Có “bôi trơn” mới làm sổ đỏ
Người dân nghi ngờ có đường dây làm sổ đỏ từ các chủ đầu tư lên tới sở Tài nguyên và Môi trường
Vào sáng 29-9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Minh Quang cũng đã trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 63 đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành.
Đặt lên bàn nghị sự về tình trạng chờ đợi sổ đỏ trong mỏi mòn của không ít hộ dân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH, ông Nguyễn Sỹ Cương, chất vấn: “Người dân phản ánh lý do căn bản dẫn tới việc dài cổ chờ sổ đỏ phần lớn do tiêu cực, nhũng nhiễu, có nơi chủ đầu tư còn đòi người dân nộp 8 triệu đồng mới được làm nhanh. Bộ trưởng có biết việc này không và trách nhiệm của bộ như thế nào?”. Chưa hết, theo ông Cương, khi người dân phản ánh đến lãnh đạo Sở TN-MT TP Hà Nội thì không nhận được phản hồi. “Người dân nghi ngờ có đường dây làm sổ đỏ từ các chủ đầu tư lên tới Sở TN-MT. Tôi xin chuyển câu hỏi này tới bộ trưởng” - ông Cương nói.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang giải trình: Việc cấp sổ đỏ trên toàn quốc đã hoàn thành hơn 80%. Nhưng đúng là có sự nhũng nhiễu của cơ quan chức năng, nhất là đối tượng nhà chung cư ở Hà Nội.
Không hài lòng, ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội) nêu: Nhiều cử tri bất bình việc TP Hà Nội báo cáo “đã giải quyết cơ bản” nhưng bộ trưởng khẳng định có hiện tượng nhũng nhiễu. Đề nghị bộ trưởng thẩm định lại thông tin để chúng tôi có căn cứ báo cáo cử tri. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang chỉ nói: “Xin tiếp thu ĐB và sẽ có văn bản trả lời sau”!
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đặc biệt lưu ý việc cấp sổ đỏ cho các hộ chung cư ở thành phố lớn vì có nhiều biểu hiện tiêu cực...
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH, ông Đỗ Văn Đương, bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng vi phạm khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản từ cát, sỏi, vàng… Đây là hành vi rút ruột đất nước, hủy hoại nghiêm trọng môi trường, chiếm đoạt quyền lợi của nhân dân mà chỉ thấy xử rất nhẹ bằng hành chính. “Cử tri cho rằng phải có sự tiếp tay của cán bộ có thẩm quyền trong cấp phép cho đối tượng khai thác khoáng sản? Một tàu hút cát trên sông Hồng thu được 50-60 triệu đồng/ngày, không dễ gì mà lấy được giấy phép đó” - ông Đương thẳng thắn.
ĐBQH Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) cũng dẫn ra rằng nạn khai thác cát trái phép trên sông Hậu với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả nghiêm trọng làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở ảnh hưởng đến nhà cửa, nguy hiểm đến tính mạng… “Bộ có giải pháp gì đột phá để chấn chỉnh?” - bà Liên hỏi. Người đứng đầu ngành TN-MT cho biết bộ đã báo cáo Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Đặc biệt, sắp tới đây sẽ tăng cường thanh - kiểm tra, xử lý nghiêm các dự án cố tình kéo dài thời gian, không thực hiện nghĩa vụ khi giấy phép hết hạn. Bộ trưởng cũng đồng tình với việc phải xử lý các vi phạm nặng hơn nữa bằng tiền và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thấy nghiêm trọng.
Kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu bộ trưởng Bộ TN-MT một số vấn đề cấp thiết cần giải quyết ngay như cấp sổ đỏ, giải quyết khiếu nại tồn đọng lâu năm và tình trạng đất nông lâm trường để lãng phí, cho thuê, mượn tràn lan.
Để xử lý những đối tượng “ăn gần hết tài sản quốc gia”, cần bổ sung quy định pháp luật có khung hình phạt lên tù chung thân đối với hành vi buông lỏng trong quản lý, cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản.
Theo NLĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Không thiếu vốn để thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Cột tin quảng cáo