Chuyện về người sáng lập Daewoo
Hào quang rực rỡ, khi trong vòng 30 năm, ông đã xây dựng Daewoo trở thành tập đoàn công nghiệp lớn thứ hai tại Hàn Quốc. Cuối những năm 1990, giá trị xuất khẩu của tập đoàn Daewoo đạt đến mức 17,6 tỉ USD/năm, chiếm 13,3% tổng thu nhập về xuất khẩu của quốc gia này.
Khi hùng mạnh nhất, Daewoo có 320 ngàn công nhân, nhân viên làm việc tại 110 quốc gia và đã sản xuất ra: tàu biển, quần áo, tivi, ôtô, đàn piano, xây cao ốc, các thiết bị hàng không vũ trụ... và nhiều mặt hàng khác.
Và bóng tối, khi sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Daewoo bị phá sản với khoản nợ trên 75 tỉ USD. Ông Kim Woo Choong bị cáo buộc gây ra sự sụp đổ này, vì đã thổi phồng tài sản của công ty lên 41 tỉ USD để vay những khoản vốn rất lớn, nhằm khuếch trương việc sản xuất ôtô của Daewoo.
Năm 2006, tòa án Hàn Quốc tuyên án Kim Woo Choong 8 năm rưỡi tù giam, và ông được ân xá sau khi ở tù được 1 năm.
Tôi đã nghe nói nhiều đến cuốn sách “Thế giới quả là rộng lớn và có nhiều việc phải làm” của ông. Cuốn sách đã trở thành “best-seller triệu bản” đầu tiên của ngành xuất bản sách Hàn Quốc, với con số bán ra kỉ lục 1,67 triệu cuốn vào những năm 1989-1990; được tái bản 62 lần liên tiếp và được dịch ra 17 thứ tiếng trên toàn thế giới.
Tôi cũng đã đọc ngấu nghiến nó trong một buổi tối. Đọc cuốn sách này như một sự soi rọi và xác tín về những gì mình đã trải qua và những giá trị sống mình cho là đúng.
Đọc sách và dẫu không còn trẻ, nhưng vẫn thấy máu mình nóng ran, muốn làm việc, cống hiến để khẳng định bản thân và chinh phục thế giới.
Tôi bước vào phòng hội thảo và nhìn thấy ông, một ông lão người Hàn Quốc 79 tuổi, nho nhã, nhẹ nhàng, nói tiếng Anh dễ nghe. Ông còn khá khoẻ mạnh, nói năng từ tốn.
Và tại buổi ăn trưa, ông vẫn ăn ngon lành khẩu phần tương tự tôi. Nhiều năm nay, ông sống chủ yếu ở Việt Nam và coi đây là quê hương thứ hai của mình.
Ông đã viết trong lời giới thiệu cuốn sách “Thế giới quả là rộng lớn và có nhiều việc phải làm”, bản tiếng Việt: “Trong suốt 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành quả, và tôi không hề nghi ngờ và luôn tin rằng trong tương lai, sự phát triển và nhảy vọt lớn hơn sẽ soi sáng cho tương lai của đất nước Việt Nam. Việt Nam là đất nước luôn gần gũi và tình cảm như chính quê hương tôi vậy. Vì vậy, ngay cả bây giờ, tôi cũng thường xuyên ở Việt Nam và tìm kiếm sự bình yên cho tâm hồn”.
Ông chia sẻ với sinh viên và giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội về sự chăm chỉ, tập trung, dám ước mơ lớn, biết hy sinh, không ngừng trải nghiệm và học tập liên tục. Ông dùng chính những kinh nghiệm của cuộc đời mình để minh hoạ.
Trong bài nói chuyện của ông, có một chi tiết mà tôi thích thú. Đó là, năm 1964, khi trên đường bay sang Anh để học đại học, ông đã ghé qua Sài Gòn.
Theo nhận xét của ông, Sài Gòn khi đó kinh tế phát triển hơn Seoul. Khi đi dạo phố, ông phát hiện ra vải của Sài Gòn chất lượng tốt nhưng giá lại rẻ. Ông tìm hiểu và thấy rằng thị trường Hongkong rất chuộng loại vải này.
Thế là, ông quyết định bỏ chuyến du học ở Anh và trở về Hàn Quốc để gầy dựng xí nghiệp sản xuất vải. Và năm 1967, công ty kỹ nghệ Daewoo ra đời, với 10.000 USD tiền vốn trong căn phòng thuê nhỏ bé, bẩn thỉu, nhưng ước mơ của người sáng lập thì còn lớn hơn cả vũ trụ!
Triết lý làm việc của ông là “sáng tạo, hy sinh và thử thách”. Ông đã tạo ra một niềm tin “có thể làm được” trong suốt 30 năm phát triển kinh tế của Hàn Quốc. Nhiều thế hệ thanh niên, doanh nhân Hàn Quốc được cổ vũ bởi tinh thần “có thể làm được” này của ông và đã xây dựng nên đất nước Hàn Quốc hùng mạnh ngày hôm nay.
Một điều tôi rất trân trọng, nhưng không thích ở ông, đó là nghiện làm việc. Ông chỉ nghỉ có một ngày trong suốt nhiều năm. Đó là ngày đưa tang người con trai ông, bị chết do tai nạn, vào năm 1990.
Ông lấy công việc làm niềm đam mê, sở thích và thú vui của mình. Ông vẫn ước một ngày có 30 đến 90 giờ để có thể làm việc được nhiều hơn.
Khi chia tay, tôi có hỏi về phương châm sống của ông. Ông Kim trầm ngâm, rồi trả lời: “Điều tôi tâm niệm trong suốt cuộc đời mình là không có gì là không làm được. Khi chưa thực hiện mà đã nghĩ không làm được là một điều rất đáng tiếc!"
Tôi được biết, khi còn trẻ, ông đã dành trọn công sức để làm việc nên không đánh golf, không rượu chè. Nhưng giờ đây, khi ở vào độ tuổi 80, ông Kim hàng ngày lại đánh golf trên sân Vân Trì, Hà Nội như một cách duy trì sức khoẻ.
Ông vẫn làm chủ tịch một số công ty, chủ yếu là liên quan đến giáo dục. Đồng thời, ông chọn Việt Nam là quê hương thứ hai, và sống phần lớn thời gian ở Hà Nội.
26 năm đã trôi qua, kể từ khi ông xuất bản lần đầu tiên cuốn sách nổi tiếng, nhưng quan điểm của ông về thế giới vẫn vậy: “Dù trong quá khứ hay hiện tại, quan điểm thế giới rất rộng lớn và có rất nhiều việc để làm của tôi vẫn không hề thay đổi. Và tôi muốn nói rằng, cho dù các bạn có được sinh ra ở Việt Nam đi chăng nữa, thì vũ đài để các bạn thể hiện bản thân vẫn phải là thế giới”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tử vi ngày 23/1/2025 của 12 con giáp: Quý nhân giúp tuổi Mão, tuổi Tuất cẩn trọng hơn
Sau ngày 23 tháng 1: 3 con giáp đón vận may giàu sang, thịnh vượng, cuộc sống thăng hoa
Gia đình xuống dốc, dòng tộc khó hưng thịnh nếu con cháu xuất hiện những đặc điểm này, cần chấn chỉnh ngay trước khi quá muộn
Người xưa dạy cách nhìn người: “Ngựa nhìn bốn vó, người nhìn bốn tướng” là “bốn tướng” nào?
Loại hạt 'kim cương đỏ', Việt Nam trồng nhiều: Là ‘đồ ăn siêu cấp’, bán đắt gấp 10 lần ở trời Tây
Tết Nguyên đán 2025: 6 cây cảnh 'toả mùi giàu sang', người có tiền thích chưng trong nhà để chiêu may, gọi lộc