Phát hiện hơn 1.000 trường hợp vi phạm bản quyền EURO 2020
Vimeo bị đâm đơn kiện vì "làm ngơ" cho người dùng vi phạm bản quyền âm nhạc / Đã ngang nhiên vi phạm bản quyền EURO 2020 và Copa America 2021, còn công khai quảng cáo cờ bạc, cá độ
Hơn 1.000 trường hợp vi phạm bản quyền EURO 2020
Vòng Chung kết UEFA EURO 2020™ (EURO 2020) sắp đi đến trận đấu cuối cùng vào rạng sáng 12/7/2021 tới đây. Suốt 1 tháng diễn ra giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh này, tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra công khai ở tất cả các trận đấu, ở trên các nền tảng mạng xã hội và các website.
Theo thông tin từ VTV, tổ công tác bảo vệ bản quyền của VTV đã chủ động rà soát qua nhiều nguồn thông tin và đã phát hiện rất nhiều trường hợp vi phạm. Đến hết tháng 6/2021, tổ công tác đã rà soát, xử lý và báo cáo cho UEFA hơn 1.000 trường hợp vi phạm trên nền tảng Facebook, YouTube và thu thập chứng cứ vi phạm của hàng chục website.
Với sự mạnh tay của UEFA trong bảo vệ bản quyền trên các nền tảng số, tỉ lệ vi phạm trên YouTube giảm đáng kể và được ngăn chặn rất kịp thời. Tuy nhiên, trên nền tảng Facebook, YouTube tỉ lệ vi phạm như livestream các trận đấu, chia sẻ các đường link livestream diễn ra còn phổ biến khi các trận đấu diễn ra.
Đối với các website phát trực tuyến có vi phạm, VTV đã có văn bản gửi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) đề nghị xử lý vi phạm của rất nhiều trang web.
VTV đã có văn bản gửi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) đề nghị xử lý vi phạm bản quyền EURO 2020 của rất nhiều trang web.
Cũng theo VTV, qua công tác rà soát các trang web phát trực tuyến vi phạm đã ghi nhận hàng chục trang đã phát trái phép các trận đấu EURO 2020. VTV đã tổ chức ghi vi bằng về các trường hợp vi phạm trên website để có căn cứ xử lý vi phạm về mặt pháp lý.
“Đáng chú ý, đa số các trang web vi phạm đều đặt quảng cáo cho các hoạt động phi pháp như đánh bạc, cá độ bóng đá, web khiêu dâm… Và có một thực tế là tên miền A bị chặn thì ngay lập tức có 1 tên miền Az, Ax… ra đời. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đơn vị sở hữu bản quyền đồng thời làm ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự, an ninh trên không gian mạng”, nguồn tin từ VTV cho hay.
Trên thực tế VTV phát sóng 51 trận đấu và phát sóng chương trình bình luận trước, giữa và sau trận đấu của EURO 2020 trên hệ thống kênh VTV3, VTV3 HD, VTV6 và VTV6 HD và trên các hạ tầng số như VTVgo, VTV.vn. Bên cạnh đó, các Đài Truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đang tiếp phát kênh VTV3, VTV3 HD, VTV6 và VTV6 HD cũng đăng ký tiếp phát sóng chương trình trận đấu EURO 2020. Người xem có thể tiếp cận để xem các trận đấu trên các kênh có bản quyền một cách dễ dàng qua tivi, điện thoại hay máy tính.
Xử lý vi phạm bản quyền như “dọn cỏ”
Tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam đã diễn ra một thời gian rất dài và vô cùng nhức nhối. Nhất là đối với các sự kiện thể thao lớn thì nạn vi phạm bản quyền diễn ra khá phổ biến, nhất là trên các nền tảng website và mạng xã hội. VTV cho biết, với vòng chung kết EURO 2020, VTV đã phải chuẩn bị và thực hiện nhiều phương án về công nghệ, kỹ thuật và cả pháp lý để ngăn chặn và hạn chế vi phạm nhằm đảm bảo mang đến cho khán giả thưởng thức trọn vẹn giải đấu.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Doanh nghiệp Việt Nam, mỗi khi các trận đấu trực tiếp diễn ra, có hàng trăm kênh Facebook, YouTube và website đã livestream trực tiếp, với lượt theo dõi các kênh từ hàng nghìn tới hàng trăm nghìn lượt. Và hầu hết trên các kênh này đều chèn logo, hình ảnh quảng cáo cho các dịch vụ trái phép như cờ bạc, game không phép, sex, cá độ bóng đá, quảng cáo tiền ảo forex..
Các trang Facebook livestream trực tiếp các trận đấu trong khuôn khổ EURO 2020, quảng cáo cho cờ bạc và cá độ bóng đá.
Vậy câu hỏi đặt ra là, việc ngăn chặn vi phạm bản quyền trên môi trường số vì sao không hiệu quả và các đơn vị sở hữu bản quyền đang gặp khó khăn ở khâu nào?
Theo ý kiến của một chuyên gia về nội dung số, khó nhất là ngăn chặn phát livesteam vào giờ trực tiếp trận đấu. Với các trang web thì có thể đánh chặn được bằng các biện pháp chặn tên miền, hay chặn ngay từ CDN (hệ thống phân phối nội dung-PV), nhưng với các trang phát livestream trên Facebook và YouTube thì phải report thủ công bằng tay mà không xử lý tự động được. Facebook và YouTube thường họ sẽ xử lý sau 2h, như vậy đến khi kết thúc trận đấu mới có thể xử lý xóa video vi phạm, cũng có một số trường hợp thì kênh vi phạm bị xóa.
Theo số liệu từ Cục Phát Thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) trong những năm vừa qua, Cục đã tiếp nhận được hàng chục khiếu nại vi phạm bản quyền nội dung truyền hình của các đài PT-TH, doanh nghiệp Việt Nam, như: VTV đối với bản quyền World Cup 2018, Đài VTC đối với bản quyền Asiad 2018, Công ty SCTV đối với bản quyền nhóm kênh SCTV, Công ty VSTV đối với bản quyền các nội dung phim, chương trình truyền hình, Công ty FPT đối với bản quyền giải Giải bóng đá Ý (Seria A), Công ty TVB Hongkong với phim bộ….
Theo kinh nghiệm từ VTVcab, việc xử lý vi phạm bản quyền giống như “dọn cỏ”, có khi vừa gỡ được link này, vài phút sau lại xuất hiện ngay link khác. Phải rất mất công khi cứ đi tìm kiếm đánh giá, cứ mọc lên link nào lại xử lý link đó. Đội ngũ làm việc rất vất vả, đi tìm đi chặn, phối hợp với đối tác nước ngoài lệch múi giờ. Sau khi chặn rồi thì cũng không chắc chắn được chặn đi rồi bao lâu link lậu lại xuất hiện lại. Một trận đấu diễn ra 90 phút nếu dùng văn bản, đánh giá, trao đổi thì hết trận đấu mất rồi. Trên các trang web lậu tên miền quốc tế cũng chỉ xử lý được 50%.
Bản quyền nội dung số là loại tài sản số có giá trị cao, các đơn vị phải bỏ ra hàng chục triệu USD để sở hữu bản quyền. Nhưng trên thực tế, tài sản có giá trị này lại bị nhiều đối tượng công khai xâm hại trái phép mà không bị pháp luật xử lý.
Để quản lý hiệu quả bản quyền trên môi trường số, ông Nguyễn Ngọc Hân, CEO Thudo Multimedia cho rằng, Cục PTTH&TTĐT có thể đứng ra làm trung gian yêu cầu chỉ sử dụng một giải pháp DRM để quản lý nội dung, khách hàng nào sử dụng nội dung có bản quyền thì mới được cấp giải mã, ngoài ra còn có thể ứng dụng DRM để quản lý các nội dung phát offline trên máy bay chẳng hạn.
Cũng theo ông Hân, trên cả 4 nền tảng: Mạng xã hội, web, OTT online, nền tảng giải trí không kết nối Internet đều đã có công cụ kỹ thuật để xử lý hiệu quả, ngăn chặn vi phạm bản quyền. Hiện nay giải pháp Sigma Multi-DRM đạt chuẩn bảo mật toàn cầu đã được doanh nghiệp Việt Nam phát triển và làm chủ công nghệ nên việc triển khai cũng dễ dàng, nhanh chóng và giá cả hợp lý.
End of content
Không có tin nào tiếp theo