Có nên mua máy tạo oxy, máy đo chỉ số oxy trên mạng để chữa COVID-19?
“Bài thuốc” Facebook dùng dầu mè, dầu dừa nhỏ mũi tránh COVID-19 là nhảm nhí / Bình Dương: Phạt 5 triệu đồng vì đưa tin sai sự thật về chính sách hỗ trợ người lao động
Rao giá thật rẻ, phóng đại công năng để dụ người dùng
Khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các thiết bị y tế liên quan đến COVID-19, như máy theo dõi chỉ số oxy trong máu (máy đo SpO2), máy tạo oxy, đo huyết áp... luôn thu hút được sự quan tâm lớn của người dân.
Những tít bài rao bán trên mạng xã hội thường được người bán quảng cáo rất kêu như "Sản phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình mùa dịch COVID-19" hay "Dù dịch COVID-19 hay không, nhà nhà đều nên sắm máy SpO2". Trên một Fanpage chuyên hàng Đức, bài viết quảng cáo về máy đo SpO2 hãng Beurer thu hút hàng nghìn lượt thích và chia sẻ.
Nhiều máy theo dõi chỉ số oxy trong máu (máy đo SpO2) được rao bán tràn lan trên mạng. (Ảnh: Zing)
Tuy nhiên, chia sẻ trên các hội nhóm về thiết bị y tế và máy đo SpO2, nhiều người cho biết mua thiết bị với giá từ 100.000 đến hơn 200.000 đồng trên mạng nhưng chỉ số không đồng nhất và sai số lớn. Trong phần bình luận trên trang thương mại điện tử, các thiết bị đo SpO2 với giá dưới 300.000 đồng cũng nhận nhiều phản hồi tiêu cực về chất lượng và bị đánh giá 1 sao.
SpO2 (viết tắt của cụm từ Saturation of Peripheral Oxygen) là độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi. Theo các chuyên gia y tế, SpO2 là chỉ số quan trọng, một người khỏe mạnh bình thường, độ bão hòa oxy máu trong khoảng 95-100%. Nếu chỉ số SpO2 thấp hơn 92%, bệnh nhân cần được hỗ trợ hô hấp, phải nhập viện và theo dõi tình trạng suy hô hấp. Trường hợp chỉ số SpO2 của bệnh nhân lớn hơn 92% nhưng có biểu hiện suy hô hấp như khó thở, thở nhanh trên 30 lần/phút, co kéo các cơ hô hấp phụ nhiều vẫn cần được nhập viện để điều trị.
Các mẫu máy đo SpO2 giá rẻ bán trên mạng thường được đặt tên theo mã số như S2, Y2, SPTO2... chủ yếu nhái theo thương hiệu uy tín như Eveny, Omroni hoặc tên chung chung là Oximeter. Sản phẩm có thiết kế nhỏ, dạng kẹp đầu ngón tay, dùng pin AAA, màn hình hiển thị hai thông số chính là SpO2, nhịp tim cùng nút bấm để khởi động. Theo quan sát những thiết bị này có kết cấu lỏng lẻo, chất liệu nhựa tồi, các mối nối không liền mạch…
Một số người chuyên kinh doanh thiết bị y tế cho hay, các mẫu máy đo được chỉ số oxy trong máu với tỷ lệ chính xác cao thường có giá bán không dưới 500.000 đồng, dao động tới 2- 3 triệu đồng tùy thương hiệu. Những thiết bị giá rẻ là do dùng cảm biến chất lượng kém, thậm chí chỉ là một vi mạch điện tử được cài sẵn thông số ngẫu nhiên kèm màn hình và đèn LED để đánh lừa người dùng, bỏ qua các khâu kiểm định từ cơ sở y tế và cơ quan quản lý. Rất khó có công ty nào sản xuất được một thiết bị đo SpO2 chuyên nghiệp với giá vài chục ngàn đồng.
Máy tạo oxy cũng đang là sản phẩm hot trên mạng, khá nhiều website của các đơn vị quảng bá loại thiết bị này với các thương hiệu được cho là xuất xứ từ Mỹ, Đức, châu Âu, Trung Quốc… công suất phổ biến 3 lít, 5 lít, 7 lít, 10 lít. Đủ loại người bán có thể là cá nhân, doanh nghiệp nhỏ lẻ trong nước lẫn nước ngoài. Người mua nếu không có kiến thức rất dễ bị dụ trước những lời quảng cáo hấp dẫn như giá bán "siêu cạnh tranh", "giao hàng miễn phí từ nước ngoài về Việt Nam"...
Qua khảo sát trên mạng thì máy tạo oxy 3 lít/phút đang có giá bán 7-8 triệu đồng; loại công suất 5 lít và 7 lít được bán từ trên 10 đến 20 triệu đồng. Do nhiều tỉnh thành đang thực hiện giãn cách xã hội, khâu vận chuyển khó khăn nên giá bán sản phẩm đội lên nhiều. Cùng một mẫu máy cách đây 2 tháng bán giá 9,5 triệu đồng, nay rẻ nhất cũng hơn 11 triệu đồng.
Đáng ngại là, lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, một số nơi đã nhập hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thông số kỹ thuật mập mờ. Chẳng hạn, máy tạo oxy có tên KSOURCE Pelvifine được rao bán với giá gần 5,5 triệu đồng, giao hàng miễn phí. Sản phẩm được quảng cáo với khả năng "cô đặc oxy" để cho ra "oxy chất lượng cao", có thể cho ra lưu lượng oxy 1-6 lít/phút, nồng độ 30 - 90%, sai số 3%. Theo nhận định của một số chuyên gia trong ngành, cách đăng thông số kỹ thuật kèm quảng cáo này sẽ lừa người dùng tin theo hướng chất lượng 90% mà bỏ quên con số 30%. Trong khi sử dụng cho y tế, đặc biệt là điều trị người nhiễm COVID-19, rất cần những sản phẩm chất lượng với độ chuẩn xác cao.
Máy tạo oxy cũng đang là sản phẩm hot trên mạng. (Ảnh: Internet)
Nhiều tài khoản Facebook còn công khai bán máy tạo oxy với cam kết đã được Bộ Y tế cấp phép và "hỗ trợ điều trị và phục hồi nhanh chóng cho các bệnh nhân có bệnh lý về hô hấp, ngộ độc không khí". Nhưng khi hỏi về giấy tờ chứng minh xuất xứ nguồn gốc thì người bán lờ đi không trả lời. Nếu mua những sản phẩm trôi nổi này, chắc chắn khách hàng sẽ phải gánh hậu quả.
Mới đây nhất, ngày 13/8, lực lượng chức năng phát hiện nhiều kiện hàng bên ngoài không có thông tin tên/số điện thoại chứa 13.828 sản phẩm gồm: máy tạo oxy, dụng cụ đo nồng độ oxy trong máu, vỏ chai đựng oxy… Hầu hết do Trung Quốc sản xuất, không có nhãn phụ tiếng Việt, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Đặc biệt trong đó có một số mặt hàng mang nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Tổng giá trị lô hàng ước tính hàng tỉ đồng.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không tự ý dùng máy tạo oxy
Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân không nên tích trữ máy tạo oxy, bình thở oxy vì có thể gây nguy hại cho sức khoẻ nếu sử dụng không đúng cách. Các tài liệu nước ngoài cũng khẳng định chỉ nên dùng máy tạo oxy dưới sự chỉ định của bác sĩ.
Các chuyên gia y tế cảnh báo người tiêu dùng tự ý mua thiết bị tạo oxy rao bán trên mạng để sử dụng tại nhà là không cần thiết, gây lãng phí. Khi mắc COVID-19, bệnh nhân cần được điều trị chuyên biệt, không thể tự chữa trị tại nhà với máy thở oxy. Khi người dân sử dụng sai sẽ có tác dụng ngược, oxy không vào các phế nang của phổi khiến bệnh nhân thiếu oxy, càng khó thở thêm. Đối với bình oxy, nếu mở van quá tay sẽ khiến bệnh nhân tràn khí màng phổi, nguy kịch hơn. Ngoài ra, nếu không cấp ẩm cho bình oxy thì bệnh nhân dễ mất nước.
Theo các bác sĩ đầu ngành, việc thiết lập và vận hành hệ thống máy thở cần được thực hiện tại cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ (hệ thống oxy, hệ thống khí nén), cần bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo chuyên môn bài bản. Đồng thời, quá trình bệnh nhân sử dụng máy thở cũng cần được kiểm tra, theo dõi định kỳ, tiến hành các xét nghiệm cần thiết để có những chỉ định và xử lý kịp thời. Do đó, trong điều kiện gia đình thì không thể thiết lập hệ thống máy thở, cũng như không thể cắt cử các kíp chuyên môn đến vận hành và theo dõi việc sử dụng máy.
Tương tự, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cũng cảnh báo nguồn oxy có từ bình nén, oxy lỏng, máy tách oxy nếu không được kiểm tra, tư vấn trước khi dùng, người bệnh dễ bị ứ khí CO2, thậm chí ngưng thở. Ngoài ra, bình chứa khí oxy là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, là nguồn gây cháy nổ rất lớn khi va đập hoặc biến đổi nhiệt nếu để gần nguồn lửa như hút thuốc, hay tháo lắp van giảm áp sai quy định.
Hơn nữa, việc mua, tích trữ máy thở mà không sử dụng đến còn có thể tạo sự khan hiếm nguồn cung khiến các cơ sở y tế, bệnh viện không thể mua được máy cho bệnh nhân cần trong trường hợp dịch có những diễn biến khó lường.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng khuyến cáo người dân không được tự ý sử dụng máy tạo oxy tại nhà vì nhiều mối nguy hại có thể xảy ra. Chẳng hạn, người bệnh sẽ nhận được nhiều hay ít oxy hơn mức cần thiết, hít thở quá nhiều oxy có dẫn đến ngộ độc… Việc dựa vào thiết bị này có thể khiến chậm trễ đưa bệnh nhân đi điều trị ở bệnh viện, gia tăng nguy cơ tử vong.
Với máy đo SpO2, nếu có điều kiện, người dân có thể trang bị một thiết bị để theo dõi các ca F0 tại nhà. Cần lưu ý chỉ số SpO2 là một trong những phương tiện giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng, chứ không phải là dấu hiệu để phát hiện người mắc COVID-19. Các chuyên gia y tế khuyên người dân cần tìm đến những nơi uy tín và được cấp phép để mua máy, không nên mua trôi nổi trên mạng vì máy nhái có thể cho ra chỉ số sai, gây hoang mang và nhiễu loạn thông tin. Nếu không phải đối tượng nguy cơ cao thì không nên mua mà có thể tải app trên di động để chủ động theo dõi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo