Xã hội số

Chống vi phạm bản quyền: Giải pháp công nghệ, hình sự hóa và quy trình đặc thù

DNVN - Tại Tọa đàm hiện trạng và giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số trong lĩnh vực Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) tổ chức vào ngày 25/11/2020, nhiều ý kiến đã chia sẻ những giải pháp để ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền đang diễn ra tràn lan trên mạng.

CEO Clip TV: Cần tạo cơ chế để OTT TV nước ngoài hợp tác với các doanh nghiệp trong nước / Các nhà làm nội dung số loay hoay chống chọi với vi phạm bản quyền

Mỗi nền tảng nên áp dụng những giải pháp riêng

Chia sẻ về việc lựa chọn giải pháp kỹ thuật để chống vi phạm bản quyền trên môi trường số, ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Thudo Multimedia cho rằng, cần phải chia ra theo các nền tảng phát nội dung khác nhau để lựa chọn những giải pháp phù hợp để chống vi phạm bản quyền. Nền tảng số hiện đang phát chủ yếu ở 3 hạ tầng: Mạng xã hội, web và OTT, ngoài ra còn có những nền tảng giải trí không kết nối Internet - như VietnamAirlines phát phim trên máy bay chẳng hạn. Do đó cần phải có những giải pháp khác nhau cho mỗi hạ tầng.

Trên mạng xã hội, YouTube và Facebook đều cho phép các nhà sản xuất nội dung đăng ký để cấp công cụ quản lý bản quyền RM (rights management) riêng. Công cụ này được cài sẵn trong tài khoản cấp cho nhà sản xuất nội dung, để khi đẩy nội dung lên mạng xã hội sẽ gán vào video đó một mã ID, với ID này thì khi có một đơn vị nào reup video này thì tiền quảng cáo sẽ tính cho đơn vị sở hữu nội dung, còn đơn vị reup nội dung (là đơn vị vi phạm bản quyền) sẽ không được hưởng lợi gì từ việc reup nội dung trái phép.

Trên nền tảng website thì nạn vi phạm bản quyền chủ yếu diễn ra ở Việt Nam, ngoài biện pháp yêu cầu các ISP chặn website vi phạm ra, thì chủ yếu các website lậu đều dùng hạ tầng phân phối nội dung (CDN) trong nước. Do đó các đơn vị sở hữu nội dung có thể dùng bộ phận kỹ thuật tra soát xem trang web vi phạm đó đang dùng CDN nào, mình phản ánh với đơn vị cung cấp CDN đó để ngăn chặn các nội dung vi phạm, việc chặn website vi phạm qua CDN cũng dễ dàng, vì trong vì trong hợp đồng với CDN đều có điều khoản không được up nội dung vi phạm.

Riêng giải pháp chặn ISP chỉ có tác dụng website, không xử lý vi phạm trên mạng xã hội hay OTT được. Đối với nội dung trên OTT, hiện nay các nhà sở hữu nội dung có thể kết hợp dùng giải pháp DRM (giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số) và Finger Print Online (giải pháp phát hiện nguồn phát tán nội dung) tìm và phát hiện chỗ nào đang livestream để ngăn chặn.

Ngoài ra trên thế giới còn có công cụ chống vi phạm khác, ví dụ như Next Media sở hữu nhiều nội dung thì có thể dùng DRM khóa các nội dung của mình lại và chỉ cấp key giải mã cho những đơn vị mua bản quyền.

Để quản lý hiệu quả, ông Hân cũng đề xuất, Cục PTTH&TTĐT có thể đứng ra làm trung gian yêu cầu chỉ sử dụng một giải pháp DRM để quản lý nội dung, khách hàng nào sử dụng nội dung có bản quyền thì mới được cấp giải mã, ngoài ra còn có thể ứng dụng DRM để quản lý các nội dung phát offline trên máy bay chẳng hạn.

Theo ông Hân, trên cả 4 nền tảng: Mạng xã hội, web, OTT online, nền tảng giải trí không kết nối Internet hiện đều đã có công cụ kỹ thuật để xử lý hiệu quả, ngăn chặn vi phạm bản quyền.

Hiện nay giải pháp Sigma Multi-DRM đạt chuẩn bảo mật toàn cầu đã được doanh nghiệp Việt Nam phát triển và làm chủ công nghệ nên việc triển khai cũng dễ dàng, nhanh chóng và giá cả hợp lý.

Việt Nam cần đưa ra tòa hình sự vụ án đầu tiên về vi phạm bản quyền

Ở góc độ pháp lý, Luật sư Phan Vũ Tuấn, Giám đốc Văn phòng Luật sư Phan Law cho rằng, về mặt pháp lý Việt Nam đã có đầy đủ căn cứ pháp luật để bảo vệ bản quyền nội dung trên mạng, nhưng trên thực thế thì Việt Nam vẫn còn đang thiếu một vụ án hình sự do vi phạm bản quyền. Do đó cần cố gắng thực hiện vụ án hình sự đầu tiên về vi phạm bản quyền, hiện nay vi phạm bản quyền chưa được coi là tội phạm mà mới chỉ xử lý ở mức độ dân sự.

Luật sư Phan Vũ Tuấn cũng chia sẻ điều khó khăn nhất khi ra tòa là chứng minh thiệt hại là bao nhiêu, đơn vị sở hữu nội dung chứng minh không được. Nên nếu Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử có được một Liên minh hay một Trung tâm hỗ trợ cập nhật thông tin, chứng minh được thông tin vi phạm thì có thể giải quyết được nhiều vấn đề, có thể hình sự hóa được vụ việc vi phạm bản quyền, để mang tính răn đe. Hiện tại Luật Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ đều có quy định xử lý vi phạm nhưng thực tế chưa có ai bị xử lý hình sự.

Luật sư Phan Vũ Tuấn cũng cho rằng, cần có liên minh để các bên có nơi để đưa thông tin vi phạm, chia sẻ các cơ sở pháp lý, biện pháp kỹ thuật để xử lý vi phạm. Ví dụ, ở quốc tế có những tổ chức chống vi phạm bản quyền âm nhạc đại diện cho hơn 2.000 tổ chức âm nhạc. Mặc dù các thành viên cạnh tranh với nhau rất lớn, nhưng khi có xâm phạm tất cả họ đều lên tiếng. Họ cùng nhau chống xâm phạm nhưng về kinh doanh họ vẫn cạnh tranh với nhau, cùng nhau truyền thông, đưa ra thông tin về chống xâm phạm, cùng nhau report, giả sử với một app vi phạm có 20 đơn vị cùng report chắc chắn Apple sẽ xử lý nhanh hơn.

Nên áp dụng những quy trình xử lý đặc thù

Theo bà Phan Cẩm Tú, đại diện của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) chia sẻ kinh nghiệm xử lý vi phạm bản quyền ở Mỹ. Các hãng phim họ tập trung xử lý các trang web vi phạm rất nhanh, một bộ phim ra rạp bị vi phạm ngay lập tức xử lý. Theo bà Cẩm Tú, trên môi trường mạng bắt buộc phải xử lý đặc thù, không thể làm theo tuần tự thủ tục văn bản hành chính mà nên cắt đi các thủ tục rườm rà trong luật. Đặc biệt có vai trò quan trọng của các ISP trong việc gỡ bỏ các nội dung vi phạm. Do đó, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử có vai trò đứng ra phối hợp với các đơn vị ISP để xử lý vi phạm bản quyền và trách nhiệm này cần đưa vào trong luật hẳn hoi. Mọi vi phạm cần phải xử lý theo quy trình rất nhanh và rút gọn.

Bà Đỗ Phương Chi, Giám đốc Bản quyền của Next Media cũng chia sẻ cách mà Next Media bảo vệ bản quyền các giải đấu bóng đá của mình. Theo đó, Next Media dùng phương án “đánh thẳng” vào người dùng cuối cùng, tăng cường truyền thông để thu hút Fan bóng đá vào các trang có bản quyền xem. Ví dụ, trên kênh digital của các CLB Đức có chạy chữ bằng tiếng Việt hướng dẫn Fan bật kênh Digital chính thức của Next Media để xem. Đồng thời, Next Media cũng hợp tác với 15 báo thể thao để cung cấp các thông tin trận đấu này xem ở đâu, hàng tuần đều có nội dung thông báo gửi tới các Fan. Qua đó thấy rằng hiệu quả truyền thông khá tốt và lượt vào các kênh xem chính thống tăng lên đáng kể.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo