Tin tức - Sự kiện

Chuyên gia nói về báo cáo của Thủ tướng

Kinh tế 2013 đã có những chuyển biến theo hướng tích cực.. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn lớn, nhất là vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế.

Kinh tế còn nhiều nỗi lo

Báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII sáng 21/10/2013, về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong 15 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua, Chính phủ thực hiện ước đạt và vượt kế hoạch 11 chỉ tiêu, hai chỉ tiêu xấp xỉ đạt và hai chỉ tiêu không đạt.
 
Trong đó, hai chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP (đạt 29% so với kế hoạch 30%) và tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước/GDP (5,3% so với kế hoạch 4,8%). Hai chỉ tiêu xấp xỉ đạt là tăng trưởng GDP (đạt 5,4% so với kế hoạch 5,5%) và tạo việc làm (tạo được 1,54 triệu việc làm so với kế hoạch 1,6 triệu).
 
Thủ tướng khẳng định kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chính phủ đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn 6,81% năm 2012, 9 tháng năm nay là 4,63%, dự báo cả năm 7% (so với kế hoạch khoảng 8%).
 
 
Tuy nhiên, nợ xấu còn cao, hiện chiếm 4,64% trong tổng dư nợ tín dụng. Số DN tạm ngừng hoạt động 9 tháng tăng 12,8% so với cùng kỳ. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, bội chi cao hơn kế hoạch; hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Bên cạnh đó, cải cách thể chế chưa đồng bộ, chưa có cơ chế chính sách đột phá thúc đẩy phát triển...
 
Nhận xét về báo cáo của Chính phủ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Cao Sỹ Kiêm cho rằng, báo cáo đã phản ánh được thực trạng kinh tế từ đầu năm 2013 đến nay. Kinh tế có chuyển biến theo hướng tích cực, tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn lớn, nhất là các vấn đề về tái cơ cấu nền kinh tế.
 
Theo ông Kiêm, trong các chỉ tiêu đặt ra thì đầu tư, tăng trưởng và việc làm là 3 chỉ tiêu quan trọng đều chưa đạt. Điều này không chỉ tác động xấu tới tình hình kinh tế năm 2013 mà còn kéo sang 2014, gây khó khăn cho cả năm tới. DN thì đang trong tình trạng suy kiệt, không thoát ra được, sản xuất co hẹp, nợ xấu cao chưa nhìn thấy hướng ra rõ ràng. Đây là những vấn đề cần được xem xét đánh giá nghiêm túc và phải nhanh chóng khắc phục.
 
Gỡ rào cản để chinh sách vào thực tế
 
Đánh giá về kinh tế từ đầu năm 2013 đến nay, chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, cựu giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Thuỵ Sỹ, cho rằng, lạm phát thấp không phải do thành công từ điều hành của Chính phủ mà do kinh tế suy thoái, cầu thấp, cung tự giảm và nhiều lúc thấp đến mức đáng lo ngại, phải tạo ra tăng giá một số mặt hàng, dịch vụ để đẩy CPI lên.
 
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay đã có trên 40.000 DN bị thua lỗ, phá sản, ngừng hoạt động. Theo tính toán, bình quân một DN ngừng hoạt động sẽ làm mất đi 15 việc làm, thì với số DN đã ra đi đã có hơn nửa triệu việc làm không còn, đó là chưa kể hàng năm có hơn 1 triệu người gia nhập thị trường lao động. Lực lượng lao động thất nghiệp cao, thu nhập giảm đã làm nguồn cầu hạ thấp, khiến cho các DN lại khó khăn hơn.
 
Vế tái cơ cấu nền kinh tế, theo ông Kim, diễn ra quá chậm. Đề án tái cơ cấu nền kinh tế thì quá dàn trải cho tất cả các ngành và tất cả các địa phương, không thấy đâu là mũi nhọn. Có thể nói Đề án tái cơ cấu nền kinh tế đã không nắm bắt được hướng đi dựa trên những lợi thế và tạo ra sự khác biệt của riêng Việt Nam. Với đề án như hiện nay thì thực hiện sẽ ít đem lại hiệu quả, bởi tất cả vẫn dựa trên ý chí và mong muốn chủ quan hơn là trên cơ sở thực tiễn.
 
Nền kinh tế Việt Nam đang trong vòng xoáy: cầu thấp do thất nghiệp tăng và thất nghiệp tăng dẫn đến cầu thấp. Vẫn chưa nhìn thấy kinh tế Việt Nam sẽ thoát "đáy" hay thoát khỏi vòng xoáy bằng cách nào, ông Kim nhận xét.
 
Theo các chuyên gia, thì toàn bộ nền kinh tế đang ở trạng thái suy kiệt, khi cả đầu tư và tiêu dùng cá nhân tiếp tục bị thu hẹp. Trên thị trường các điểm nghẽn như nợ xấu, hàng tồn kho chưa được khai thông, khu vực bất động sản đông cứng và suy giảm, môi trường kinh doanh suy yếu buộc hàng vạn DN rời bỏ thị trường.
 
Thu nhập của hầu hết người lao động đang bị giảm mạnh. Từ 1/7, chỉ những người lao động làm việc trong khu vực Nhà nước được tăng lương cơ bản thêm 100.000 đồng/tháng còn lại hầu hết người lao động tại các DN, khu vực tư nhân đang bị giảm lương, nợ lương, mất việc làm. Trong khi đó điện, xăng, nước, gas, sữa cùng các dịch vụ như y tế, giáo dục... là những mặt hàng và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu với mỗi gia đình, nhóm hàng này, nhiều khi chiếm phân nửa số tiền chi tiêu hàng tháng nên hễ tăng giá lại tạo ra lo âu bao trùm lên cuộc sống, nhất là những người lao động thu nhập thấp.
 
Suy yếu, tụt hậu, khoảng cách ngày càng xa so với các nước... là những nhận định được các kinh tế gia nhấn mạnh. Trong khi phần lớn các nước trong khu vực đã lấy lại đà tăng trưởng sau khủng hoảng thì tại Việt Nam, sự phục hồi còn chậm. Xét về mặt tuyệt đối, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực đang ngày một cách xa. Dư địa chính sách cho mô hình tăng trưởng hiện tại không còn nhiều.
 
Những cảnh báo về một nền kinh tế chứa ẩn nhiều rủi ro và một triển vọng tăng trưởng không mấy tươi sáng đang có nguy cơ trở thành hiện thực - các chuyên gia kinh tế lo ngại.
 
Các giải pháp chính sách đã được đề ra nhưng nếu môi trường truyền dẫn chính sách kém hiệu quả sẽ làm biến dạng mục tiêu mong muốn và trở thành nhân tố cản trở sự hồi phục.
Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo