Từ 1/7, điện thoại 2G, 3G không được sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam
Viettel bán điện thoại 4G giá 400.000 đồng, lắp thêm 2.400 trạm BTS để có thêm 10 triệu người dùng 4G trong năm 2020 / VinSmart công bố mẫu điện thoại thông minh Vsmart Aris 5G
Bộ TT&TT mới ban hành Thông tư 43 về "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - phần truy cập vô tuyến". Theo đó, tất cả máy điện thoại di động sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ thời điểm trên phải được tích hợp công nghệ E-UTRA (tức công nghệ 4G). Những điện thoại 2G, 3G sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam trước 1/7 vẫn được phép lưu hành. Thông tư áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh các thiết bị thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn trên lãnh thổ Việt Nam.
Những điện thoại 2G, 3G sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam trước 1/7 vẫn được phép lưu hành. (Ảnh minh họa: Internet)
Đây là một bước chuẩn bị cho lộ trình tắt sóng 2G dự kiến vào quý 1/2022, cũng như chủ trương "phủ sóng" smartphone trên toàn quốc. Đồng thời, là nền tảng để các nhà mạng xem xét phương án dừng công nghệ di động thế hệ cũ, góp phần thực hiện mục tiêu kép đã đề ra trong "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), lộ trình cho việc dừng công nghệ cũ được đặt ra từ năm 2018 và Bộ TT&TT đang thúc đẩy công nghệ mới 5G, vì vậy các doanh nghiệp viễn thông không thể duy trì cùng lúc 4 công nghệ (gồm 2G, 3G, 4G và 5G) trên cùng một mạng.
Khảo sát tại nhiều hệ thống bán lẻ điện thoại vẫn có hàng chục mẫu điện thoại không hỗ trợ 4G, chủ yếu có mức giá vài trăm ngàn đồng. Chia sẻ với truyền thông, đại diện nhiều cửa hàng điện thoại cho hay việc “xóa sổ” dòng điện thoại này không ảnh hưởng quá nhiều tới việc kinh doanh.
Việt Nam hiện có 87 triệu thuê bao sử dụng smartphone trên tổng số 65 - 70 triệu dân số có thể sử dụng điện thoại. Trong đó, số máy điện thoại chỉ dùng được 2G đã giảm từ hơn 30 triệu máy năm 2019 xuống còn khoảng 24 triệu máy. Theo lộ trình, đến quý I/2022, Việt Nam sẽ bắt đầu tắt sóng viễn thông 2G. Điều này đồng nghĩa với việc những người dân đang sử dụng điện thoại "cục gạch" (chỉ hỗ trợ 2G) sẽ bị ảnh hưởng.
Bộ TT&TT đã và đang triển khai rất nhiều biện pháp để hỗ trợ người dân trang bị smartphone, từ đó loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào mạng viễn thông 2G.
Tại phiên trả lời Quốc hội diễn ra ngày 9/11/2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định việc phủ sóng 3G, 4G, 5G là điều kiện tiên quyết để thực hiện mục tiêu này. Bộ TT&TT đang chỉ đạo là phải phủ sóng, để tất cả bà con ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa phải có sóng 3G, 4G, 5G để truy cập Internet.
Muốn loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào mạng viễn thông 2G, việc phổ cập điện thoại thông minh hỗ trợ truy cập Internet là điều kiện bắt buộc. Thời gian qua, Bộ TT&TT đã hợp tác với các nhà sản xuất cũng như các nhà mạng Việt Nam để hỗ trợ bán smartphone với giá 600.000 - 700.000 đồng cho toàn bộ người dân. Hiện tại, người dân có thể tiếp cận với một số dòng sản phẩm giá rẻ được tích hợp công nghệ 4G như BKAV C85 hay Vsmart Bee Lite.
VNPT cũng thử nghiệm cung cấp smartphone 4G thương hiệu VNPT Technology cho khách hàng đang sử dụng máy 2G tại 5 tỉnh, thành phố. Trong khi đó, MobiFone lựa chọn một số mẫu thiết bị smartphone có giá rẻ, giảm 10-15% giá tại kênh phân phối.
End of content
Không có tin nào tiếp theo