Xã hội số

Một loạt giải pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền trên môi trường số

DNVN - Vi phạm bản quyền kỹ thuật số gây ra hậu quả rất lớn, ảnh hưởng đến toàn bộ mạng phân phối nội dung hợp pháp — từ người tạo ra sản phẩm đến nhà phân phối và đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, còn gây tác hại tiềm ẩn từ các trang web giả mạo như những nội dung không phù hợp với trẻ em, virus, phần mềm độc hại, gian lận và lừa đảo.

Chống vi phạm bản quyền: Giải pháp công nghệ, hình sự hóa và quy trình đặc thù / Ra mắt Trung tâm bản quyền số để bảo vệ bản quyền và dữ liệu nội dung số

Hiện có rất nhiều nền tảng phát trực tuyến nội dung vi phạm bản quyền bất hợp pháp. Nhiều người truy cập vào các trang có nội dung vi phạm để xem như phim, nhạc, phần mềm và sách điện tử. Các hành vi vi phạm bản quyền không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến các nghệ sĩ sáng tạo và chủ sở hữu quyền, chúng còn đe dọa đến ngành công nghiệp sản xuất nội dung.

Có nhiều loại trang web khác nhau cung cấp quyền truy cập bất hợp pháp vào nội dung có bản quyền như phim, nhạc, TV, trò chơi và phần mềm.

Hiện có rất nhiều trang web phát trực tuyến bất hợp pháp cho phép xem nội dung trái phép có bản quyền theo yêu cầu mà không cần tải xuống tệp bất hợp pháp.Trang web có thể phát trực tiếp hoặc cung cấp liên kết đến nội dung được lưu trữ trên các trang web khác. Lưu trữ nội dung trái phép và cung cấp liên kết đến nội dung trái phép .

Tại Tọa đàm hiện trạng và giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số trong lĩnh vực Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) được tổ chức mới đây, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho hay, trong thời gian vừa qua, Cục PTTH&TTĐT đã nhận được nhiều yêu cầu xử lý vi phạm bản quyền nội dung, đa số là các nội dung về giải trí như bóng đá, phim, game show, ca nhạc. Vi phạm bản quyền được thực hiện với những cách thức hết sức tinh vi, luôn thay đổi, và khó khăn khi xử lý đối với hoạt động vi phạm được thực hiện xuyên biên giới, từ nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.

Theo đại diện của K+, các loại hình vi phạm trên các báo điện tử, mạng xã hội, app, các website streaming thì có có hàng ngàn các đường link rao bán tài khoản lậu và các thiết bị xâm phạm bản quyền trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tike, Facebook.

Mặc dù thời gian qua đã có nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý, của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, của các tổ chức, đại diện chủ sở hữu quyền, chủ sở hữu quyền trong công tác phối hợp. Tuy nhiên, diễn biến vi phạm bản quyền gia tăng đòi hỏi phải có giải pháp thực tế có tính khả thi hơn.

Kết hợp nhiều giải pháp để ngăn chặn vi phạm bản quyền

Để đối phó với nạn vi phạm bản quyền trên môi trường số, theo ông Lưu Đình Phúc phải kết hợp dùng nhiều biện pháp. Trong đó, ông Phúc nêu ra một số những giải pháp cụ thể như:

Hạn chế người tiêu dùng bất hợp pháp: Đây là cách hiệu quả nhất để đối phó với vi phạm bản quyền, các nhà cung cấp nội dung chính thức tăng khả năng trải nghiệm khách hàng, giá cả và nội dung hấp dẫn, chất lượng kỹ thuật tốt có thể ngăn người xem tránh xa các nền tảng và bản sao nội dung vi phạm bản quyền chất lượng kém.

Giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức: Mục đích làm cho người tiêu dùng biết rằng vi phạm bản quyền là một tội ác và nó là bất hợp pháp. Có rất nhiều người dùng Internet chưa phân biệt giữa nội dung bất hợp pháp và hợp pháp với nhiều dịch vụ phát trực tuyến hiện có. Không ít người còn cho rằng một trang web phát video trực tuyến, đặc biệt là một trang web có thu phí thành viên là đang cung cấp nội dung hợp pháp. Do đó, giáo dục công chúng về tác động của vi phạm bản quyền kỹ thuật số là rất quan trọng, cũng như dạy người tiêu dùng cách phân biệt giữa các nền tảng nội dung hợp pháp và bất hợp pháp.

Khởi kiện tại toà, yêu cầu xử lý hình sự loại tội phạm về bản quyền: Đây là biện pháp cần thiết và cần có các chiến dịch truyền thông mạnh về các phiên toà xử tội phạm về bản quyền. Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông về vi phạm bản quyền của các nền tảng nội dung xuyên biên giới.

Dùng giải pháp công nghệ để xử lý nhanh khi phát hiện vi phạm: Dùng công cụ như trí tuệ nhân tạo, hay giải pháp DRM để phát hiện và giám sát các luồng video vi phạm. Hay dùng công nghệ này hạn chế việc sao chép nội dung trái phép và chủ sở hữu nội dung thực thi các yêu cầu cấp phép. Phần mềm được mã hóa không cho phép người dùng tải và lưu video trái phép, ngay khi họ chụp ảnh màn hình thì màn hình đó cũng bị bôi đen.

Theo một số ý kiến khác, điều quan trọng hơn bao giờ hết là khi phát hiện thấy một vi phạm, cần phải có hành động nhanh chóng để xử lý. Vì vi phạm bản quyền đã xoay trục sang phát trực tuyến theo thời gian thực và các dòng doanh thu bất hợp pháp béo bở liên quan đến thể thao trực tiếp nói riêng. Do đó, cần dùng ứng dụng công nghệ trong rà quét, để xác định nội dung vi phạm bản quyền là chìa khóa cho hành động nhanh chóng và theo thời gian thực.

Quy định về chặn gỡ link vi phạm:Nhà cung cấp dịch vụ nội dung số có thể thông báo gỡ xuống theo cách làm truyền thống và các thông báo theo thời gian thực tuỳ chỉnh. Tuy nhiên cách này thường không xử lý nhanh đối với Livestream, vì nhiều trang bất hợp pháp sau khi livestream xong thì xóa ngay nội dung video đó, do đó vấn đề quan trọng là tốc độ xử lý gỡ linh phải càng nhanh càng tốt để hạn chế các trang web phát trực tuyến bất hợp pháp.

Giải pháp cuối cùng được đưa ra là vấn đề hợp tác, mặc dù các công ty sở hữu nội dung số đang có sự cạnh tranh, nhưng thiệt hại do vi phạm bản quyền nội dung là quá lớn nên cần có sự bắt tay hợp tác chống vi phạm bản quyền. Việc hợp tác này phải diễn ra ở tất cả các bước của quy trình, từ sản xuất và bảo mật nội dung tại chỗ cho đến truyền tải. Càng nhiều công ty và tổ chức tham gia, giải pháp tổng thể càng hiệu quả như các ISP, hiệp hội, doanh nghiệp, đại diện chủ sở hữu quyền và chủ sở hữu quyền.

Dùng giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn vi phạm bản quyền

Chia sẻ về việc lựa chọn giải pháp kỹ thuật để chống vi phạm bản quyền trên môi trường số, ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Thudo Multimedia cho rằng, cần phải chia ra theo các nền tảng phát nội dung khác nhau để lựa chọn những giải pháp phù hợp để chống vi phạm bản quyền. Nền tảng số hiện đang phát chủ yếu ở 3 hạ tầng: Mạng xã hội, web và OTT, ngoài ra còn có những nền tảng phát nội dung offline như VietnamAirlines phát phim trên máy bay chẳng hạn. Do đó cần phải có những giải pháp khác nhau cho mỗi hạ tầng.

Trên mạng xã hội, khi các nhà sản xuất nội dung up nội dung lên YouTube và Facebook thì được các nền tảng này cung cấp một tài khoản, trong đó có sẵn công cụ chống vi phạm bản quyền, để khi đẩy nội dung lên mạng xã hội sẽ gán vào video đó một mã ID, với ID này thì khi có một đơn vị nào reup video này thì tiền quảng cáo sẽ tính cho đơn vị sở hữu nội dung, còn đơn vị reup nội dung (là đơn vị vi phạm bản quyền) sẽ không được hưởng lợi gì từ việc reup nội dung trái phép.

Trên nền tảng website thì nạn vi phạm bản quyền chủ yếu diễn ra ở Việt Nam, ngoài biện pháp yêu cầu các ISP chặn website vi phạm ra, thì chủ yếu các website lậu đều dùng hạ tầng phân phối nội dung (CDN) trong nước. Do đó các đơn vị sở hữu nội dung có thể dùng bộ phận kỹ thuật tra soát xem trang web vi phạm đó đang dùng CDN nào, mình phản ánh với đơn vị cung cấp CDN đó để ngăn chặn các nội dung vi phạm, việc chặn website vi phạm qua CDN cũng dễ dàng, vì trong vì trong hợp đồng với CDN đều có điều khoản không được up nội dung vi phạm. Riêng giải pháp chặn ISP, hay CDN chỉ có tác dụng website, không xử lý vi phạm trên mạng xã hội hay OTT được.

Đối với nội dung trên OTT, hiện nay các nhà sở hữu nội dung có thể kết hợp dùng giải pháp DRM (giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số) và Finger Print Online (giải pháp phát hiện nguồn phát tán nội dung) tìm và phát hiện chỗ nào đang livestream để ngăn chặn. Hiện nay giải pháp Sigma Multi-DRM đạt chuẩn bảo mật toàn cầu đã được doanh nghiệp Việt Nam phát triển và làm chủ công nghệ nên việc triển khai cũng dễ dàng, nhanh chóng và giá cả hợp lý.

Ngoài ra trên thế giới còn có công cụ chống vi phạm khác, ví dụ như Next Media sở hữu nhiều nội dung thì có thể dùng DRM khóa các nội dung của mình lại và chỉ cấp key giải mã cho những đơn vị mua bản quyền.

Để quản lý hiệu quả, ông Hân cũng đề xuất, Cục PTTH&TTĐT có thể đứng ra làm trung gian yêu cầu chỉ sử dụng một giải pháp DRM để quản lý nội dung, khách hàng nào sử dụng nội dung có bản quyền thì mới được cấp giải mã, ngoài ra còn có thể ứng dụng DRM để quản lý các nội dung phát offline trên máy bay chẳng hạn.

Theo ông Hân, trên cả 4 nền tảng: mạng xã hội, web, OTT online, nền tảng không dùng Internet hiện đều có công cụ kỹ thuật để xử lý hiệu quả, ngăn chặn vi phạm bản quyền.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo