Sở TT&TT TP.HCM làm việc với đại diện bà Phương Hằng về những phát ngôn khi livestream
Dân ào ào sắm tivi sau buổi livestream “bóc phốt” nghệ sĩ Hoài Linh của nữ đại gia Nguyễn Phương Hằng / Đại gia Phương Hằng dừng phát livestream vì bị "tuýt còi", hứa sẽ trở lại vào tuần sau
Tối 31/5/2021, Chánh thanh tra Sở TT&TT TP.HCM đã có buổi làm việc với đại diện được ủy quyền của bà Nguyễn Phương Hằng, CEO Công ty Đại Nam, chồng là ông Huỳnh Uy Dũng (thường được gọi là Dũng "lò vôi"). Bà Hằng hiện cư trú tại Bình Dương và không có mặt trong buổi làm việc do TP.HCM áp dụng lệnh giãn cách xã hội. Nội dung buổi làm việc liên quan đến những phát ngôn được phát trực tiếp (livestream), trình bày trên các clip được đăng tải trên tài khoản mạng xã hội Facebook và kênh YouTube.
Trong những buổi phát sóng trực tiếp, bà Hằng thường kể về những góc khuất ít ai biết trong showbiz Việt. (Ảnh: Internet)
Trong buổi làm việc, phía Sở TT&TT cho biết, trong các buổi livestream gần đây, bà Hằng có những phát ngôn thiếu cẩn trọng, không chuẩn mực gây ảnh hưởng trật tự xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác. Sau buổi làm việc, đại diện bà Phương Hằng cam kết sẽ rút kinh nghiệm, không để lặp lại những hành vi tương tự.
Trao đổi với truyền thông, đại diện Sở TT&TT TP.HCM - khẳng định cá nhân livestream không xúc phạm uy tín người khác, không gây ảnh hưởng xã hội thì cơ quan chức năng không can thiệp.
Trước đó, ngày 16/4/2021, bà Phương Hằng đã bị Sở TT&TT TP.HCM phạt hành chính 7,5 triệu đồng vì cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận và danh dự của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, trong vụ việc có liên quan đến ông Võ Hoàng Yên.
Mới đây, Bộ TT&TT cũng gửi văn bản đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội. Nguyên do là thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số đối tượng lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như livestream, chia sẻ hình ảnh, video clip, lập group chat để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật.
Phần nhiều trong số đó là các nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, tung tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép,... Những hành động này đã gây ra sự bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
Để kịp thời nắm bắt, có biện pháp chấn chỉnh hiện tượng này, tránh gây tác động xấu tới dư luận xã hội, đặc biệt là giới trẻ, Bộ TT&TT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở TT&TT, công an tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, xử lý theo thẩm quyền được giao.
Bộ TT&TT cũng có chỉ đạo riêng với Sở TT&TT TP.HCM về xử lý vụ việc liên quan những phát ngôn của bà Phương Hằng trên livestream.
Ngày 25/5, Bà Nguyễn Phương Hằng đã trở thành hiện tượng livestream khi có hơn 270.000 lượt xem cùng lúc trên video trực tuyến. Trong những buổi phát sóng trực tiếp, bà Hằng thường kể về những góc khuất ít ai biết trong showbiz Việt. Gần đây nhất, bà Hằng nhắc tới vụ từ thiện 13 tỷ đồng của NSƯT Hoài Linh...
Ngày 28/5, trên các trang Fanpage chính thức của bà Phương Hằng đã thông báo hủy buổi livestream dự kiến diễn ra vào tối 29/5. Sau đó, cả hai Fanpage mang tên bà Nguyễn Phương Hằng và Trường đua Đại Nam trên mạng xã hội Facebook đều biến mất.
Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP, về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử tại Điểm a Điều 101 quy định rõ, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của các nhân.
Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định rõ, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Bên cạnh đó, nếu phạm tội 2 lần trở lên hoặc đối với 2 lần trở lên, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Ngoài ra, Luật An ninh mạng năm 2019, cũng đưa ra quy định tại Điều 16 về việc xử lý các thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo