Kinh tế số

Quá nửa dân số Hà Nội sẽ mua sắm trực tuyến vào năm 2025

DVNN - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử, giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu phấn đấu nâng tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đạt 55% vào năm 2025.

Xây dựng chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử / Nền tảng triển lãm trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam dành cho doanh nghiệp gỗ và nội thất

Trong Kế hoạch này, UBND thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh số thương mại điện tử B2C sẽ chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn, với tốc độ tăng trưởng trung bình 20%/năm. Tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến đạt 55% vào năm 2025, tăng trưởng trung bình 2% hàng năm.

Tỷ lệ thanh toán không tiền mặt trong TMĐT đạt 50%. Trong đó, thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80% và 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử.

Hà Nội cũng phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 80% website TMĐT tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động; 90% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện nước, viễn thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng.

Hà Nội cũng phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 80% website TMĐT tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 80% website TMĐT tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến. (Ảnh minh họa: Internet)

Thành phố sẽ tập trung đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao cho phát triển TMĐT, giữ vững thứ hạng trong nhóm 2 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số TMĐT hằng năm. Đồng thời, hình thành và phát triển các sàn giao dịch TMĐT xuyên biên giới; dự kiến 10.000 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT.

Để thực hiện được những mục tiêu nêu trên, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển các hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT. Cụ thể là nâng cấp website "Bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội); phát triển logistics điện tử phục vụ cho hoạt động TMĐT; phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp trong thương mại và dịch vụ công; phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR Code…

Đáng chú ý, Hà Nội sẽ đưa hoạt động khảo sát, thống kê thành nhiệm vụ thường xuyên để phục vụ cho công tác quản lý điều hành và xây dựng chính sách về TMĐT. Các cơ quan quản lý cũng kiểm tra thường xuyên đối với các hoạt động TMĐT để đẩy mạnh xử lý vi phạm pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong TMĐT, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Áp dụng thanh toán không tiền mặt trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, cửa hàng xăng dầu, đơn vị cung cấp các dịch vụ thiết yếu và trong mua sắm trực tuyến trên địa bàn.

Ngoài ra, thành phố tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng TMĐT hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực; ứng dụng các giải pháp công nghệ số để truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; tổ chức chuỗi cung ứng TMĐT cho các mặt hàng nông sản; xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp logistic và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TMĐT để tối ưu hóa chi phí và thời gian đưa hàng ra thị trường.

Trí Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm