Từ sự cố kênh Thơ Nguyễn, hồi chuông báo động cha mẹ nên sát sao khi con dùng mạng xã hội
Tăng cường thu thuế với YouTuber / Top 10 Youtuber có thu nhập 'khủng' nhất năm 2020
Hiện cộng đồng mạng đang xôn xao về clip “xin vía học giỏi từ búp bê” của YouTuber Thơ Nguyễn. Với clip này, Thơ Nguyễn đang phải hứng chịu mưa gạch đá và làn sóng giận dữ đòi tẩy chay từ cộng đồng mạng, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Thậm chí các cơ quan chức năng đang vào cuộc để có chế tài xử lý những clip phản cảm, phi giáo dục này để không làm ảnh hưởng đến tâm hồn ngây thơ của các em nhỏ.
Rất nhiều phụ huynh đã bức xúc lên tiếng, kêu gọi tẩy chay kênh YouTube Thơ Nguyễn. Nhiều người cho rằng đây là một kênh nhảm nhí, xàm, với nhiều nội dung không lành mạnh với trẻ nhỏ thậm chí nội dung còn mang tính chất “xúi dại”, “nghịch ngu” …
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác từ thực tế cuộc sống, cuộc sống càng hiện đại, con người ta càng trở nên bận rộn hơn. Mặc dù biết rõ tác hại của việc để trẻ xem tivi hay điện thoại thông minh nhiều nhưng nhiều bố mẹ vẫn không chủ động kiểm soát được việc này.
Từ sự việc của Thơ Nguyễn, nên chăng đến lúc các phụ huynh cũng cần kiểm soát chặt khi con dùng mạng xã hội.
Thậm chí, có nhiều gia đình còn coi điện thoại, ti vi như “bảo mẫu trông trẻ” để mình được rảnh rang. Chỉ cần đưa cho con điện thoại, hay bật YouTube lên là con sẽ ngồi im, không quấy phá và nghe lời răm rắp. Như vậy bố mẹ có thể thoải mái để làm việc riêng như lướt Facebook, chơi game… mà không bị bọn nhỏ quấy rầy hay làm phiền.
Không chỉ kênh YouTube Thơ Nguyễn mà trên ứng dụng xem video trực tuyến YouTube hiện nay lại là nơi chứa rất nhiều “rác” và những nội dung hỗn tạp. Khi phòng trào làm YouTube rộ lên như một trào lưu thì nhiều kênh YouTube lập ra với mục đích chỉ là để kiếm tiền nên việc họ bất chấp tất cả để làm các trò nhảm nhí với mục đích tăng view (lượt xem) là điều khó tránh khỏi.
Việc cho trẻ em xem gì, nghe gì, xem bao lâu lại là trách nhiệm của bố mẹ. Từ đó, việc không kiểm soát được con sẽ xem gì, chơi gì dẫn đến việc trẻ tiếp xúc và xem các kênh YouTube không lành mạnh, không mang tính chất giáo dục, xàm, nhảm nhí một phần cũng do lỗi của phụ huynh đã không sao sát để ý đến các hoạt động của con mình.
Việc các phụ huynh hoặc là quá bận rộn, hoặc là quá “lười”, để cho con xem tivi, điện thoạt suốt ngày để con không quấy rầy, lâu dần trẻ sẽ trở nên nghiện xem YouTube, không cho xem là không ăn, hoặc không cho xem sẽ khóc lóc mè nheo, lâu dần trở thành thói quen không tốt với trẻ nhỏ. Và khi con đòi hỏi, khóc lóc bố mẹ lại phải “chiều” và để cho con xem điện thoại, tivi đã trở thành một cái vòng luẩn quẩn đang diễn ra ở rất nhiều gia đình.
Trẻ em như tờ giấy trắng, việc trẻ xem những kênh YouTube không lành mạnh, không được kiểm soát đã vô tình làm cho trẻ làm cho con trẻ trở nên thụ động hơn, hình thành nên những thói quen và cách ứng xử lệch lạc ở trẻ.
Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã từng đưa ra khuyến cáo: "Bố mẹ nên ưu tiên thời gian vui chơi sáng tạo, chơi ngoài trời cho trẻ".Trẻ ở độ tuổi 2-5 tuổi có thể được phép tiếp xúc với các thiết bị điện tử, nhưng không quá 1 giờ/ngày. Bố mẹ cũng cần giám sát và chọn lựa chương trình xem có ích cho trẻ. Không xem những chương trình vô nghĩa, bạo lực, kích thích trẻ.
Với trẻ trên 6 tuổi, bố mẹ phải có trách nhiệm đưa ra giới hạn xem ti vi và các thiết bị điện tử. Thời lượng xem phụ thuộc vào từng gia đình. Nhưng trẻ cần ưu tiên thời gian học và chơi ngoài trời hơn so với thời gian ngồi dán mắt vào các thiết bị này.
Từ sự việc của kênh YouTube Thơ Nguyễn, ở một khía cạnh khác, có thể xem như đây là một hồi chuông báo động cho các bậc phụ huynh nên quan tâm đến con mình hơn. Hãy tạo cho trẻ những thói quen lành mạnh bổ ích, thay vì việc tối ngày làm bạn với tivi, điện thoại… Hoặc ít nhất, bố mẹ cũng cần dành thời gian lưu tâm kiểm soát con và đưa ra những định hướng cũng như nguyên tắc cụ thể khi con tham gia vào môi trường số để con trẻ không bị những nội dung độc hại ảnh hưởng đến tư duy của trẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo