6 tháng triển khai Mobile Money: Nhà mạng "than" nhiều vướng mắc
DNVN - Theo đánh giá của 3 nhà mạng gồm Viettel, VinaPhone và MobiFone, 6 tháng triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money cho thấy còn nhiều dư địa phát triển dịch vụ này nhưng cũng tồn tại nhiều vướng mắc, khó khăn, thậm chí là mảnh đất cằn cỗi, sỏi đá mà các doanh nghiệp phải đối mặt.
Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam mới chỉ chiếm 21% / Giao dịch giá trị lớn lĩnh vực công: Cần bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt
Hơn 1,1 triệu khách hàng đăng ký Mobile Money
Trước những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra các định hướng, xây dựng các hoạt động ứng phó vô cùng nhanh chóng, trong đó có việc thúc đẩy triển khai thí điểm Mobile Money (tiền di động) trên cả nước.
Dịch vụ Mobile money cho phép khách hàng dùng tài khoản viễn thông để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau, như thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp tiền, rút tiền trực tiếp tại hệ thống cửa hàng, điểm giao dịch rộng khắp trên toàn quốc của các nhà mạng. Khách hàng không cần phải có tài khoản ngân hàng, không phải sử dụng smartphone, không cần kết nối internet.
Tại hội thảo “Đẩy mạnh phát triển Mobile Money tại Việt Nam” do Báo Lao Động phối hợp với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và Cục Viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 11/5 tại Hà Nội, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán đánh giá, sau 6 tháng triển khai thí điểm, Mobile Money đã tăng trưởng khả quan.
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán cho biết, sau 6 tháng triển khai Mobile Money đã có hơn 1,1 triệu khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ.
Theo đó, về số lượng khách hàng, tính đến cuối tháng 3/2022, tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money là hơn 1,1 triệu khách hàng, trong đó số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là gần 660.000 khách hàng (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).
Thiết lập được 3.000 điểm kinh doanh hơn 12.800 đơn vị chấp nhận thanh toán. Tổng số lượng giao dịch qua Mobile Money đã đạt hơn 8,5 triệu giao dịch nhưng giá trị còn khiêm tốn (hơn 370 tỷ đồng).
Nhà mạng gặp nhiều khó khăn
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của Viettel, VinaPhone, MobiFone - 3 nhà mạng lớn đã chính thức triển khai dịch vụ Mobile Money trên cả nước, sau 6 tháng triển khai thí điểm dịch vụ này còn nhiều khó khăn, vướng mắc như hạn mức thấp, yêu cầu chặt chẽ, theo đó chưa thu hút được nhiều người đăng ký thành công sử dụng dịch vụ.
Ông Trương Quang Việt - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel khẳng định: Lợi ích của Mobile Money tới người dân Việt Nam là không thể phủ nhận. Thế nhưng lần đầu tiên được cấp phép triển khai chính thức tại thị trường Việt Nam, Mobile Money cũng đã đặt ra bài toán khó về thay đổi hành vi chi tiêu và sử dụng tiền của người dân.
Làm sao để người dân có đủ nhận thức và sự tin tưởng để sử dụng Mobile Money, chuyển đổi dần từ sử dụng tiền giấy sang dịch vụ không tiền mặt, thay đổi toàn diện thói quen và hưởng lợi trực tiếp từ nền kinh tế số… sẽ là đề bài chung để Nhà nước cùng các cơ quan báo chí, các ngân hàng, các đơn vị triển khai tiền di động cùng đồng hành, phối hợp để giải quyết.
Là đơn vị nhận được giấy phép đầu tiên của Mobile Money ở Việt Nam, bà Phạm Minh Tú – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone cho rằng, trong bối cảnh thế giới có xu hướng phát triển mạnh dịch vụ này thì việc triển khai tại Việt Nam còn nhiều khó khăn. Trong đó, hạn mức của Mobile Money chỉ dưới 10 triệu đồng, thấp hơn ví điện tử rất nhiều là một hạn chế. Khi cung cấp một dịch vụ mới nhưng vấp phải quá nhiều hạn chế sẽ rất khó phát triển.
Bà Phạm Minh Tú – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone chỉ ra nhiều khó khăn sau nửa năm triển khai tiền di động.
Một điểm khó khăn nữa là điểm khinh doanh Mobile Money tốn chi phí, nguồn lực. Chúng ta đang có 13,5% tổng lượng giao dịch trên thị trường dùng tiền mặt nhưng lại chiếm tới hơn 80% số lượng giao dịch.
"Điều này chứng tỏ giao dịch tiền mặt tại Việt Nam rất nhiều. Đa phần là giao dịch nhỏ lẻ thì đây sẽ là đối tượng của Mobile Money. Dư địa của Mobile Money không phải không còn, nhưng đây là những mảnh đất cằn cỗi, sỏi đá. Trong khi mảnh đất mầu mỡ ngân hàng đã cày sới hết. Đó là những khó khăn mà những đơn vị triển khai Mobile Money phải đối mặt”, bà Tú nêu.
Nêu trăn trở sau nửa năm triển khai thí điểm, ông Nguyễn Văn Tấn- Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ Viễn Thông VNPT VinaPhone cho rằng, điều kiện để mở tài khoản Mobile Money rất chặt chẽ khi phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như KYC chính xác khách hàng, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được định danh, xác thực theo các quy định của Chính phủ về đăng ký thuê bao di động. Ngoài ra, số thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile money.
"Việc này làm mất đi tính ưu việt của Mobile Money và làm cho doanh nghiệp thí điểm phải tốn thêm nguồn lực để phát triển thuê bao di động trở thành khách hàng Mobile Money. Nếu bỏ yêu cầu này, tôi tin rằng nếu đạt được điều này thì hơn 120 triệu thuê bao của tất cả các nhà mạng tại Việt Nam ngày mai có thể đồng loạt mở được và sử dụng Mobile Money”, ông Dũng nhận định.
Với các quy định ràng buộc của hoạt động mở điểm kinh doanh Mobile money hiện hành cũng là trở ngại cho các doanh nghiệp thí điểm mở rộng phạm vi, quy mô tiếp cận và phải cần nhiều thời gian, nguồn lực hơn để định hướng, thay đổi hành vi của khách hàng...
Kiến nghị cho phép nhà mạng kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia
Trước những tồn tại nêu trên, đại diện nhà mạng VinaPhone kiến nghị cho phép tăng cường các phương tiện số hoá công nghệ thông tin để khách hàng đăng ký tiện lợi nhất. Theo đó, sớm cho phép dùng EKYC trong phát triển thuê bao di động và thiết lập Mobile Money.
Nên cho liên thông và Nhà nước quản lý để dùng mạng nào cũng có thể rút ở mạng khác. Trong giai đoạn thử nghiệm, VinaPhone hoàn toàn đồng ý với hạn mức 10 triệu đồng liên quan đến các hoạt động về rút và chuyển tiền. Tuy nhiên, hiện đã hết giai đoạn thử nghiệm 2 năm, doanh nghiệp này đề xuất rút và mở rộng giới hạn trên.
Ông Nguyễn Văn Tấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ Viễn Thông VNPT VinaPhone kiến nghị cho phép tăng cường các phương tiện số hoá công nghệ thông tin để khách hàng đăng ký tiện lợi nhất.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone đề xuất cho phép các nhà mạng kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để việc đăng ký khớp với chứng minh thư nhân dân cũ.
Đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước có những công cụ hỗ trợ nhà mạng tuyên truyền rộng rãi, cũng như có những chính sách mở tài khoản Mobile Money cho toàn dân để sủ dụng dịch vụ công, tài chính công.
Cập nhật một số điều kiện trong việc thí điểm Mobile Money để giảm bớt chênh lệch dịch vụ này trên thế giới. Cho phép liên thông giữa các nhà mạng, cho phép cung cấp thêm một số dịch vụ mới trên Mobile Money, không nên giới hạn Mobile Money chỉ là dịch vụ thanh toán với hạn mức nhỏ.
Trong khi đó, đại diện Viettel đề xuất đẩy mạnh các hoạt động giải ngân, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho nhóm đối tượng yếu thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa thông qua tài khoản tiền di động.
Đưa ra các định hướng, chính sách hỗ trợ để xây dựng và nhân rộng nhiều hơn nữa các mô hình thanh toán không tiền mặt trên khắp cả nước. Từ đó hướng tới mọi người dân đều sớm được tiếp cận và chấp nhận thanh toán số như một hình thức chi tiêu quen thuộc, tiện ích.
Cơ quan báo chí, truyền thông cùng phối hợp, triển khai các hoạt động để thúc đẩy, định hướng nhận thức người dân về lợi ích của tiền di động nói riêng, của tài chính số và chuyển đổi số trong kinh tế nói chung.
Ngân hàng và các nhà mạng triển khai tiền di động tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác, qua đó mang lại giá trị cho người dân khi sử dụng các tiện ích thanh toán số.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo