Kinh tế số

Mua bán qua các nền tảng trong cộng đồng có thể vượt 1.200 tỷ USD vào năm 2025

DNVN - Các nền tảng hỗ trợ mua bán trong cộng đồng có thể tạo ra xu hướng mới thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam trong thời gian tới. Dự báo doanh số lĩnh vực này có thể vượt mức 1.200 tỷ USD trong vào năm 2025.

Tránh ùn tắc tại cửa khẩu, cảng biển, sân bay: Sẽ mở rộng ứng dụng dữ liệu định vị GPS / Tài chính kỹ thuật số: Cứ 3 người Đông Nam Á có 1 người gặp phải hành vi gian lận trực tuyến

Xu hướng mới từ các nền tảng
Theo báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) năm 2022 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa công bố, trong khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh và ổn định. Ước tính năm 2021 lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022 nhờ kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 và những động lực tăng trưởng từ làn sóng thứ hai.
Báo cáo EBI 2022 đánh giá sự xuất hiện và phát triển của các nền tảng hỗ trợ mua bán trong cộng đồng (Social Commere) có thể tạo ra xu hướng mới thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực bán lẻ trực tuyến trong giai đoạn tới ở nước ta, tăng trải nghiệm mua sắm của khách hàng và tạo ra nhiều việc làm mới tại mọi địa phương.

Các nền tảng hỗ trợ mua bán trong cộng đồng (Social Commere) có thể tạo ra xu hướng mới thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam trong thời gian tới.
Mua bán trong cộng đồng xuất hiện khi toàn bộ trải nghiệm mua sắm của một khách hàng – từ khi tìm kiếm sản phẩm đến khi hoàn tất thương vụ - diễn ra trên một nền tảng mạng xã hội. Nghiên cứu của Accenture năm 2021 cho biết gần 2/3 thành viên các mạng xã hội được khảo sát đã tiến hành mua bán trong cộng đồng. Con số tương ứng là gần hai tỷ người trên phạm vi toàn cầu đã trải nghiệm hình thức mua bán trong cộng đồng.
Nghiên cứu này cho rằng đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người hơn dựa vào các mạng xã hội để kết nối với nhau, từ thu thập tin tức, giải trí, học tập và làm việc cũng như mua bán. Từ mức doanh số toàn cầu của mô hình mua bán này năm 2021 khoảng 492 tỷ USD, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm lên tới 26%, doanh số năm 2025 có thể vượt 1.200 tỷ USD.
Điểm nổi bật là mua bán trong cộng đồng sẽ tạo ra sức mạnh lớn cho các thương hiệu nhỏ và các cá nhân. Họ chính là những người sáng tạo và kết nối chặt chẽ với người mua là các thành viên trong cộng đồng của họ. Vào năm 2025, thế hệ Y sẽ chiếm 1/3 quy mô của loại hình mua bán này, trong khi chi tiêu của thế hệ Z sẽ tăng trưởng nhanh nhất.
Mua sắm trong cộng đồng phổ biến ở các nước đang phát triển hơn ở các nước phát triển. Xu hướng phát triển của mô hình mua bán trong cộng đồng ở Việt Nam cũng tương đồng với các nước đang phát triển tiên phong về TMĐT.
Đa dạng nền tảng hỗ trợ mua bán trong cộng đồng
Qua khảo sát nhiều thương nhân, nền tảng quản lý bán hàng đa kênh Sapo đã đánh giá trong năm 2021 mạng xã hội Facebook tiếp tục là kênh hỗ trợ bán hàng trực tuyến hiệu quả nhất.
Với những lợi thế to lớn của mô hình này, những nền tảng công nghệ hỗ trợ thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam đã phát triển các giải pháp hỗ trợ kinh doanh đa kênh (Omnichannel) nói chung và mua bán trong cộng đồng nói riêng.
Chẳng hạn, Haravan đã xây dựng giải pháp HaraSocial và HaraFunnel. Hai giải pháp này hỗ trợ bán hàng trên Facebook toàn diện, giúp tối đa tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng và marketing trên Facebook, đồng thời giúp tư vấn khách hàng và giải đáp các thắc mắc hoàn toàn tự động theo các kịch bản lập sẵn. HaraSocial và HaraFunnel đã được hơn 100.000 fanpage và 300 thương hiệu hàng đầu sử dụng. Trong khi đó, giải pháp quản lý bán hàng đa kênh Sapo Omnichannel đã trở thành công cụ bán hàng hiệu quả của rất nhiều thương nhân.
Nhiều doanh nghiệp công nghệ đã nhanh chóng nhận ra tiềm năng to lớn của mô hình mua bán trong cộng đồng và đã xây dựng các nền tảng trực tuyến chuyên nghiệp để hỗ trợ mô hình này. Những nền tảng đó hỗ trợ các cá nhân bán hàng với rất nhiều dịch vụ liên quan, từ lựa chọn sản phẩm, nhà cung cấp, tới giao hàng và đào tạo kỹ năng bán hàng trực tuyến. Nhiệm vụ chủ yếu của những cá nhân này là tiếp thị và giao kết hợp đồng với người mua trong cộng đồng của mình và hưởng hoa hồng.
Các nền tảng bán hàng trực tuyến như Selly, Cuccu, DiMuaDi, BCA Solutions, Mio của iTapHoa đã cố gắng cung cấp mọi dịch vụ cho đối tác để họ chỉ tập trung vào một việc duy nhất là bán sản phẩm cho khách hàng trong cộng đồng. Mọi dịch vụ liên quan, bao gồm quản lý kho và giao hàng sẽ do nền tảng cung cấp.
Tuy nhiên, theo đánh giá của VECOM, cùng với sự phát triển nhanh chóng của mô hình mua bán trong cộng đồng, các cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT và các tổ chức hoà giải, trọng tài hay toà án cần có sự quan tâm thoả đáng tới mô hình này và có hướng dẫn, khuyến nghị kịp thời.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm