Doanh nghiệp áp dụng nền tảng số và những đột phá thành công
Kinh doanh nội dung trên mạng xã hội ngày càng 'lên ngôi' / Người Việt chi hàng chục tỷ đồng mua áo dài trên mạng đón Tết
Chương trình chuyển đổi số quốc gia, các chiến lược quốc gia về chuyển đổi số đã xác định nền tảng số là giải pháp đột phá giúp Việt Nam thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia. Giá trị lớn nhất mà nền tảng số mang lại so với hệ thống thông tin trước đây là khả năng kết nối nhiều bên, và khả năng sẵn sàng cung cấp dịch vụ ngay cho người dùng mới.
Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề "Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh" sáng ngày 17/4 tại Hà Nội, ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT) cho rằng, trong chuyển đổi xanh, doanh nghiệp cần chuyển đổi số. Kinh tế số sẽ thúc đẩy những động lực, không gian phát triển mới cho doanh nghiệp, góp phần thực hiện cam kết Net Zero
Ông Tuấn đã đưa ra một số dẫn chứng trong nhiều lĩnh vực liên quan đến hiệu quả sản xuất từ áp dụng nền tảng số.
Ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT).
Trong lĩnh vực nông nghiệp, theo ông Tuấn, việc dùng phần mềm NextXfarm đã hỗ trợ rất đặc lực trong việc chuyển đổi số nông nghiệp, hỗ trợ bà con xử lý đầu ra, kết nối các trang trại đến với người tiêu dùng.
Hệ thống châm phân dinh dưỡng tự động giúp bà con tự động hóa trong quá trình chăm bón cây trồng. Hệ thống quan trắc và điều khiển môi trường vi khí hậu giúp người nông dân có thể kiểm soát được khí hậu tại trang trại, dễ dàng điều khiển xử lý kịp thời các trường hợp xảy ra sự cố tại trang trại, hạn chế rủi ro trong quá trình sản xuất.
Trong khi đó, hệ thống nhật ký điện tử giúp bà con số hóa quy trình sản xuất, quản lý toàn bộ quy trình sản xuất trên nền tảng số, dễ dàng nắm bắt tình trạng hiện tại của trang trại. Phần mềm quản lý bán hàng và chăm sóc khách hàng cho nông nghiệp hỗ trợ rất đặc lực trong việc chuyển đổi số nông nghiệp, hỗ trợ bà con xử lý đầu ra, kết nối các trang trại đến với người tiêu dùng.
Trong lĩnh vực du lịch, câu chuyện của Sóc’s House (Măng Đen) là ví dụ điển hình cho hiệu quả từ chuyển đổi số. Với việc áp dụng ezCloud, các phòng trống của Sóc’s House được bán trên hơn 200 kênh đại lý du lịch, doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước, tăng hiệu quả sử dụng lên tới 35%.
Với việc chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics, hiện nay, chỉ cần 1 điểm dừng với 2 - 3 phút để hoàn thành, tương đương với Singapore. Trong khi đó, 1 lệnh giao nhận container có trung bình 11 điểm dừng, cần 6 - 8 giờ để hoàn thành.
Nêu ví dụ về áp dụng nhà máy thông minh, ông Tuấn nhắc đến Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Công ty này đã đi thẳng vào phân khúc sản phẩm “thông minh” nhờ những nghiên cứu công nghệ vật lý, sinh học nhúng trong sản phẩm, thông minh hóa dây chuyền sản xuất di sản cũ.
Cùng với đó, doanh nghiệp làm chủ, thiết kế, sáng tạo công nghệ sản xuất bằng Make in Viet Nam. Kết hợp với các doanh nghiệp công nghệ số Việt như FPT, Viettel, VNPT... làm giàu hệ sinh thái Make in Viet Nam.
Áp dụng các nền tảng số trong tiến trình chuyển đổi số giúp doanh nghiệp bứt phá.
"Rạng Đông là doanh nghiệp truyền thống với lịch sử phát triển trên 60 năm, tồn tại nhiều hệ thống máy móc thiết bị có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau, nhiều thế hệ khác nhau. Việc tìm ra và ứng dụng giải pháp công nghệ để các hệ thống cũ có thể “nói chuyện với nhau” là một sáng kiến vừa tận dụng được thiết bị hiện có, vừa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số của một nhà máy sản xuất thông minh.
Sản xuất thông minh không chỉ là phát triển, đầu tư hệ thống dây chuyền hiện đại, có thể kết nối online ngay, mà còn là sự số hóa các hệ thống, dây chuyền đang tồn tại. Điều này giúp tối ưu hóa chi phí, không làm xáo trộn mô hình đang vận hành quá mức cần thiết", ông Tuấn nhìn nhận.
Theo ông Nguyễn Đăng Đức - Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH Phú Tường, từ ngày lắp đặt hệ thống RETEX, các quy trình sản xuất ở xưởng được trơn tru hơn, nếu phát sinh lỗi hay bất kì vấn đề gì cần hỗ trợ đều được xử lý nhanh hơn. Đặc biệt, hệ thống này giúp quản lý tốt năng suất của mỗi dây chuyền cũng như nguyên liệu đầu vào, đầu ra
Khác với các xưởng may thông thường, mỗi dây chuyền may ở công ty này được lắp thêm 1 máy tính bảng ở khu vực giữa dây chuyền và một tivi ở cuối dây chuyền hiển thị số lượng sản phẩm.
Với việc sử dụng hệ thống này, năng suất sản xuất tăng 32%, khối lượng công việc giảm 21%, giảm 21% chi phí không cần thiết, và cắt giảm 5% lãng phí vải.
Nhấn mạnh vai trò của công nghệ là chìa khoá để chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, ông Chử Đức Hoàng - Chánh văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ KH&CN) cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia để hiện thực hóa tầm nhìn. Cần có chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh với mục tiêu, lộ trình và giải pháp cụ thể, đồng bộ.
Vai trò của doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu - đào tạo và người dân cần được phát huy tối đa. Doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, đầu tư công nghệ, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao năng lực cạnh tranh. Trường đại học, viện nghiên cứu cần đổi mới đào tạo, liên kết với doanh nghiệp, ươm mầm ý tưởng sáng tạo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo