Chuyển từ kiềm chế sang kiểm soát lạm phát
Với lạm phát tiếp tục được kiềm chế ở mức thấp, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, Việt Nam đã có thể chuyển hướng điều hành từ “kiềm chế” sang “kiểm soát” lạm phát, chủ động kiểm soát, chứ không phải là “chạy theo” để giảm tốc độ tăng giá.
Trên thực tế, điều này đã được nhắc tới trong Nghị quyết Phát triển kinh tế - xã hội 2014 mà Quốc hội thông qua cách đây ít ngày.
Theo đó, mục tiêu tổng quát điều hành kinh tế - xã hội năm tới là “tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh trạnh của nền kinh tế…”. Một sự chuyển hướng chính sách được cho là hợp lý trong bối cảnh hiện nay, khi lạm phát năm thứ hai liên tiếp được kiềm chế ở mức thấp.
Với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 chỉ tăng 0,34% so với tháng trước, lạm phát của Việt Nam sau 11 tháng đang dừng ở mức 5,5%, khả năng kiềm chế lạm phát năm nay ở quanh ngưỡng 7% là chắc chắn. Thậm chí, còn có thể thấp hơn con số 6,81% của năm ngoái, nếu không có những điều chỉnh mạnh về giá các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong tháng 12/2013.
Không thể phủ nhận, đó là kết quả của những nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Sau một thời gian dài chạy theo lạm phát, với quy luật “hai năm cao, một năm thấp”, Việt Nam đã có được sự ổn định nhất định về giá cả. Kinh tế vĩ mô cũng đã cơ bản được ổn định, với nhập siêu ở mức thấp, thậm chí còn xuất siêu. Cán cân thanh toán tổng thể cũng đã thặng dư.
Mặc dù vậy, cũng phải thừa nhận, việc lạm phát được kiềm chế tốt trong hai năm gần đây còn xuất phát từ chuyện sức mua thị trường trong nước yếu, giá thị trường thế giới ít biến động. Xuất siêu, hay nhập siêu thấp là do nhập khẩu giảm, hệ lụy tất yếu của việc sản xuất trong nước trì trệ.
Điều đó cũng có nghĩa là, nguy cơ lạm phát vẫn rình rập. Mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 7% trong năm tới có thể bị đe dọa, nếu như các biện pháp điều hành không tiếp tục được thực hiện một cách quyết liệt và hiệu quả.
Chuyển từ kiềm chế sang kiểm soát là một bước đi quan trọng, chứng tỏ Việt Nam đã chủ động hơn trong “cuộc chiến” với lạm phát. Kiểm soát là cần thiết khi mà Việt Nam đang muốn có được một mức tăng trưởng cao hơn.
Và để thực hiện mục tiêu này, chính sách tài chính, tiền tệ có thể sẽ được nới lỏng hơn, vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản cũng được tung ra mạnh hơn… Nếu không kiểm soát tốt dòng tiền này, đưa vào đúng nơi, đúng chỗ, đầu tư một cách hiệu quả, thì lạm phát cao có thể quay trở lại. Cùng với đó, nỗ lực tái cơ cấu kinh tế cần tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện.
Không thể để thành quả mà Việt Nam đạt được trong những năm qua trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô bị ảnh hưởng.
Báo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Cột tin quảng cáo