Kinh tế số

Kinh doanh trên nền tảng số nhiều hơn để "sống sót"

DNVN - Trong thế giới "đa cực" với nhiều biến động khó lường, bản thân các doanh nghiệp (DN) phải có các bước chuẩn bị tương ứng, trong đó các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là thương mại điện tử (TMĐT) cần được áp dụng nhiều hơn. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu giúp DN tiết giảm chi phí để vượt qua khó khăn hiện nay.

Doanh nghiệp thủy điện chuyển đổi số / Đối mặt khó khăn quản trị nguồn lực, doanh nghiệp hóa chất chuyển đổi số

Hàng Việt đứng đầu thế giới về nhu cầu thu mua
Tại Hội nghị định hướng chiến lược kinh doanh trên nền tảng số trong thời kỳ VUCA do Bộ Công Thương tổ chức sáng 1/3 tại Hà Nội, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, thuật ngữ VUCA dùng để nói về thế giới “đa cực” với 4 yếu tố: biến động (Votality), không chắc chắn (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguilty).
Năm 2023 là năm bản lề trong việc thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, trong đó mục tiêu số hoá các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác XTTM là một nội dung quan trọng trong chủ trương xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số.
Thực tế đã ghi nhận, thông qua những chuyển đổi mạnh mẽ trong XTTM, DN xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí, rút ngắn khoảng cách và thời gian, tăng tốc độ giao dịch và xử lý đơn hàng, tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng, qua đó đóng góp tích cực vào thành tích xuất khẩu ấn tượng của cả nước.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đánh giá cao việc chuyển đổi XTTM hỗ trợ DN tiếp cận thị trường.
"Alibaba.com là một trong những kênh thương mại điện tử (TMĐT) uy tín toàn cầu với hơn 260 triệu nhà mua hàng trên phạm vi 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là thị trường tiềm năng cho các DN Việt Nam mở rộng quy mô kinh doanh và bán hàng tới khách hàng trên toàn thế giới", ông Vũ Bá Phú cho hay.
Bộ Công Thương đánh giá cao vai trò của Alibaba.com đối với việc thúc đẩy, tổ chức những hoạt động hỗ trợ các DN Việt Nam có thêm kỹ năng, kiến thức về xuất khẩu trực tuyến, về TMĐT quốc tế thông qua những khóa đào tạo, tập huấn hàng năm tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để từ đó tiến hành kinh doanh bền vững.
Đánh giá cao thành tích xuất nhập khẩu của Việt Nam, ông Roger Luo - Giám đốc Alibaba.com khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, năm ngoái kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam đạt mức kỷ lục 732,5 tỷ USD. 2 tháng đầu năm 2023 xuất siêu 2,82 tỷ USD. Điều này cho thấy Việt Nam đang ngày càng trở nên quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông Roger Luo - Giám đốc Alibaba.com khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Thông qua dữ liệu xuất khẩu của Việt Nam trong những năm vừa qua, chúng ta có thể thấy rằng hàng hóa của Việt Nam đang đứng hàng đầu về nhu cầu thu mua của thế giới, và ngày càng nhiều đối tác mua hàng ngoại quốc sẵn sàng coi Việt Nam là lựa chọn hàng đầu để thu mua. Sản phẩm từ các DN nhỏ và vừa Việt Nam luôn được đánh giá cao về chất lượng thành phẩm, kỹ năng xuất khẩu cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Bên cạnh đó, theo số liệu hiện tại, 50% nhà xuất khẩu từ Việt Nam đang ở mức KA (nhà xuất khẩu có hạng sao cao). Điều này thể hiện xu hướng đầu tư theo chiều sâu ngày càng nhiều hơn của các DN xuất khẩu Việt Nam vào TMĐT. Việc Việt Nam tham gia nhiều FTA thời gian qua là tiền để các DN nhỏ và vừ tiếp cận với thị trường xuất khẩu toàn cầu", ông Roger Luo nói.
Áp dụng thương mại điện tử nhiều hơn
Ở góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng 6% trong năm nay, mở ra kỳ vọng kinh doanh mới cho DN.
Tuy vậy, kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các DN phải có các bước chuẩn bị tương ứng, trong đó các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là TMĐT cần được áp dụng nhiều hơn. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu giúp tiết giảm chi phí để vượt qua khó khăn hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong XTTM (Cục XTTM) cho biết, nhận thấy những cơ hội xen lẫn thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào nền kinh tế số đề kinh doanh và xuất khẩu ra quốc tế, Cục XTTM và sàn TMĐT Alibaba.com đã hợp tác và phối hợp triển khai thành công nhiều sự kiện quốc tế. Đồng thời ưu tiên triển khai các hoạt động dài kỳ thể hiện cam kết song hành và hỗ trợ DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ phát triển kinh doanh trên nền tảng số.
Ông Vũ Thế Tùng - Giám đốc Phát triển Thị trường Alibaba.com Việt Nam cho biết, năm 2023 là năm được dự báo nhiều thử thách cho DN Việt Nam.
Theo báo cáo thị trường "Triển vọng B2B kỹ thuật số 2023" của Alibaba.com, hơn 50% DN lựa chọn thử sức với kênh TMĐT hoặc số hóa và mở rộng kênh bán hàng để "sống sót" qua đại dịch. Không nằm ngoài xu hướng đó, nhiều DN Việt Nam đã tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực xuất khẩu, kỹ năng bán hàng xuyên biên giới, nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu để tăng tốc trong giai đoạn khó khăn.
Ông Vũ Bá Phú khuyến nghị, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, về phía doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác. Chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, đáp ứng các qui định của thị trường nhập khẩu.
Ngoài ra, phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt động xúc tiến thương mại để đón đầu cơ hội từ thị trường, đặc biệt là các thị trường có FTA.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm