Kinh tế số

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính gặp nhiều thách thức

DNVN - Thách thức lớn trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về tài chính là chưa có khung quản trị dữ liệu thống nhất giữa các đơn vị trong ngành tài chính. Trong khi, khối lượng dữ liệu rất lớn ở nhiều lĩnh vực khác nhau…

Bộ Tài chính sẽ tập trung thu ngân sách trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử / Chuyên gia Nguyễn Minh Anh: Các cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ thế giới sẽ thay đổi theo hướng đứt gãy dữ liệu

Phát biểu khai mạc “Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý ngân sách Nhà nước năm 2023” (Vietnam Digital Finance 2023), sáng 21/9, ông Nguyễn Việt Hà - Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, Quyết định số 776/QĐ-BTC ngày 12/4/2023 về kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 nhằm mục tiêu tập trung chỉ đạo, các đơn vị thuộc bộ đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số và xã hội số. Trong đó, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng của Chính phủ nói chung và Bộ Tài chính nói riêng.

Nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy phát triển dữ liệu lớn về tài chính, CSDL quốc gia về tài chính, triển khai nền tảng hóa đơn điện tử quốc gia kết nối, liên thông với toàn bộ các cơ quan thuế. Cho phép mỗi cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp dễ dàng gửi nhận hóa đơn điện tử với cơ quan thuế.

Ông Nguyễn Việt Hà - Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính nhấn mạnh, thúc đẩy phát triển dữ liệu lớn về tài chính là nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh: Hà Anh.

Theo ông Nguyễn Minh Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính, thế mạnh về dữ liệu của Bộ Tài chính nằm ở khung pháp lý và hạ tầng trao đổi, cung cấp dữ liệu. Đó là khung pháp lý nhất quán ở một số kênh trao đổi thông tin giữa các đơn vị (Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Hải quan, các sở tài chính ...) đã được thiết lập. Việc phổ biến thông tin về các chính sách tài chính, thông tin chung khác được thống nhất thông qua cổng thông tin điện tử.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của hoạt động xây dựng CSDL quốc gia về tài chính đến từ khối lượng dữ liệu lớn, phân tán và chưa được quản trị một cách thống nhất trên quy mô toàn Bộ Tài chính. Khối lượng dữ liệu rất lớn, với nhiều lĩnh vực khác nhau do lĩnh vực quản lý Nhà nước về tài chính - ngân sách rộng.

Cùng với đó, hệ thống thông tin, CSDL chuyên ngành và kho dữ liệu phân tán. Chưa có chiến lược tổng thể để quản lý thông tin và dữ liệu.

Việc xây dựng CSDL quốc gia về tài chính chưa có khung quản trị dữ liệu thống nhất giữa các đơn vị trong ngành tài chính. Nhiều hoạt động tổng hợp thông tin và báo cáo đang được thực hiện thủ công. Chưa tập trung thông tin chi tiết, đa chiều về các vấn đề cụ thể từ các góc nhìn khác nhau.

“Bên cạnh đó, hoạt động phân tích dự báo chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của các đơn vị và của Bộ Tài chính. Chưa thường xuyên áp dụng các mô hình dự báo kinh tế vĩ mô đa biến, mô hình phân tích chính sách tài khóa với các kịch bản kinh tế vĩ mô khác nhau”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Vietnam Digital Finance 2023 thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Ảnh: Hà Anh.

Bộ Tài chính đang hướng tới mục tiêu quy hoạch, xây dựng, phát triển các thành phần thuộc CSDL quốc gia về tài chính trong một chỉnh thể thống nhất. Xây dựng các nguyên tắc chủ đạo bảo đảm tính liên kết, tích hợp, khả năng kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các đơn vị trong ngành tài chính, giữa Bộ Tài chính với các cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài ngành tài chính.

Đồng thời, hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử (E-Government) ngành tài chính, hướng tới xây dựng tài chính số (Digital Finance) dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu mở. Tạo nền tảng cho ngành tài chính tiếp cận, nắm vai trò chủ động, kiến tạo và đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền tài chính số hiện đại tại Việt Nam.

Nhằm đạt được mục tiêu này, TS Nguyễn Thanh Nga - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) khuyến nghị, cần thể chế hóa việc quản trị, thu thập, kết nối, lưu trữ, chia sẻ và phân tích dữ liệu, bảo mật thông tin về thu ngân sách Nhà nước.

“Cần xây dựng và triển khai Đề án xây dựng CSDL quốc gia về tài chính; xây dựng tổng kho dữ liệu của cơ quan thuế, hải quan. Nghiên cứu, triển khai các giải pháp kỹ thuật, công nghệ. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối dữ liệu từ hệ thống một cửa quốc gia với hệ thống xử lý dữ liệu của ngành. Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp và các bên liên quan đẩy mạnh việc kết nối, trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu”, bà Nga đề xuất.

Tại hội thảo, đại diện cho VNPT và Viettel đã giới thiệu các giải pháp phát triển tài chính số bền vững thông qua xác thực điện tử eKYC và một số giải pháp ứng dụng cho ngành thuế. Các giải pháp này hỗ trợ hiệu quả cho kế hoạch xây dựng CSDL lớn (Big Data) phục vụ cho việc phân tích, quản lý thuế theo nguyên tắc rủi ro; ứng dụng trí tuệ nhân tạo thúc đẩy phát triển kinh tế số, tài chính số.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm