Thị trường

Chuyên gia bóc mẽ chiêu giả khó ép giá nông dân

Nói thị trường khó khăn các doanh nghiệp sẽ hạ giá thu mua gạo từ nông dân xuống, thu nhập của nông dân sẽ bị ảnh hưởng.

Trước thông tin Thái Lan bán tháo hàng chục triệu tấn gạo theo hình thức đấu giá, Campuchia cho biết sẽ thâm nhập thị trường Mỹ, Hàn Quốc, ông Nguyễn Đình Bích - chuyên gia lúa gạo (Viện Nghiên cứu Thương mại) cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang gặp khó tuy nhiên trước mọi thông tin phải bình tĩnh xem xét thấu đáo để không làm ảnh hưởng đến nông dân.

Nông dân sẽ thiệt?
 
Sau khi Thái Lan công bố sẽ xả kho tạm trữ lúa gạo ít ngày, trả lời trên Bloomberg, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và châu Phi sẽ giảm trong năm nay do sự cạnh tranh từ Thái Lan cũng như Ấn Độ và Pakistan đều tăng trong lúc thị trường gạo toàn cầu đang rơi vào tình trạng dư cung.
 
Ông Phong cũng lo lắng rằng, chắc chắn Trung Quốc sẽ yêu cầu phải giảm giá do áp lực từ việc bán gạo của Thái Lan. Trong khi Trung Quốc vẫn được coi là thị trường chính yếu của Việt Nam trong năm 2014 bởi trong năm 2013 Trung Quốc đã mua 3,6 triệu tấn, chiếm hơn 40% tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam.
 
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Bích cũng cho rằng, xuất khẩu gạo Việt Nam đang rất khó khăn vì lâu nay Việt Nam xuất khẩu gạo phụ thuộc vào các thị trường truyền thống ở châu Á trong khi khả năng xuất khẩu năm nay sang những thị trường này tiếp tục khó, các cơ quan quản lý đã phải tăng cường xuất khẩu sang các nước châu Phi.
 
Xuất khẩu gạo Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn
 
Về việc Thái Lan sẽ xả kho gạo tạm trữ, ông Nguyễn Đình Bích cho biết, trước sau người Thái cũng phải xả kho dự trữ nhưng ông lưu ý rằng, họ bán thế nào mới là vấn đề và nói thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam ảnh hưởng bởi việc Thái Lan xả kho tạm trữ ở thời điểm này là làm hại nông dân, ảnh hưởng đến giá lúa vì lúa đã trồng rồi, sắp thu hoạch rồi.
 
"Nói thị trường khó khăn đương nhiên các doanh nghiệp sẽ hạ giá thu mua gạo từ nông dân xuống, thu nhập của nông dân sẽ bị ảnh hưởng nên phải bình tĩnh nhìn nhận xem nó khó đến mức nào, liệu người Thái sẽ giảm giá bán đến bao nhiêu", ông Bích nói.
 
Ông Nguyễn Đình Bích cũng cho biết thêm rằng, phải kiểm chứng thông tin nói Thái Lan bán gạo giá dưới 400 USD/tấn vì đây là giá xuất kho, còn chi phí bốc lên phương tiện, vận chuyển ra cảng, bốc hàng lên cảng cộng lợi nhuận của nhà xuất khẩu Thái Lan, cũng không ngoại trừ khả năng đây là gạo cũ tồn kho lâu ngày, chắc chắn còn chi phí chế biến lại, lau bóng lại nên giá sẽ còn lên cao hơn.
 
"Nếu không bình tĩnh và nhìn nhận một cách thấu đáo, chỉ thiệt cho bà con nông dân mình", ông Bích nhấn mạnh lại lần nữa.
 
Tạm trữ không hỗ trợ trực tiếp nông dân
 
Thực tế, lý do xuất khẩu gạo gặp khó vì Thái Lan khiến giá lúa rớt thê thảm đã xảy ra nhiều lần trước đó, và đây cũng là cớ để Hiệp hội Lương thực nhiều lần đề xuất cho thực hiện chương trình thu mua tạm trữ.
 
Cuối tháng 8/2013, sau động thái xả kho của Thái Lan, nông dân đồng bằng sông Cửu Long đã mất 500.000 đồng/tấn lúa, VFA đã xin tạm trữ 300.000 tấn được coi là "ổn định thị trường lúa gạo nội địa cũng như giải quyết khó khăn trước mắt của doanh nghiệp".
 
Nhưng việc VFA có đề xuất tạm trữ 300.000 tấn hay thậm chí 3 triệu tấn cũng không phải là điều quan trọng, bởi chính sách thu mua tạm trữ không có tác động lớn đến giá lúa nông dân bán ra.
 
Đợt hè thu trước đó, sau khi mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo các doanh nghiệp vẫn ế 700.000-800.000 tấn và giá lúa chỉ tăng 100-200 đồng/kg.
 
Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp cho thấy, các ngân hàng đã giải ngân cho vay 7.612 tỷ đồng với lãi suất cho vay 10-10,5%/tháng. Với việc Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho các DN tham gia thu mua tạm trữ trong thời gian 3 tháng, có nghĩa là Nhà nước phải chi ít nhất trên 200 tỷ đồng để phục vụ đợt tạm trữ 1 triệu tấn.
 
Thực tế giá lúa chỉ tăng 100-200 đồng/kg, có nghĩa là phần hỗ trợ lãi suất trên của Nhà nước chỉ đủ, thậm chí hụt để bù đắp cho phần giá trị lúa gạo tăng thêm, chứ không kích thích được giá lúa gạo tăng lên.
 
Chính Bộ Nông nghiệp thẳng thắn chỉ ra: Phần chênh lệch này không phải hoàn toàn là người sản xuất lúa được hưởng.
 
Nguyễn Trọng Thừa - Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn phải thừa nhận tác động của đợt thu mua tạm trữ vừa qua không đạt như mong muốn của Chính phủ.
 
Trước thực tế này, ông Trương Thanh Phong đã nói: “Giải pháp tạm trữ chỉ là hỗ trợ gián tiếp cho người nông dân, chứ không phải hỗ trợ trực tiếp cho dân. Tôi nói vậy để các anh em báo, đài... thông cảm”.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo