Kinh tế số

Giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản vào TP Hồ Chí Minh

DNVN - Đường đi mới của chuỗi cung ứng hàng hóa cho TP Hồ Chí Minh đã được hình thành sau khi bị đứt gãy bởi dịch bệnh COVID-19. Khi cách thức của người tiêu dùng thay đổi, các nhà cung ứng đã chuyển sang làm việc trực tiếp với các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và nhờ tới lực lượng shipper.

Con đường đưa nông sản Việt lên môi trường số còn rất nhiều thách thức / Alibaba.com ra mắt chương trình “Đồng lòng, cùng tiến” hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vượt qua đại dịch

Đứt gãy chuỗi cung ứng
Tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản vào TP Hồ Chí Minh qua sàn TMĐT Sendo diễn ra ngày 17/9, ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh giãn cách xã hội, nhu cầu của người dân về mặt hàng gạo rất lớn với 59.400 tấn/tháng, thịt gia súc hơn 23.000 tấn/tháng, thịt gia cầm hơn 19.800 tấn/tháng, trứng gia cầm 64,6 triệu quả/tháng, rau củ quả trên 127.000 tấn/tháng, thủy sản 13.000 tấn/tháng.
Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của TP không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của địa bàn. Cụ thể, gạo chỉ đáp ứng được hơn 11% nhu cầu, rau khoảng 29%, chăn nuôi gia súc và thủy sản lần lượt là 11% và 27,2%.
Phần lớn các loại nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân TP cũng như nguyên liệu đầu vào phục vụ ngành công nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm lệ thuộc vào nguồn cung cấp của các tỉnh khác, nhất là 19 tỉnh, thành phía Nam áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Đại dịch COVID-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế TP Hồ Chí Minh.
Chuyển đổi số trong bán hàng
Theo ông Lữ, trong khi các chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy, để duy trì lượng hàng hóa đủ cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh, hệ thống phân phối hàng hóa đã có sự chuyển dịch lớn. Mạng lưới chợ truyền thống đã được chuyển mạnh sang các kênh phân phối hiện đại với sự hình thành các chuỗi phân phối bán lẻ, văn minh, hiện đại, tích hợp nhiều loại hình dịch vụ. Phương thức mua bán được thay đổi nhanh chóng từ trực tiếp sang online và TMĐT đã phát triển rất nhanh. Tất cả đã tạo nên diện mạo mới, đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại của người dân.
Đề cập đến xu hướng chuyển đổi số trong bán hàng thời đại dịch, ông Trương Gia Bảo - Chủ tịch Liên minh chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DTS) cho biết, kể từ khi TP Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 15 cách đây vài tháng và Chỉ thị 16 và Chỉ thị 16+ như hiện nay, hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi, kéo theo các doanh nghiệp phải chuyển đổi sang hình thức kinh doanh trực tuyến, thay đổi tư duy từ phục vụ ăn uống tại chỗ đến bán hàng mang đi, phải học cách đóng gói sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người dùng...
Với lệnh giãn cách xã hội, người dân TP Hồ Chí Minh chuyển sang mua hàng qua sàn TMĐT và nhờ tới lực lượng shipper.

Khi thành phố ra Chỉ thị số 10, các chợ truyền thống bị hạn chế, một số tiểu thương không thể bán hàng. DTS thực hiện chương trình giải cứu chợ tiểu thương.
"Theo đó, chúng tôi đẩy thông tin hàng hóa của tiểu thương lên môi trường online để người tiêu dùng trong và ngoài khu vực liên lạc. Chúng tôi có liên hệ với ban quản lý chợ, phường để đưa thông tin, số điện thoại của tiểu thương bán vật phẩm trong chợ lên các trang như "Tôi là dân quận 7", "Tôi là quận Tân Bình". Những trang này luôn cập nhật thông tin chợ tiểu thương bán ở chợ, người tiêu dùng sẽ gọi điện thoại cho các tiểu thương để mua hàng.
Ngoài việc hướng dẫn tiểu thương đóng gói và làm việc với cơ quan vận chuyển, DTS còn đào tạo về chăm sóc khách hàng qua việc gọi điện thoại, tương tác với khách hàng trên mạng. Với cách làm này, tiểu thương dễ dàng kiếm doanh thu từ việc chăm sóc khách hàng cũ.
Cũng theo ông Bảo, khi TP Hồ Chí Minh chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15+, Chỉ thị 16 của Chính phủ, hầu hết các chợ đóng cửa, kể cả các chợ đầu mối. Lúc này chỉ các đại siêu thị, cửa hàng tiện ích được hoạt động. Việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa lúc này cực kỳ khó khăn bởi "mọc" lên hàng loạt trạm kiểm soát. Chuỗi cung ứng đã thay đổi rõ rệt khi các nhà phân phối cung ứng số lượng lớn hàng hóa cho chợ phải tìm kiếm các mối khác để cung cấp.
"Tình trạng quá tải tại các đại siêu thị, chuỗi cung ứng bán lẻ và TMĐT đã xảy ra. Thời điểm này chúng tôi tính đến phương án tạp hóa số. Chúng tôi liên hệ với các đầu mối cung ứng và hơn 2.000 tạp hóa, biến các tạp hóa thành nơi bán rau, trứng, một số hàng thiết yếu khác mà trước đây họ chưa bán để đáp ứng nhu cầu của dân", ông Trương Gia Bảo cho biết.
Thời điểm này các nhà phân phối bế tắc hoàn toàn bởi vì hầu hết các nhà cung ứng không xoay chuyển kịp để kết nối với bên thu mua của siêu thị cũng như nhà cung ứng, những chuỗi siêu thị bán lẻ, cửa hàng tiện lợi.
"Một đường đi mới của chuỗi cung ứng được hình thành. Thay vì nhà cung cấp đến chợ, và chợ đầu mối thì họ bắt đầu làm việc trực tiếp với các sàn TMĐT. Và các sàn TMĐT cũng đã bắt đầu thay đổi. Họ tập trung bán hàng hóa thiết yếu, thậm chí là rau củ quả để đáp ứng nhu cầu. Theo đó, việc mua hàng online trở nên cực kỳ phổ biến ở TP Hồ Chí Minh, bởi lệnh giãn cách xã hội nên người dân hoàn toàn mua qua sàn TMĐT và nhờ tới lực lượng shipper", Chủ tịch Liên minh DTS nói.
Mang nông nghiệp số đến từng địa phương
Theo ông Trần Phú Lữ, trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất tại TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành khác cần tìm kiếm cơ hội phát triển thương mại hàng hóa qua hình thức trực tuyến, đặc biệt là trên các sàn TMĐT uy tín tại Việt Nam, để gỡ khó về cung - cầu hàng hóa.
Ông Nguyễn Quang Thuật - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Sendo chia sẻ, là sàn TMĐT hàng đầu ở khu vực tỉnh, thành của Việt Nam, Sendo mang nông nghiệp số đến từng địa phương bằng việc giúp các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh chuyển đổi số để đạt được sự ổn định và chủ động về đầu ra cho nông sản, đặc sản địa phương.
Với Chương trình Nông nghiệp số được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương hỗ trợ, Sendo đã kết nối với các doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh cá thể để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.
Dưới sự hướng dẫn của Sendo, nông dân nhiều tỉnh, thành vùng dịch đã thành công với phương pháp bán hàng online. Đơn cử như việc Sendo mang công nghệ livestream đến với vải Lục Ngạn, Bắc Giang. Nhân viên Sendo đến tận vườn hỗ trợ bà con livestream, kiểm tra các giấy tờ liên quan đến chứng nhận sản phẩm OCOP, kiểm định về vệ sinh ATTP... Qua livestream, bà con tiếp cận được 5 triệu khách hàng, 50.000 lượt tương tác, và 130 tấn vải Lục Ngạn được bán ra trong 6 ngày từ 6 - 11/6/2021.
Đối với các HTX, doanh nghiệp rau an toàn và Vietgap muốn bán hàng qua sàn TMĐT, ông Thuật cho biết, Sendo sẽ hỗ trợ qua 5 bước, bao gồm: Tiếp cận và tư vấn với HTX, doanh nghiệp địa phương; ký kết hợp đồng hợp tác; mở gian hàng tạo SenPay; thiết kế sự kiện bán hàng riêng; thống kê và tạo kế hoạch tiếp theo.
Nhấn mạnh chính sách hỗ trợ tiếp cận và tư vấn trực tiếp cho bà con, HTX và doanh nghiệp, ông Thuật cho hay, đội ngũ nhân viên của Sendo sẽ tư vấn trực tiếp 1:1 trong 2 tháng đầu tiên. Sau đó, hướng dẫn chi tiết đăng tải sản phẩm lên sàn, tư vấn giá bán sản phẩm phù hợp để cam kết sản lượng bán ra. Đặc biệt, Sendo miễn phí mở gian hàng và hoạt động cho HTX và doanh nghiệp. Ngoài ra, Sendo sẽ hỗ trợ truyền thông trên nhiều kênh khác nhau nhằm giúp tiêu thụ nông sản được hiệu quả nhất.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm