Chuyện ly kỳ ở ngôi làng 10 năm bị… “ma ám”
Nhắc lại chuyện cũ, thôn phó Lưu Văn Lần vẫn kể rành rẽ chuyện nhà này, nhà kia trong xóm ngày trước bị chết con chó, con lợn như thế nào.
Thuở ấy, làng ông buồn như đưa đám, vì nhà nông, con vật nuôi vừa là tăng gia kinh tế, vừa là cái “đầu cơ nghiệp”.
Thế mà, chẳng rõ vì lý do gì mà chúng cứ theo nhau lăn quay ra chết, trong đúng nội vi vài chục hộ nuôi của xóm Đầu, chứ “bước chân” sang xóm bên cạnh, chỉ cách nhau mỗi con mương, làng khác vẫn nuôi chó mèo trâu bò… ầm ầm…
Bây giờ, xóm Đầu đã xóa sổ cái tên “làng ma ám” gần chục năm về trước. Những con vật bốn chân đã ở lại với người làng, nhiều nhà còn mở rộng mô hình trang trại nuôi lợn, nuôi trâu bò… để làm giàu.
Bà con xóm Đầu mừng lắm, mừng đến nỗi, ngày trước chỉ ao ước trong chuồng có tiếng con lợn ủn ỉn, con trâu, con bò luỵch uỵch gại sừng vào gióng chuồng đập muỗi…, nhiều người còn lo lắng vì có hộ mở rộng chăn nuôi lợn trang trại nhưng chưa chú ý đến cái “đầu ra”, khiến cả cái ao cung của mấy hộ trong xóm bắt đầu ô nhiễm vì phân thải…
Khi chuyện cũ đã rời xa, giờ chỉ là “kỷ niệm” trong hồi ức của ông phó thôn tận tâm, vui tính Lưu Văn Lần, ông Lần nói thẳng: “Anh muốn đến nhà nào kiểm nghiệm cũng được, vì trước kia, nhà nào cũng có vật nuôi bốn chân lăn đùng ngã ngửa ra chết, và giờ thì nhà nào cũng nuôi được trở lại.”.
Rồi, đích thân ông Lần dẫn tôi sang từng nhà, sang cả con mương giáp ranh hai thôn, cả ngôi Miếu thờ trong xóm bị “phá lên phá xuống” mấy lần vì cứ người nọ đồn người kia rằng nó là nguyên nhân khiến trâu bò, gia súc của cả làng lăn cổ ra chết…
Ngay như thời điểm ấy, cánh phóng viên, nhà báo tìm về xóm Đầu hỏi chuyện viết bài, ông Lần cũng phải “dè chừng” vì lỡ đâu là “thế lực xấu” đến “dò xét”, “âm mưu” gì… Giờ, ông vui như Tết!
Chuyện về những “cái chết bốn chân” ở xóm Đầu thời kỳ đó, quả thật là những chuyện vừa ly kỳ, vừa khó giải thích, vừa đẫm màu liêu trai, nhưng cũng đầy xót xa của những người “tai bay vạ gió” mất đi cả “đống tiền của”.
Ông Lần vừa rít thuốc lào, vừa thủng thẳng kể: “Vận hạn đổ xuống xóm Đầu từ quãng những năm 1996 – 97, rồi ròng rã kéo dài chục năm sau, đến quãng năm 2006 thì bỗng dưng hết. Thời gian đầu, nhà ai cũng ngẩn ngơ buồn như có tang, sau rồi quen dần, cứ có con “đại gia súc” nào chết đột tử, cả xóm lại có cơ hội “đánh chén” tập thể. Khóc không được, người ta cười chảy nước mắt vì xót của và bất lực!
Mở đầu là hai con lợn của anh Bùi Văn Thanh: vẫn như mọi hôm, sau khi thằng bé con anh cho ăn bữa tối, chúng ụt ịt bới rác trong chuồng. Bỗng nhiên, cả hai con đều kêu la hoảng loạn như bị chọc tiết, rồi “phi thân” qua cái gióng chuồng đã cài chốt, đến đúng giữa sân gạch thì… giãy đành đạch. Sự việc diễn ra nhanh quá, đến nỗi, anh Thanh đứng ngẩn ra đến đờ đẫn cả người.
Điều lạ lùng cả hai con lợn sắp xuất chuồng của anh đều hoàn toàn khoẻ mạnh, không có dấu hiệu bỏ ăn, cả xóm, cả xã lúc ấy không có mầm dịch bệnh nào cả. Lo sợ, hai con lợn được đào hố rắc vôi bột…chôn, cả một đống tiền cùng bao dự định của gia đình anh Thanh đã đi tong trong khoảnh khắc.
Mấy ngày hôm sau, con lợn nái chỉ còn một tuần là đẻ của gia đình anh Vượng cũng có hiện tượng tương tự, nó rống eng éc rồi “bay” qua gióng chuồng. Bà Hoa (vợ phó thôn Lưu Văn Lần) lúc ấy chứng kiến sự việc kể: “Bình thường, nếu cửa chuồng có mở, con lợn cũng không thể nào lê qua được, vì cái bụng của nó sắp đến cữ sinh, sệ sát đất. Thế mà, nó “bay” qua gióng chuồng cứ nhẹ như tên. Khiếp thật!”.
Một thời gian sau, tình trạng tương tự lại xảy ra tại các gia đình khác. Không chỉ có lợn, mà trâu, bò và chó cũng chung số phận. Gia súc chết hàng loạt thật sự “bùng nổ” vào giai đoạn 1999 – 2000, cả xóm có 34 con trâu, bò bị chết. Lợn lên tới hàng trăm con, chó cũng “dở chứng” tru tréo rồi lao đầu xuống ao “tự vẫn”.
Có những hộ “sạt nghiệp” vì tổn thất quá lớn. Hộ ông Khiêm phải mang xe cải tiến để chở xác… 16 con lợn đem cho từng nhà trong xóm. Hộ anh Vượng vừa bán, vừa cho, không thì bà con rủ nhau “đi ăn chịu” thịt chó, lợn, trâu, bò rồi “đợi” đến khi nhà mình có gia súc chết, lại mang ra “trừ nợ”.
Ban đầu, người dân còn giật gấu vá vai, chạy vạy lấy ít vốn để mua giống về tái nuôi. Nhưng, cứ đến ngày xuất chuồng thì chúng lại lăn đùng, ngã ngửa… Cực chẳng đã, bà con chẳng ai bảo ai đều bỏ vườn không, chuồng trống. Thà rằng thất nghiệp, buồn chân buồn tay vì không có việc để làm còn hơn biết trước việc đầu tư thất bát mà vẫn lao vào.
Nhắc tới chuyện cả xóm Đầu bị vướng vào vận hạn, anh Lần băn khoăn lắm, vì triển vọng khắc phục để bà con trở lại chăn nuôi như cũ không mấy sáng sủa, và chẳng biết bao giờ mới có “tay nuôi” trở lại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo