Chuyển giá - “hai mặt của đồng xu”
Hai khía cạnh của một vấn đề
Trên phương diện pháp lý, cần phải phân biệt giữa “chuyển giá hợp pháp” và “chuyển giá phi pháp”. Theo đó, việc DN tận dụng tối đa các quy định của pháp luật để dàn xếp một mức giá chuyển giao hàng hoá, dịch vụ sao cho không vi phạm quy định của các nước có liên quan thì hành vi đó không thể coi là phi pháp. Trường hợp này, kết quả dẫn đến là DN tiết kiệm được số tiền thuế một cách hợp pháp (né thuế, tránh thuế). Trái lại, các giao dịch hàng hoá, dịch vụ được dàn xếp mà vi phạm các điều luật về giá cả, điều kiện giao hàng, thực hiện dịch vụ hoặc yếu tố về chất lượng… sẽ được xếp vào diện “chuyển giá phi pháp”. Hệ quả tất yếu của hành vi này là bị truy thu thuế, xử phạt thuế được thực hiện sau các cuộc thanh tra, kiểm tra của nhà chức trách có thẩm quyền.
Về phạm vi và mức độ, cần phân định rõ giữa hành vi gian lận giá với hành vi chuyển giá: Đối với chuyển giá, cho dù là hợp pháp hay phi pháp, các giao dịch phải có sự xuất hiện, sự dàn xếp của 2 hoặc 3 bên có mối quan hệ liên kết. Ngược lại, gian lận về giá có phạm vi rộng hơn, nó bao hàm cả hành vi chuyển giá. Trong thực tế, với hành vi gian lận giá, có thể một DN tự nó thực hiện được hoặc thông đồng với đối tác mua/bán làm giả mạo giấy tờ, khai gian giá trị các giao dịch, hạch toán chi phí hình thành giá cả không đúng quy định. Khai giá nhập khẩu thấp hơn giá thực tế NK để trốn thuế nhập khẩu; thực tế bán hàng giá cao nhưng lập hoá đơn, hạch toán doanh thu theo mức giá thấp hơn để trốn thuế GTGT, thuế thu nhập DN (TNDN) được xem là các hành vi gian lận giá.
Mặc dù nhìn thấy được lợi ích của chuyển giá, các DN cũng nhận thức được cái giá mà họ sẽ phải trả khi bị phát hiện và bị xử phạt theo các chế tài áp dụng đối với hành vi phi pháp. Do vậy, các DN lớn, đặc biệt là các DN FDI thường tổ chức ra bộ phận nghiên cứu về chuyển giá hoặc đặt hàng với các Cty tư vấn để chọn ra những phương thức phù hợp, dàn xếp các giao dịch chuyển giá hợp pháp. Các luật sư của DN, các chuyên gia tư vấn về chuyển giá thường dành sự chú ý rất cao đối với các quy định của pháp luật về ưu đãi đầu tư, pháp luật về XNK, về thuế thu nhập DN… để tìm ra các “kẽ hở” hoặc các cơ hội mà họ có thể tận dụng được.
Nhận dạng để xử lý
Thông qua các hồ sơ, vụ việc về xử lý truy thu thuế trong thời gian qua có thể nhận biết được các trường hợp mang tính điển hình thuộc các dạng dưới đây:
Một là, DN FDI nhận “đẩy giá” thông qua giao dịch với Cty mẹ nước ngoài hoặc các Cty liên kết của Cty mẹ để nâng giá thiết bị, máy móc, vật tư đặc chủng; định giá rất cao các tài sản sở hữu trí tuệ dưới dạng tiền phí bản quyền, giấy phép sản xuất nhượng quyền, phí quản lý, phần mềm quản lý, nhãn hiệu thương mại,... đặc biệt là ở các DN 100% vốn nước ngoài. Thực hiện việc thu thuế nhà thầu đối với tiền bản quyền, phí quản lý theo quy định của Thông tư số 60/2012 của Bộ Tài chính thì số tiền thuế thu được không đáng kể gì so với việc DN có được từ chuyển giá. Nếu các cơ quan quản lý áp dụng biện pháp ấn định thì gặp cản trở bởi các quy định của pháp luật về đầu tư còn hiệu lực pháp luật hoặc bị khởi kiện tại các cơ quan tài phán quốc tế.
Hai là, DN FDI hạ thấp mức giá hàng hoá, dịch vụ đầu ra thông qua các hợp đồng xuất khẩu cho Cty mẹ hoặc các đối tác liên kết của Cty mẹ ở nước ngoài. Tương tự như trường hợp trên, kể cả bên Việt Nam trong liên doanh và các cơ quan quản lý nhà nước của chúng ta không có được thông tin về đối tác ký hợp đồng với DN có quan hệ liên kết hay không để có thể đặt kế hoạch hoặc đề xuất áp dụng các chế tài xác định giá thị trường theo quy định của pháp luật. Dựa trên mức giá bán sản phẩm tương đương tại thị trường trong nước, chúng ta mới thực hiện được việc ấn định giá theo các quy định của Luật Quản lý thuế, kết hợp với việc tận dụng quy định của địa phương về thu hồi đất đối với dự án kém hiệu quả… để đấu tranh giảm lỗ vài trăm tỷ đồng. Với những DN thực hiện dàn xếp bài bản về giá đối với cả đầu ra và đầu vào thì chắc chắn báo cáo quyết toán của DN sẽ luôn thể hiện số lỗ phát sinh liên tục cũng là điều bình thường.
Ba là, các tập đoàn đa quốc gia, các DN nước ngoài có các thương hiệu nổi tiếng thường chỉ lựa chọn phương thức gia công đối với các cơ sở sản xuất tại các nước đang phát triển, có trình độ quản lý thấp. Các hãng đặt hàng đã tận dụng ngay cơ chế khai hải quan và thống kê xuất nhập khẩu của chúng ta hiện nay để thực hiện việc vừa chuyển giá, hợp thức hoá đầu vào với cơ quan thuế của nước họ, vừa ép được giá gia công đối với các DN Việt.
Bốn là, thông qua các hợp đồng tài trợ vốn của dự án, thậm chí tinh vi hơn khi các khoản vốn vay của chủ đầu tư trong cơ cấu tài chính của dự án FDI đã được xây dựng ngay trong phương án trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam ghi ngay vào giấy phép đầu tư, không ít DN đã thực hiện việc “chuyển giá” qua lãi suất một cách hợp pháp.
Năm là, thông qua các hợp đồng độc quyền về nhập khẩu, phân phối hàng hoá hoặc qua các hợp đồng độc quyền bao tiêu sản phẩm ký với các DN nước ngoài, các DN của chúng ta đã tiếp tay các tập đoàn nước ngoài thực hiện được chiến lược kinh doanh tổng thể, tối đa hoá lợi nhuận do lấy được các nguồn lực của chúng ta. Nếu có điều kiện để kiểm tra, đối chứng và khảo sát các thị trường khác thì rất có thể xác định được những sản phẩm thuộc ngành dược, sản phẩm sữa trong thời gian qua đã được các bên đối tác thực hiện chuyển giá, gian lận giá như thế nào.
Sáu là, cơ chế “giá nội bộ” trong các giao dịch giữa các DN trong cùng một tập đoàn hoặc nhóm các Cty trong nước.
Bảy là, việc điều chỉnh cơ cấu trị giá hàng hoá nhập khẩu và dịch vụ đi kèm để giảm thiểu tổng số thuế phải nộp cả khâu nhập khẩu và kinh doanh nội địa. Thực hiện cam kết gia nhập WTO, hàng năm chúng ta điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu, giữ nguyên thuế nhà thầu; thực tế đang xảy ra thiên hướng giảm trị giá dịch vụ đi kèm hàng nhập khẩu trong khi xu hướng chung là tăng giá trị tài sản trí tuệ, do đó cũng không ngoại trừ việc chuyển giá mang tính chất cơ cấu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo