Chuyện không chỉ của... Đồi Ngô
Các phương tiện truyền thông mấy ngày gần đây liên tục đưa tin, bình luận về sai phạm thi cử ở Hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang), thông qua một clip được tung lên mạng phản ảnh những vi phạm qui chế thi của thí sinh.
"Tiêu cực nhỏ" chống lại... "tiêu cực lớn"
Khi được hỏi về sai phạm này, các quan chức phụ trách mảng giáo dục của Quốc hội, Chính phủ đều coi đây là vụ việc nghiêm trọng vi phạm qui chế và phải xử lý nghiêm minh.
Việc thí sinh quay clip cũng được đề cập và cho rằng "không thể lấy tiêu cực chống tiêu cực" (Ý nói là mang dụng cụ quay phim chụp ảnh vào là vi phạm qui chế). Nhưng đó là "tiêu cực nhỏ" chống lại... "tiêu cực lớn".
Hành động vi phạm qui chế thi của giám thị coi thi, thí sinh ở Đồi Ngô đã rõ. Địa phương để xẩy ra vụ việc đáng tiếc trên đã nhanh chóng nhận khuyết điểm và hứa sẽ điều tra xác minh, xử lý nghiêm túc. Không chỉ ngành giáo dục buồn mà cả những người đứng đầu địa phương cũng buồn.
Vâng, để những chuyện như vậy xẩy ra ở địa phương mình quản lý điều đó ai mà chả buồn. Nhưng người viết bài này cho rằng tình trạng trên đâu chỉ có mỗi một Bắc Giang, một Đồi Ngô. Đồi Ngô đâu chỉ có là chuyện... riêng biệt.
Có quan chức "kêu" giật mình, nhưng nhiều người quan tâm đến giáo dục nước nhà khi nghe thông tin về Đồi Ngô đều chả...giật mình. "Hiện tượng" Đồi Ngô nếu không nói là phổ biến thì cũng xẩy ra ở nhiều nơi.
Còn nhớ mấy năm trước, "hiện tượng" gian lận thi cử ở Trường THPT Vân Tảo (Hà Tây cũ) đã làm nóng dư luận. Khen chê đều có cả. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa bị lãnh đạo sở tại coi như một "tội đồ", dám phanh phui tiêu cục (hay sự thật) của trường và rộng hơn là của ngành giáo dục .
Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo lúc đó đã đến thăm động viên, nhưng số phận người dám chống 'tiêu cực' thì lận đận cho đến tận bây giờ. Sau sự kiện đó, phong trào "Hai không" được phát động rầm rộ. Tỷ lệ đỗ của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm đó- 2007, tự nhiên tụt hẳn. Dư luận xã hội cho là đúng chất lượng, nhưng ngành giáo dục thì buồn...
Nhưng chỉ ngay kỳ thi năm sau, giáo dục các tỉnh như có cuộc "lội dòng" ngoạn mục, với tỉ lệ tốt nghiệp cao ngất. Các tỉnh thành đều đạt tỉ lệ tốt nghiệp đến 80-90%. Thậm chí có địa phương tỉ lệ này còn cao hơn.
Thông tin từ Sở Giáo dục- Đào tạo các tỉnh thành Tiền Giang, Cà Mau, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ... cho biết, tỉ lệ tốt nghiệp của các tỉnh thành này đều đạt từ 90% trở lên. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh Quảng Nam là 97,8%, tăng hơn 3% so với năm 2010. Lần đầu tiên Quảng Nam có đến 16 trường THPT (trong tổng số 44 trường) đỗ tốt nghiệp 100%.
Ngay tỉnh Bắc Giang lúc đó, tỉ lệ tốt nghiệp cũng cao ngất. Ông Ngô Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo Bắc Giang - nơi có đến 11/16 trung tâm giáo dục thường xuyên đỗ tốt nghiệp 100%, giải thích: "Do có biện pháp phân loại học sinh yếu kém, tổ chức ôn tập tốt. Học sinh hệ giáo dục thường xuyên lại được cộng điểm khuyến khích 3-4 điểm nên tỉ lệ đỗ cao"...
Tỉ lệ đỗ cao nhưng thực chất, chất lượng ra sao thì "ai cũng hiểu chỉ có ngành GD cố tình... không hiểu". Ngay giữa Thủ đô, cứ đến kỳ thi, các máy photocopy ở các cửa hàng phải chạy hết công suất. Báo chí đã có quá nhiều những bài phóng sự về vấn nạn này. Mà chẳng nói đâu xa, ngay sau buổi thi, nhiều sân trường, "phao" rải trắng sân trường.
Một chuyện khi mới nghe cứ tưởng như chuyện bịa, đó là học sinh phải "nộp tiền chống trượt". Điều này chắc nhiều người, nhất là các ông bố bà mẹ có con thi không ngạc nhiên, nhưng những người quản lý giáo dục không biết có ngạc nhiên không?
Lần đầu nghe cụm từ này cách đây dăm bẩy năm, người viết chẳng biết đó là tiền gì. Hỏi ra thì mới biết đó là khoản tiền nộp để chống trượt đúng nguyên nghĩa của từ.
Học sinh thì có thể chống được trượt, nhưng cũng có nghĩa, họ đã "trượt" những bước đầu tiên của cách sống gian lận với đời. Còn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết thì cho rằng: Cuộc vận động "Hai không" đã không thành công!
Một giáo viên dạy ở miền núi, nhân chuyện Đồi Ngô đã trải lòng về việc dạy và học: Nếu giáo viên chấm bài thẳng thừng, thì phải có đến khoảng 90% thí sinh phải thi lại hoặc đúp lớp.
Mà thẳng thừng thì lại liên quan đến thành tích của nhiều ...sếp. Rồi không được khen thưởng, không được thăng chức, không được giữ chức, không được nâng lương trước thời hạn. Nên nếu giáo viên nào không nghe, không làm đúng theo ý của sếp thì bị rất nhiều thứ. Nên giáo viên cũng thế, cứ ...trượt theo ý sếp. Vì lúc nào sếp cũng đúng!
Nói "hiện tượng" Đồi Ngô nhưng đó là thực trạng chung. Bệnh dối trá, gian lận vẫn là căn bệnh trầm kha của nền giáo dục, chi phối đến mọi mặt. Chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật này nếu muốn chất lượng giáo dục của nước nhà phát triển. Để từ đó phải có biện pháp giải quyết nó chứ không nên né tránh hay dấu giếm.
Đã có nhiều cuộc đổi mới hay cải cách giáo dục rất tốn kém nhưng hiệu quả giáo dục thì cả xã hội bây giờ... gánh chịu. Và nếu giáo dục cứ tiếp diễn thực trạng này, thì những năm tiếp theo vẫn còn nhiều những Đồi Ngô. |
Đồi Ngô hay Vân Tảo không thể là "hiện tượng" cá biệt, chỉ có điều... "thưa các đồng chí chưa bị lộ" vì chưa có người lên tiếng đấy thôi. Và chắc chắn, khó có ai đủ dũng cảm lên tiếng, như Đỗ Việt Khoa, hay như thầy trò của Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) mới đây.
Cứ nhìn vào "điểm sàn" các kỳ thi tuyển sinh đại học, sẽ rõ về chất lượng. Tỉ lệ thí sinh đủ "điểm sàn" để từ đó, các trường lấy làm căn cứ xét tuyển theo tiêu chí riêng của trường mình hàng năm thường thấp. Nhiều trường không đủ số lượng thí sinh đạt "điểm sàn" để tuyển vào, nhất là các trường đại học dân lập.
Mấy năm vừa qua khối C luôn trong tình trạng báo động. Báo động không chỉ do số thí sinh xin dự tuyển mà còn là chất lượng của nó. Nhiều thí sinh thi vào khối này điểm rất thấp, thậm chí điểm môn Lịch sử là zero (điểm 0) phổ biến đến nỗi, nhiều vị giáo sư chuyên ngành lên tiếng cho là thảm họa. Thế nhưng thật lạ, trả lời về vấn đề này, người có trách nhiệm trong ngành giáo dục cho là... bình thường.
Vậy căn nguyên do đâu? Có nhiều ý kiến lý giải về vấn đề này, tuy nhiên có điều dễ nhận thấy yếu kém khuyết điểm là do chính những người làm công tác giáo dục tạo nên.
Mấy năm gần đây, chúng ta bàn nhiều đến triết lý giáo dục, giảm tải, chương trình sách giáo khoa, đến bỏ thi các cấp... Cái gốc cơ bản nhất, nền tảng nhất của giáo dục đến nay vẫn còn loay hoay thì sao nói đến chất lượng?
Nếu chúng ta coi tốt nghiệp THPT là phổ cập thì xử sự với nó sẽ khác, không thể tổ chức một kỳ thi tốn kém nhiều tiền của của nhân dân. Nói như GS. TS Hoàng Xuân Sính đây là kỳ thi "giả vờ".
Mấy thập kỷ trước, tuy xã hội còn nhiều khó khăn, hạn chế, điều kiện cơ sở vật chất, giáo trình... rõ ràng không thể so sánh với bây giờ, nhưng giáo dục lại có những thế hệ học sinh, sinh viên khai mở tư duy sáng tạo. Bây giờ, điều kiện dạy và học thuận lợi hơn rất nhiều, thì học sịnh lại học một cách thụ động, giáo viên dạy theo kiểu nhồi nhét, giết chết tư duy sáng tạo.
Đã có nhiều cuộc đổi mới hay cải cách giáo dục rất tốn kém nhưng hiệu quả giáo dục thì cả xã hội bây giờ... gánh chịu. Và nếu giáo dục cứ tiếp diễn thực trạng này, thì những năm tiếp theo vẫn còn nhiều những Đồi Ngô.
Vâng. Đồi Ngô là nỗi buồn của giáo dục, nhưng là lời cảnh báo cho xã hội về chất lượng thi cử, chất lượng giáo dục. Đừng quá gay gắt với những "sai phạm" của thí sinh đã quay clip vừa qua, mà nên coi đó là tiếng chuông cảnh tỉnh. Vì Đồi Ngô chỉ là "mắt xích" của guồng máy giáo dục mà thôi.
Theo Tuần VN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: Cảnh tượng ngỡ ngàng, tinh tinh hút thuốc lá "sành điệu" như con người
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Thái Thượng Lão Quân ai mạnh hơn? Sau khi Tôn Ngộ Không thành Phật, Như Lai vô tình tiết lộ
CLIP: Báo đốm châu Mỹ hạ gục cá sấu khổng lồ, tạo nên bữa tiệc săn mồi đỉnh cao
'Sốc trước mức lương của ‘Ngũ hổ tướng’ nhà Thục Hán, thảm hại nhất là Mã Siêu
CLIP: Những cuộc chiến sinh tồn “khốc liệt” trong thế giới động vật
Tái tạo người phụ nữ từ mộ "ma cà rồng": Bí mật đau lòng