện tại trên nền tảng công nghệ sẽ thúc đẩy thị trường bán lẻ phát triển hiệu quả hơn. Trên cơ sở đó góp phần vào thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế", ông Hùng đánh giá.
Vì sao ngân hàng lớn ở Mỹ không dùng QR Code
Cũng đề cập đến xu hướng chuyển đổi số và nhấn mạnh đến thanh toán qua QR Code, chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, xu hướng kỹ thuật số và chuyển đổi số đang diễn ra rất mạnh mẽ tại Việt Nam.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các ngân hàng lớn ở Mỹ không dùng QR Code trong thanh toán.
"Trong khi chúng ta đang rất nỗ lực để chạy nhanh trong quá trình kỹ thuật số, chuyển đổi số thì tại Mỹ - nơi tôi đang ở hiện nay, xu hướng này đâu đó cũng như Việt Nam nhưng cũng có điều khiến tôi thấy lạ, đó là các ngân hàng lớn ở Mỹ không dùng QR Code", ông Hiếu chia sẻ.
Theo đánh giá của ông Hiếu, có thể điều này bắt nguồn từ vấn đề an ninh, bảo mật. QR Code là công nghệ mới. Qua công nghệ đó, mọi người có thể xây dựng QR Code cho riêng mình. Việc sử dụng QR Code dễ dàng như vậy sẽ dễ bị xâm nhập bởi tin tặc, tội phạm.
"Cách đây 12 năm, tôi về Việt Nam làm việc và giờ tôi đã trở lại Mỹ. Trong suốt 12 năm qua, tôi thấy hệ thống ngân hàng Mỹ không có sản phẩm nào mới. Thanh toán vẫn bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ, chuyển khoản. Các sản phẩm mới đang có ở Việt Nam như ví điện tử hay mobile money (tiền di động) nhưng ở Mỹ không có. Người Mỹ cho rằng, tiền di động tạo ra rủi ro lớn cho hệ thống tài chính. Những sản phẩm truyền thống được bảo vệ một cách an toàn", ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, các sản phẩm được xem là hiện đại, tiên tiến và đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người thì ở bên Mỹ không có, họ vẫn sử dụng những sản phẩm truyền thống. Tuy nhiên, đặc điểm ngành ngân hàng của Mỹ có tính bảo mật rất cao. Việc tin tặc xâm nhập vào hệ thống của họ để lấy tiền như ở Việt Nam rất ít khi xảy ra. Cán bộ ngân hàng trộm tiền của ngân hàng cũng có nhưng trường hợp này hiếm.
Một đặc điểm nữa là ý thức của người dân Mỹ rất cao. Họ tìm cách bảo vệ tài sản của mình từ việc bảo vệ thông tin cá nhân như mật khẩu, tài sản, tài khoản, và họ theo dõi thường xuyên. Ý thức và trình độ của họ cao nên cách bảo vệ của họ cũng rất cao. Ngoài ra, cách phục vụ khách hàng của ngân hàng Mỹ rất chu đáo và chuyên nghiệp.
Cần hoàn thiện quy định về bảo mật
Dù hoàn toàn đồng ý xu hướng kỹ thuật số và chuyển đổi số trong ngành ngân hàng Việt Nam, nhưng theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam có quá nhiều sản phẩm.
"Chúng ta nghĩ rằng chúng ta chạy trước với những sản phẩm hiện đại nhưng căn bản của vấn đề tài chính là ý thức của người dân để bảo vệ tài sản và sử dụng tài sản của mình. Xu hướng chuyển đổi số là tốt. Chúng ta cần có những sản phẩm để đem ngân hàng, tài chính đến toàn dân, cho tất cả những người chưa được tiếp xúc với ngân hàng phải đem dịch vụ đến", ông Hiếu nêu.
Theo các chuyên gia, cần hoàn thiện các quy định liên quan đến vấn đề bảo mật.
Chuyên gia Hiếu bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng cũng như các ngân hàng "đừng vội vã sử dụng sản phẩm nghe hiện đại nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hệ thống ngân hàng cần phải thay đổi, luật pháp liên quan đến những quy định về bảo mật, hệ thống, sản phẩm ngân hàng cần phải được hoàn thiện".
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ lâu đã nói đến việc chấm điểm tín dụng nhưng đến nay vẫn chưa có công ty nào xây dựng hệ thống chấm điểm tín dụng cá nhân cho toàn dân.
"Chúng ta hãy chấm điểm tín dụng vì đây là vấn đề cơ bản. Ở Mỹ, những ai có điểm tín dụng thấp, người bị phạt là những người không thể vay được hoặc vay tiền với lãi suất rất cao. Từ đó họ tự kỷ luật để có thể cải tiến số điểm của họ", ông Hiếu khuyến nghị.
Ông Matthew Tippetts - Đồng sáng lập & CEO Clik cho rằng, với sự bùng nổ của các dịch vụ ngân hàng, với các dòng chảy dữ liệu hiện nay, Chính phủ Việt Nam dường như không có cách nào khác phải đầu tư vào cuộc chơi này vì càng nhiều dữ liệu chạy qua thì càng nhiều nguy cơ bị tấn công. Trong đó, việc nâng cao nhận thức của người dùng để bảo mật tốt dữ liệu là điều thực sự quan trọng.
Trong khi đó, ông Sandeep Deobhakta - Chủ tịch & CEO Ngân hàng Bảo hiểm Manulife China Bank đánh giá, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng. Theo đó, sẽ ở "ngưỡng trên" tại khu vực châu Á. Nếu Việt Nam thực hiện theo đúng lộ trình của Chính phủ về chương trình chuyển đổi số quốc gia, đưa vào chương trình công dân số với việc các dữ liệu được kết nối đồng bộ thì hệ sinh thái dữ liệu sẽ tuyệt vời và Việt Nam sẽ đi theo các thị trường mạnh trong cuộc chơi về hệ sinh thái dữ liệu.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo